(Thủy sản Việt Nam) – 2010 – một năm thành công của cá ngừ Việt Nam, xuất khẩu cá ngừ cả nước đạt khoảng 83.800 tấn, trị giá 293 triệu USD, tăng 48,9% về lượng và 59,9% về giá trị so với năm 2009. Năm 2011, xuất khẩu cá ngừ hướng tới mục tiêu 300 triệu USD. Với những tín hiệu khả quan cả về ngư trường và thị trường, cá ngừ Việt Nam hoàn toàn có thể đạt và vượt chỉ tiêu này.
Nhu cầu tăng
Vượt qua khủng hoảng, các nền kinh tế lớn trên thế giới đang trên đà hồi phục, nhu cầu tiêu dùng của người dân vì thế cũng dần thay đổi. Theo dự báo của Tổ chức Nông lương Thế giới, nhu cầu tiêu thụ thủy sản, đặc biệt là thủy sản giá trị cao như cá ngừ có xu hướng ngày càng tăng.
Đến cuối tháng 6 năm 2010, Mỹ đã vượt qua EU trở thành thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn và ổn định nhất của Việt Nam. Tính đến hết tháng 11 năm 2010, Mỹ đã nhập khẩu từ Việt Nam trên 27.000 tấn, kim ngạch đạt trên 120 triệu USD, tăng 54,6% về lượng và 94,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2009. Theo dự báo, nhu cầu nhập khẩu cá ngừ của thị trường này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm nay.
Tại thị trường EU, cá ngừ được xem là một trong những thực phẩm thủy sản rất được ưa chuộng, đặc biệt là Italia, Đức và Bỉ. Năm 2010, EU đã nhập khẩu trên 15.690 tấn cá ngừ từ Việt Nam, trị giá gần 57 triệu USD, tăng 3,9% về lượng và 12% về giá trị so với cùng kỳ 2009. Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ, thị trường EU vẫn còn rất rộng lớn và đầy triển vọng.
Nhật Bản là thị trường tiêu thụ cá ngừ hàng đầu thế giới. Hiện, mức tiêu thụ cá ngừ trung bình tại nước này là 41kg/người/năm và vẫn đang có xu hướng tăng. 11 tháng đầu năm 2010, Nhật Bản đã nhập khẩu trên 4.350 tấn cá ngừ từ Việt Nam, trị giá trên 20,8 triệu USD. Mặc dù hiện nay, nhiều doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam phải chịu mức thuế suất 7,2%, cao hơn 40% so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines… nhưng Nhật Bản vẫn là thị trường tiêu thụ cá ngừ đầy tiềm năng của Việt Nam.
Sản lượng khai thác cá ngừ của Việt Nam hiện đạt gần 10.000 tấn/năm Ảnh: Xuân Trường
Mặt khác, từ tháng 11/2010, Ủy ban quốc tế về Bảo tồn cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương (ICCAT) đã quyết định giảm khoảng 40% hạn ngạch khai thác năm 2011 đối với cá ngừ vây xanh tại Đông Đại Tây Dương xuống còn 6.000 tấn. Một số nước thành viên trong Ủy ban Bảo tồn Cá ngừ vây xanh phương Nam (CCSBT) cũng chủ trương giảm 20% hạn ngạch khai thác cá ngừ tại vùng này xuống còn 9.449 tấn. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và chiếm lĩnh thị trường.
Bội thu đầu năm
Trước những thuận lợi về thị trường và giá xuất khẩu, dự báo xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong năm 2011 sẽ tiếp tục tăng và đạt giá trị khoảng 300 triệu USD. Điều này hoàn toàn có thể trở thành hiện thực, khi điềm lành đến với các vùng biển của Việt Nam ngay trong những ngày đầu năm, ngư dân trúng đậm mùa cá ngừ.
