Việt Nam đang là một trong những nước cung cấp thủy sản lớn nhất cho thị trường Úc. Ngược lại, nước này cũng đang là một trong những thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam.
Việc đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang Úc đang có nhiều triển vọng hơn nữa khi thuế nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam hiện chỉ còn bằng 0.
Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối, cho biết, Hiệp định thành lập Khu vực Thương mại Tự do ASEAN – Úc – New Zealand đã được ký kết vào ngày 27/2/2009 tại Thái Lan và có hiệu lực từ ngày 1/1/2010.
Theo lộ trình trong Hiệp định này, đến nay, Úc đã giảm thuế suất xuống còn 0% đối với các sản phẩm thủy sản Việt Nam. Ông Hòa khẳng định: “Đây là một lợi thế lớn để sản phẩm thủy sản Việt Nam có thêm sức cạnh tranh tại thị trường Úc”.
Theo ông Norman Grant, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà nhập khẩu thủy sản Úc (hiện có chuyến thăm tại Việt Nam), do nguồn thủy sản không dồi dào, nên nước này đang phụ thuộc phần lớn vào thủy sản nhập khẩu. Ước tính mỗi năm, thủy sản nhập khẩu chiếm tới 70% nhu cầu tiêu thụ thủy sản của người dân Úc, với lượng nhập khẩu vào khoảng 200 ngàn tấn.
Tôm là mặt hàng thủy sản chủ lực xuất khẩu sang Úc
Xu hướng nhập khẩu thủy sản vào Úc vẫn sẽ còn tăng lên trong những năm tới. Ông Norman Grant dự báo trong khoảng 10 năm tới đây, nước này có thể phải nhập khẩu tới cả triệu tấn thủy sản.
Việt Nam là một trong những nước cung cấp thủy sản lớn nhất cho thị trường Úc. Trong năm 2012, giá trị thủy sản nhập khẩu vào Úc từ Việt Nam là 182 triệu USD, chiếm 1/4 kim ngạch nhập khẩu thủy sản của nước này. Và với kim ngạch nói trên, Úc đang là thị trường lớn thứ 5 của thủy sản Việt Nam, đạt mức tăng trưởng khá là 11,69% trong năm 2012.
Tôm là mặt hàng thủy sản xuất khẩu quan trọng nhất vào Úc, chiếm gần 60% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này, tiếp đó là cá tra chiếm 26,2%, nhuyễn thể 3,4%.
Thống kê cho thấy trong 4 năm qua, Việt Nam dẫn đầu về cung cấp tôm chế biến cho Úc. Kim ngạch xuất khẩu tôm chế biến sang nước này trong năm ngoái là trên 77 triệu USD. Cá tra tuy chưa quen thuộc lắm với đa số người tiêu dùng Úc (vì người dân nước này quen dùng cá biển hơn cá nước ngọt), nhưng triển vọng của cá tra Việt Nam tại thị trường này là không nhỏ, nhất là khi một loài cá khác được nuôi ở Việt Nam là cá chẽm đang rất được người Úc ưa chuộng.
Ông Norman Grant cho biết, hiện tại, mỗi năm, Úc mới nhập khẩu chừng 15 ngàn tấn cá tra từ Việt Nam, nhưng tiềm năng có thể lên tới 100 ngàn tấn/năm.
Cũng theo ông Norman Grant, một điểm thuận lợi nữa của thị trường Úc đối với thủy sản Việt Nam là nước này không dựng nhiều rào cản khắt khe, vô lý như kiểu thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp… như ở một số thị trường khác. Nói chung, so với Mỹ hay EU, thị trường Úc tương đối dễ tính hơn.
Tuy nhiên, không phải không có những khó khăn cho việc đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào thị trường đầy tiềm năng này. Trong đó, một trong những cái khó lớn nhất là chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo ông Đoàn Xuân Hòa, người Úc rất nhạy cảm với những vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Mà vừa qua, vẫn còn nhiều lô hàng thủy sản của Việt Nam bị cơ quan chức năng Úc cảnh báo.
Mới đây Bộ Nông lâm ngư nghiệp Úc đã thông báo về việc phát hiện dư lượng Fluoroquinolones tăng cao trong hàng thủy sản Việt Nam, với 39 lô bị cảnh báo. Mặt khác, những thông tin không đúng về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản Việt Nam được đăng tải trên một số phương tiện truyền thông ở châu Âu, Mỹ…, cũng đã có tác động tới một bộ phận người tiêu dùng Úc.
>>Vừa qua, Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản VN đã mời một đoàn nhà báo Úc sang thăm các cơ sở nuôi trồng, chế biến thủy sản Việt Nam. Cùng đi với đoàn nhà báo này, ông Norman Grant cho hay những thông tin mà Hiệp hội Các nhà nhập khẩu thủy sản Úc và các nhà báo thu thập được trong chuyến đi sẽ rất cần thiết đối với người tiêu dùng Úc. |