Chuyển hướng chất lượng thấp

Chưa có đánh giá về bài viết

9 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu cá tra giảm mạnh ở những thị trường chất lượng cao, chuyển sang thị trường chất lượng thấp. Đồng thời, sản phẩm giá trị gia tăng cũng giảm mạnh, tăng sản phẩm thô như cá tra nguyên con và cắt khúc.

Thông tin từ Hiệp hội Cá tra Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2015, cá tra đã thu hoạch với diện tích 2.671 ha, sản lượng 744.857 tấn. So với cùng kỳ năm trước, giảm theo thứ tự là 5% và 3%.

 

Thị trường

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, đến 15/9, sản phẩm cá tra xuất khẩu đi 131 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch 1.078 triệu USD, giảm 9,2% so cùng kỳ năm 2014. Tại những thị trường hàng đầu, giảm mạnh nhất ở EU với 17%; Mỹ giảm 3%, ASEAN giảm 2,2%. Nhưng tăng mạnh ở thị trường Trung Quốc và Hồng Kông, tới 48,2%.

Diễn biến những tháng đầu năm 2015 so cùng kỳ năm 2014, ở các thị trường cụ thể như sau: Thị trường EU giảm liên tục, quý I giảm 17,7%, tuột dốc không ngừng đến 22,3% vào tháng 8. Thị trường Mỹ giảm 6,9% ở quý I, sang quý II tăng 19,2% nhưng tháng 7 lại giảm sâu và tháng 8 tới đáy 23,7%. Thị trường ASEAN lúc tăng lúc giảm. Còn thị trường Trung Quốc và Hồng Kông tăng liên tục, quý I tăng 43,8%, quý II cũng tăng và đặc biết tháng 7 tăng đến 57,8%, tháng 8 tăng 29,6%.

Vì những biến động ấy, kim ngạch 4 thị trường lớn nhất, từ đầu năm đến tháng hết tháng 8 đã thay đổi. Hồi quý I, Mỹ đứng đầu với 21,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra, tiếp theo là EU 19,1%, ASEAN 9,4%, thứ tư là Trung Quốc và Hồng Kông 8,4%. Đến hết tháng 8, thị trường Trung Quốc và Hồng Kông vươn lên thứ ba, chiếm 9,8%; Mỹ và EU vẫn đứng nhất nhì nhưng tỷ trọng giảm xuống 20,3 và 18,8%.

Hiện cá tra Việt Nam xuất khẩu đi 131 quốc gia và vùng lãnh thổ – Ảnh: Ngọc Trinh

Còn nếu tính theo sản lượng đăng ký hợp đồng xuất khẩu, từ quý II, Trung Quốc và Hồng Kông đã đứng đầu, chiếm 18,6% tổng sản lượng cá tra. Tiếp theo là EU 14,2%; Mỹ 12,4% và ASEAN 9,8%. Sang quý III, thứ hạng đó giữ nguyên. Đến ngày 3/10, theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, có 203 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu 739.000 tấn. Trong đó, đứng đầu là thị trường Trung Quốc và Hồng Kông với 122.000 tấn, tiếp sau là EU và ASEAN, thị trường Mỹ đứng thứ tư với 88.000 tấn.

Lãnh đạo Hiệp hội Cá tra Việt Nam tỏ ra lo lắng về tình hình cá tra xuất khẩu của nước ta đã giảm thị trường chất lượng cao và tăng ở thị trường chất lượng thấp. Nhất là với thị trường chất lượng thấp Trung Quốc vốn rất thiếu thông tin, ẩn chứa nhiều rủi ro.

 

Sản phẩm

Phân tích của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, từ đầu năm đến nay, cá tra xuất khẩu giảm sản phẩm giá trị gia tăng mà tăng sản phẩm thô. Quý I, có 4 sản phẩm giá trị gia tăng, chiếm 1,78% tổng khối lượng xuất khẩu, sang quý III vẫn IV sản phẩm nhưng chỉ còn 0,53%. Cùng thời gian, cá tra nguyên con và cắt khúc tăng từ 7,02% lên 8,63%. Sản phẩm fillet đông lạnh vẫn chiếm trên dưới 80%, còn lại là phụ phẩm, bột cá, mỡ cá.

Vì tăng ở thị trường Trung Quốc và Hồng Kông nên đã có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở phía Bắc, như thành phố Hà Nội và tỉnh Lào Cai mỗi nơi có 1 doanh nghiệp. Nhiều địa phương khác không nuôi cá tra cũng có doanh nghiệp xuất khẩu cá tra như Khánh Hòa có 4 doanh nghiệp, Bình Dương có 2, Bình Thuận và Tây Ninh mỗi tỉnh có 1 doanh nghiệp. Thành phố Hồ Chí Minh có 77 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, nhiều nhất nước. Tuy nhiên, xuất khẩu sản lượng hàng đầu là các địa phương ở ĐBSCL.

Liên quan chất lượng sản phẩm còn có việc đăng ký vùng nuôi và đăng ký nuôi cá tra thương phẩm để truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm, vẫn chưa đạt yêu cầu. Đến 26/9, mới có 82% số doanh nghiệp nuôi cá và 18% số hộ nuôi cá đăng ký vùng nuôi, với sản lượng của doanh nghiệp chiếm 87%, còn hộ nuôi là 13%. Về đăng ký nuôi cá tra thương phẩm, còn có 50 doanh nghiệp với sản lượng hơn 77.000 tấn và 111 hộ với sản lượng hơn 46.000 tấn chưa có giấy đăng ký nuôi cá tra thương phẩm.

Đánh giá của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, doanh nghiệp đã có nguồn nguyên liệu chiếm 81,1% tổng sản lượng cá tra, hộ nuôi chỉ còn 18,9%. Sản lượng nguyên liệu của doanh nghiệp được đăng ký sử dụng cho các hợp đồng xuất khẩu chiếm 92%, nông hộ 8%. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm cá tra vẫn chưa được nâng lên. “Hơn một năm thực hiện Nghị định 36, do các cấp chưa kiên quyết nên kết quả cải thiện chất lượng sản phẩm cá tra chưa tốt. Doanh nghiệp và người tiêu dùng nước ngoài vẫn thiếu tin tưởng vào chất lượng cá tra. Đặc biệt là đang thiếu sáng kiến cải tiến chất lượng mang tính đột phá để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Võ Hùng Dũng chia sẻ.

>> Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam: Tính đến 3/10, dẫn đầu các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu lớn là Công ty CP Vĩnh Hoàn với 74.000 tấn thành phẩm, chiếm 10% tổng khối lượng xuất khẩu của ngành cá tra. Kế tiếp là Công ty CP Hùng Vương 40.000 tấn, chiếm 5,53%; Công ty TNHH Hùng Cá và Công ty CP Nam Việt, mỗi Công ty gần 5%.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!