(TSVN) – Singapore mặc dù là thị trường nhỏ nhưng là cửa ngõ quan trọng để hàng hoá Việt Nam nói chung, thủy sản nói riêng tiếp cận nhiều quốc gia khác trong khu vực và thế giới.
Đó là ý kiến của bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tại Hội nghị kết nối giao thương doanh nghiệp thủy sản Việt Nam và Singapore do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Singapore, Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh tổ chức chiều 25/6.
Toàn cảnh Hội nghị kết nối giao thương doanh nghiệp thủy sản Việt Nam và Singapore. Ảnh: M.K
Theo bà Tường Lan, Việt Nam có thế mạnh về sản xuất, chế biến thì các doanh nghiệp Singapore lại có kỹ năng thương mại quốc tế rất tốt. Việt Nam và Singapore đều là thành viên của nhiều Hiệp định thương mại tự do trong khu vực và thế giới, vị trí địa lý gần nhau rất thuận tiện cho vận chuyển. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng việc hợp tác thương mại với các doanh nghiệp Singapore để tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia, khu vực khác nhau. Tuy nhiên, bà Lan cũng lưu ý các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cũng cần nghiên cứu và lựa chọn phân khúc thị trường phù hợp để tạo lợi thế cạnh tranh.
Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore cho biết, Singapore hầu như không có hoạt động sản xuất thủy sản, mức độ tự chủ về lương thực, thực phẩm của Singapore chỉ khoảng 10%, còn lại nhập khẩu từ bên ngoài. Singapore là quốc gia đa sắc tộc, mỗi sắc tộc có chế độ ăn khác nhau nhưng thuỷ sản lại đáp ứng nhu cầu của hầu hết các sắc tộc. Sản phẩm thuỷ sản Việt Nam xuất hiện tại Singapore ngày càng nhiều và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.
Hơn thế nữa, Singapore là trung tâm dịch vụ thương mại của cả khu vực và là nơi trung chuyển, xuất khẩu hàng hoá đi khắp thế giới từ Trung Quốc, Nga, Trung Đông, đến châu Âu… Do đó, việc kết nối doanh nghiệp thủy sản Việt Nam – Singapore mang lại nhiều lợi ích khi thông qua mạng lưới đối tác của nước này, thủy sản Việt Nam có thể quảng bá khắp nơi, kể cả những thị trường mà doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận được.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP cho rằng, Việt Nam – Singapore có mối quan hệ giao thương hơn 50 năm. Việt Nam hiện đã thiết lập quan hệ về kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn với Singapore để cùng phát triển. Nhờ uy tín thương mại của các doanh nghiệp Singapore, thông qua chương trình kết nối giữa doanh nghiệp hai nước, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Singapore sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới.
Trong 15 nước đang cạnh tranh khi xuất khẩu thủy sản sang thị trường Singapore, Việt Nam vươn lên trở thành 1 trong 5 nước xuất khẩu nhiều thủy sản vào thị trường này. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường Singapore trong 3 tháng đầu năm 2024 tăng 3,22% (giá trị xuất khẩu đạt hơn 24 triệu SGD) và mới chỉ chiếm 8,58% thị phần.
Về phía các doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng, hiện nay ngành thuỷ sản Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như việc thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hoá, các thay đổi trong quy định của thị trường EU, suy giảm thị phần xuất khẩu,… đặt ra nhu cầu tìm kiếm thị trường nguyên liệu mới, mở rộng thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại và đầu tư, trao đổi, học tập về phương thức kinh doanh, công nghệ sản xuất với các quốc gia và doanh nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực thuỷ sản trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, theo các diễn giả, để mở rộng xuất khẩu sang thị trường Singapore, các doanh nghiệp cần nỗ lực rất nhiều. Hiện nay, Singapore liên tục tìm kiếm để đa dạng hóa thị trường nhập khẩu. Nhưng, tình trạng lạm phát gia tăng cũng là thách thức không nhỏ cho ngành thủy sản của các nước xuất khẩu vào Singapore, trong đó có Việt Nam. Theo đó, nước nào tận dụng được lợi thế về logistics cũng như giảm thiểu được các chi phí sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh lớn hơn trong xuất khẩu hàng hóa vào Singapore.
Ông Trần Phước Anh, Giám đốc Sở ngoại vụ TP Hồ Chí Minh cho biết, hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia đạt nhiều thành tựu lớn. Singapore hiện đứng thứ 3/70 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ về số lượng dự án đầu tư vào các khu công nghiệp tại Việt Nam. Bên cạnh việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mới và tiềm năng, như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu, hai nước vẫn thường xuyên duy trì thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống, trong đó có lĩnh vực thủy sản.
Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vào Singapore, ông Trần Phước Anh cho biết, Sở Ngoại vụ TPHCM, cùng với Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, sẵn sàng là cầu nối để hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp Singapore tới tìm hiểu môi trường đầu tư – kinh doanh tại Thành phố và ngược lại, đóng góp tích cực để thúc đẩy mối quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Singapore lên tầm cao mới.
Tuệ Lâm