Tại vùng biển huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, mỗi tàu cá ra khơi nội nhật trong ngày đều đánh bắt được từ 3-5 tấn cá ngừ, trị giá hàng trăm triệu đồng. Ông Nguyễn Lực, chủ tàu cá QNg 55095, công suất 75CV hành nghề lưới vây cho biết, trong một thời gian ngắn, tàu của ông đã khai thác được gần 8 tấn cá ngừ, trừ chi phí, ông thu được trên 200 triệu đồng. Hiện tại vùng biển Quảng Ngãi, mỗi ngày có hàng trăm tàu cá có công suất vừa và nhỏ tham gia đánh bắt cá ngừ. Tàu nào cũng khai thác được sản lượng lớn.
Còn tại Phú Yên, năm nay, chuyến tàu cá nào trở về cũng đầy ắp cá, trung bình từ 1-1,5 tấn (khoảng từ 15-20 con), trung bình mỗi tàu lãi vài chục triệu đồng, mỗi lao động được chia từ 4-5 triệu đồng. Cá biệt có tàu đạt sản lượng từ 2-3 tấn, mỗi lao động được chia từ 11-20 triệu đồng.
Chính sách để phát triển bền vững
Để đảm bảo phát triển bền vững nghề cá nói chung và nghề khai thác cá ngừ nói riêng, Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm và áp dụng mọi biện pháp để đảm bảo phát triển kinh tế thủy sản gắn liền với bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý nguồn lợi hải sản, đặc biệt là các loài cá di cư, nhất là nguồn cá ngừ. Để thực hiện được điều này, Việt Nam đã bắt đầu triển khai Dự án “Quản lý nghề cá đại dương khu vực Tây Thái Bình Dương – Đông Á” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ. Mục đích là nhằm nâng cao năng lực quản lý của các cán bộ nghiên cứu, quản lý ở mỗi nước tham gia, đồng thời tăng cường hợp tác giữa các nước (Indonesia, Philippines và Việt Nam), góp phần bảo tồn và quản lý các loài cá di cư xa bờ khu vực Tây Thái Bình Dương – Đông Á và thực hiện lộ trình gia nhập Ủy ban Nghề cá Trung và Tây Thái Bình Dương (WCPFC). Dự án này được thực hiện trong 3 năm (2009-2012). Ở Việt Nam, được triển khai tại 3 tỉnh trọng điểm khai thác cá ngừ đại dương là Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.
Việc triển khai dự án này được coi là bước đầu tiên để Việt Nam tham gia các hoạt động chung của khu vực nhằm tăng khả năng truy xuất nguồn gốc các sản phẩm cá ngừ; bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi, nhằm tránh các rào cản kỹ thuật đã và sẽ được dựng lên của các thị trường trọng điểm như EU, Mỹ, Nhật Bản…
Tháng 11/2010, Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam được thành lập, với 36 thành viên. Hiệp hội ra đời với mục đích hợp tác, liên kết, hỗ trợ với nhau trong việc phát triển các hoạt động nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các thành viên liên quan đến việc bảo vệ, đánh bắt, kinh doanh, chế biến nguồn cá ngừ trên phạm vi Việt Nam.
Nhìn chung, những chiến lược và chính sách phát triển này của Việt Nam đã góp phần tích cực đưa thương hiệu cá ngừ Việt Nam vươn tầm thế giới.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Hải sản, trữ lượng cá ngừ các loại ở vùng biển Việt Nam vào khoảng 662.000-670.000 tấn, khả năng khai thác bền vững khoảng 233.000 tấn; trong đó cá ngừ vằn trữ lượng 618.000 tấn và khả năng khai thác bền vững 216.000 tấn, cá ngừ đại dương (cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to) có trữ lượng khoảng 44.800-52.500 tấn, khả năng khai thác bền vững là 17.000 tấn. Hiện nay, nghề khai thác cá ngừ đại dương tập trung chủ yếu ở 3 tỉnh: Phú Yên, Bình Định và Khánh Hòa với đội tàu 1.044 chiếc, tổng công suất 146.000CV, chủ yếu bằng nghề câu vàng; sản lượng khai thác hàng năm đạt gần 10.000 tấn.
Hồng Hà