(TSVN) – Ngày 30/11, Bộ NN&PTNT phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Diễn đàn: “Chuyển đổi sang Hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp”; nhằm cung cấp tri thức với sự tham gia của các diễn giả hàng đầu thế giới nhằm định hướng tầm nhìn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam theo hướng phát triển xanh, phát thải thấp và bền vững.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 được Chính phủ ban hành ngày 1/10/2021 đã giao Bộ NN&PTNT xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, ít phát thải theo hướng kinh tế tuần hoàn, thông minh, thích ứng với khí hậu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp xanh, xây dựng và phát triển nông thôn mới theo hướng xanh, bền vững với các mô hình làng sinh thái, làng thông minh thích ứng với khí hậu. Cùng đó, Dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ NN&PTNT xây dựng nhằm mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới, được thiết kế xoay quanh 3 trụ cột: “Nông nghiệp sinh thái”, “Nông thôn hiện đại”, “Nông dân thông minh” hoàn toàn phù hợp với các định hướng chiến lược của quốc gia trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, các đại biểu được thông tin và thảo luận về các vấn đề “Làm thế nào nông nghiệp có thể trở thành một phần của giải pháp biến đổi khí hậu”; Thỏa thuận xanh của EU – Ý nghĩa đối với năng lực cạnh tranh xuất khẩu nông sản của Việt Nam; Chuyển đổi nông nghiệp xanh của Việt Nam: Hiện trạng và lộ trình khả thi; Các quan điểm quốc tế về chuyển đổi sang nền nông nghiệp giảm phát thải; Một số vấn đề cần quan tâm trong khai thác năng lực của khu vực tư nhân để khử carbon trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, đại diện một số tỉnh cũng trình bày các tham luận cũng như đề xuất, kiến nghị về tình hình sản xuất nông nghiệp xanh, chống phát thải, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại các địa phương.
Ông Steven Jaffee, Chuyên gia cao cấp WB cho rằng, Việt Nam cần có nền tảng kỹ thuật và công nghệ để thúc đẩy sự tham gia của người nông dân vào công cuộc phát triển nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, việc cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam cần đảm bảo sự hấp dẫn trong đầu tư; Việt Nam cũng cần xây dựng nhiều hơn những mô hình bền vững, chuyển đổi xanh để người nông dân thấy được những lợi ích. Còn bà Carolyn Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam chia sẻ, muốn chuyển đổi thành công thì lời nói phải đi đôi với hành động. Tương lai nông nghiệp Việt Nam sẽ dựa vào tri thức nhiều hơn so với tập quán thâm dụng tài nguyên và dấu chân carbon cần phải giảm thiểu. Việt Nam cần nhạy bén hơn những nhu cầu trên toàn cầu để sản xuất sản phẩm an toàn hơn với môi trường.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, dù tiếp tục là “trụ đỡ” của nền kinh tế, ngành nông nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, khó tránh khỏi, từ các vấn đề nội tại lẫn các yếu tố khách quan. Do đó, để bảo đảm được mục tiêu phát triển bền vững, việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp mới trở thành một yêu cầu cấp bách và cần thiết. Mặt khác, xanh hóa nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội, cần xác định tâm thế này để thay đổi; đây còn là trách nhiệm với hàng chục triệu hộ nông dân. Từng cơ quan trong Bộ như Cục trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… những cơ quan liên quan đến nông nghiệp xanh cần có những bước đi cụ thể, những gạch đầu dòng để bắt đầu thực hiện từ ngày hôm nay.
Theo vị tư lệnh ngành, cần thay đổi từ tư duy địa phương sang tư duy toàn cầu; từ tư duy khai thác sang tư duy nuôi dưỡng; từ tư duy ngắn hạn sang tư duy dài hạn và bền vững. Cần hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”. Với tư duy mới, chúng ta hoàn toàn có thể đặt ra khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc nông nghiệp sinh thái, trung hòa carbon thay vì chỉ là cường quốc về sản lượng lương thực.