T2, 06/07/2020 09:56

Cơ hội cho xuất khẩu tôm cuối năm

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tôm của thế giới tăng cho kỳ nghỉ Noel và năm mới. Bên cạnh đó, xuất khẩu tôm của Thái Lan bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, nên đây được coi là cơ hội lớn cho xuất khẩu tôm của Việt Nam!

Kim ngạch tăng đều

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 10/2011 xuất khẩu tôm của nước ta đạt 262,5 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu tôm 10 tháng của năm lên 1,95 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm sang thị trường Nga tăng mạnh nhất, với 227,7%, đạt giá trị 18,527 triệu USD.

Hai thị trường lớn truyền thống của Việt Nam là Mỹ, tăng 2% lên 456,702 triệu USD và EU tăng mạnh 29% lên 350,318 triệu USD. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm vào thị trường Nhật Bản lại sụt giảm tới 0,04% về kim ngạch, xuống 477,191 triệu USD. Tuy nhiên, giá tôm của nước ta xuất sang thị trường này gần đây đạt kết quả tốt hơn so với các tháng đầu năm và cao hơn hẳn so với tôm cùng loại của Ấn Độ. Hiện tôm cỡ 8-12 con/pao có giá 42,15-42,78 USD/block, loại 13-15 con/pao giá 33,11-33,84 USD/block, loại 16-20 con/pao giá 27,46 USD/block.

Cơn lũ vừa qua tại Thái Lan đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu tôm của nước này. Theo ước tính, sản lượng tôm của nước này giảm khoảng 10-15%. Hơn nữa, tôm Thái Lan đang phải chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt vì nhiều nước lo ngại dịch bệnh lây lan do lũ lụt. Mỹ đã tăng cường gấp 5 lần kiểm tra chất lượng đối với tôm Thái Lan… Đây có thể là cơ hội để Việt Nam mở rộng thị phần tại Mỹ.

Giá tôm tăng nhanh nhưng doanh nghiệp chế biến xuất khẩu không đủ hàng để bán        Ảnh: Huy Hùng

 

Cơ hội thừa, nguyên liệu thiếu

Hiện nay, giá tôm nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL đã lên cao nhất trong vòng 10 năm qua. Tại Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng tôm loại 20 con/kg giá 210.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 170.000 đồng/kg…

Theo lãnh đạo của một tập đoàn thủy sản lớn thì giá tôm xuất khẩu đang tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính là do thị trường cuối năm nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng các nước tăng cao. Giá tôm tăng nhưng doanh nghiệp cũng không có đủ hàng để bán, doanh nghiệp phải thu mua cả tôm nuôi quảng canh ở các vùng, thậm chí là nhập khẩu tôm của Ấn Độ, Indonesia nhưng cũng chỉ đủ để cho nhà máy hoạt động từ 30-50% công suất. Đơn hàng đổ về dồn dập nhưng doanh nghiệp không dám nhận.

>> Tính đến ngày 18/11/2011, có tổng số 43 lô tôm của Việt Nam bị Nhật Bản cảnh báo nhiễm Enrofloxacin và số lô hàng nhiễm chất này có xu hướng tăng nhanh trong nửa cuối năm 2011. Việc bị cảnh báo không chỉ làm giảm đi uy tín của tôm Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu.

   Quốc Minh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!