Mới đây, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Hội hữu nghị Nhật – Việt tại Sakai và Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam tổ chức lễ giao nhận thiết bị và công nghệ câu cá ngừ đại dương của Nhật Bản cho ngư dân Bình Định và ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển đội tàu cá vỏ thép và vật liệu mới tại Bình Định.
Đây là chương trình hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương theo chuỗi giá trị áp dụng thiết bị và công nghệ của Nhật Bản, từ khâu tổ chức khai thác đến việc bảo quản theo chuỗi thu mua, vận chuyển và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Ngư dân khai thác cá ngừ bằng phương pháp câu tay – Ảnh: Xuân Trường
Tại buổi lễ, UBND tỉnh Bình Định đã chuyển giao 5 bộ câu cá ngừ đại dương của Nhật Bản (200 triệu đồng/bộ) cho Tổ đoàn kết 5 ngư dân của xã Tam Quan Bắc. Hệ thống câu cá ngừ đại dương theo phương pháp của Nhật Bản có 2 bộ phận chính là máy thu câu (MSW-1DR 130) và máy tạo xung (xung điện – Tuna Shocker). Dây câu được đưa qua máy thu câu để câu cá. Khi cá mắc câu, hệ thống sẽ tự xả dây khi lực cá lớn và tự thu dây khi lực cá yếu. Khi thu cá về gần mạn tàu, ngư dân sẽ dùng máy tạo xung để làm cá bị tê liệt nhanh chóng trước khi đưa lên tàu sơ chế, ướp lạnh. Sau khi bàn giao, Hội Hữu nghị Nhật – Việt tại Sakai đã cử 2 chuyên gia để hướng dẫn ngư dân sử dụng hệ thống máy câu. Theo các chuyên gia Nhật Bản, việc đánh bắt theo kiểu truyền thống của ngư dân Việt Nam lâu nay khiến giá cá thấp hoặc không xuất khẩu được qua các thị trường lớn, khó tính như Nhật Bản, châu Âu… Nguyên nhân là do quá trình đánh bắt cá theo kiểu thô sơ, cá giãy giụa nhiều làm thịt cá bị bầm, không đáp ứng yêu cầu chất lượng cao.