(TSVN) – Dự án “Các cộng đồng ven biển thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) triển khai, với mục tiêu nâng cao tính chống chịu của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương, đặc biệt chú trọng vào phụ nữ. Thông qua đó thúc đẩy dịch vụ hệ sinh thái biển và ven biển, nâng cao đời sống của cộng đồng dựa vào thiên nhiên, thúc đẩy tổng hợp ven biển, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học.
Dự án được triển khai trên 3 tỉnh Bình Định, Sóc Trăng và Thừa Thiên – Huế với kinh phí 20.000.000 CAD, vốn ODA không hoàn lại do Chính phủ Canada tài trợ, thông qua UNDP. Thời gian thực hiện là 4 năm và sẽ kết thúc vào tháng 3/2027. Nội dung Dự án được thực hiện với 3 hợp phần chính về biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và bình đẳng giới, đối tượng hướng tới là cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ.
Bà Bùi Hòa Bình, cán bộ chương trình của UNDP chia sẻ, khi về đến Việt Nam, Dự án sẽ được chia làm 4 dự án nhỏ, với sự phân bổ kinh phí cho Bộ NN&PTNT và UNDP (11.031.699 CAD); tỉnh Sóc Trăng (3.637.149 CAD); tỉnh Thừa Thiên – Huế (3.575.421 CAD) và tỉnh Bình Định (1.755.371 CAD). Mỗi tỉnh sẽ thành lập ban quản lý dự án riêng và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nội dung dự án ở địa phương.
Mô hình du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường tại Cồn Chim sẽ được Dự án hỗ trợ thực hiện. Ảnh: Ái Trinh
Theo ThS Ðào Việt Long, Giám đốc Trung tâm Phát triển cộng đồng nghề cá (Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Bộ NN&PTNT), một trong những chuyên gia tư vấn xây dựng Dự án, Dự án sẽ tạo ra cơ hội hợp tác đối tác, cơ hội tiếp cận và áp dụng các tri thức mới, các mô hình tốt cho các cơ quan quản lý, các tổ chức tư nhân và người dân về quản lý tài nguyên biển; bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn lợi thủy sản bền vững, bảo vệ môi trường trong bối cảnh hệ sinh thái ven biển đang suy giảm do hoạt động của con người cũng như tác động của biến đổi khí hậu tại Bình Định. Những người được hưởng lợi trực tiếp sẽ là các ngư dân khai thác, người thu mua thủy sản, người chế biến và kinh doanh sản phẩm tự nhiên quy mô nhỏ, nhà quản lý du lịch, chủ ao nuôi trồng thủy sản và các nhóm khác.
Các hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt các hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ là đối tượng ưu tiên hưởng lợi của Dự án. Về lâu dài, Dự án giúp nâng cao ý thức cộng đồng và khuyến khích toàn dân tham gia vào công tác ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Nâng cao tính chống chịu của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương, đặc biệt chú trọng vào phụ nữ thông qua đó thúc đẩy dịch vụ hệ sinh thái biển và ven biển, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học.
Ngày 15/9 vừa qua, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức làm việc với Đoàn chuyên gia của UNDP để hoàn thiện Văn kiện Dự án “Cộng đồng ven biển thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam”. Tại đây, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cùng đại diện các Sở, ngành tham dự đã thống nhất các nội dung chính của Dự án được thực hiện tại Bình Định:
Trồng 50.000 cây rừng ngập mặn phân tán tại xã Phước Sơn, Phước Hòa (huyện Tuy Phước); xã Cát Minh, Cát Khánh (huyện Phù Mỹ) xã Mỹ Chánh, Mỹ Cát, Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ); thành lập khu bảo tồn biển vịnh Quy Nhơn; phục hồi 4 ha rạn san hô tại khu vực biển thuộc 4 xã/phường Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và Ghềnh Ráng; lắp đặt 6 – 8 trạm cảnh báo sớm về biến đổi khí hậu tại các xã/phường ven biển; hỗ trợ 6 – 8 mô hình sinh kế cho cộng đồng.
Theo kế hoạch Sở NN&PTNT Bình Định sẽ phối hợp cùng nhóm chuyên gia của UNDP hoàn thành Văn kiện Dự án và tiến hành các thủ tục đẩy, nhanh quá trình thẩm định và phê duyệt để Dự án có thể triển khai trong tháng 10 này.
Ái Trinh