Cơ hội làm giàu từ cá chiên thương phẩm

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Cá chiên thường sống ở thượng lưu hệ thống sông Hồng, sông Lô, sông Mã. Đây là loài cá quý hiếm, có giá trị cao và là loại đặc sản trên thị trường. Việc Trung tâm Giống thủy sản miền Bắc nhân giống thành công và đưa vào mô hình nuôi thương phẩm đã và đang mở ra cơ hội làm giàu cho người nông dân.

Nguy cơ tuyệt chủng loài cá quý

Cùng với lăng chấm, anh vũ, rầm xanh, bỗng, cá chiên được liệt vào hàng đặc sản tiến vua. Thường sống ở tầng đáy, ưa những nơi có khe nước chảy, đáy là cát đá, cá chiên có thể biến đổi màu, ở môi trường nước trong cá có màu nâu đen, trong môi trường nước đục cá có màu vàng nâu. Theo Thạc sĩ Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản miền Bắc, hiện nay, việc khai thác quá mức bằng những phương tiện hủy diệt đã làm nguồn lợi cá chiên suy giảm nghiêm trọng. Sản lượng cá tự nhiên đang ngày càng ít và được xếp ở mức độ nguy cấp bậc 2. Một số ngư dân cho biết, số lượng bãi cá của cá chiên còn rất ít, cá có trọng lượng trên 1 kg ngày càng giảm.

Cá chiên được coi là cá đặc sản của các vực nước nhiệt đới. Không những vậy, da cá chiên cỡ lớn có thể thuộc làm đồ dùng. Nuôi cá chiên thương phẩm không những mang lại thu nhập cao cho người dân mà còn góp phần bảo vệ một loài cá quý hiếm trước nguy cơ tuyệt chủng, góp phần bảo vệ nguồn lợi và phát triển đa dạng sinh học.

Cá chiên dễ nuôi, giá trị thương phẩm cao

 

Nguồn thủy sản tiềm năng

Cá chiên dễ nuôi, giá trị thương phẩm cao, ít bị dịch bệnh, tập tính sinh trưởng khá đơn giản, không tốn nhiều thức ăn. Hiện tại, Trung tâm Giống thủy sản miền Bắc tại Thạch Khôi – Hải Dương đã thành công trong việc nghiên cứu và sản xuất giống cá chiên, đảm bảo quy trình nuôi cho cá đạt giá trị thương phẩm cao.

Anh Nguyễn Đức Thống, cán bộ phụ trách sản xuất tại Trung tâm cho biết: Thực tế một số mô hình nuôi cho thấy, nếu người nuôi chọn mỗi lồng cá có từ 100 – 150 con, sau hơn một năm nuôi, trung bình mỗi con đạt từ 1,3 – 1,8 kg, tổng sản lượng đạt từ 190-250 kg/lồng. Giá cá chiên bán trên thị trường hiện nay dao động từ 250.000 – 300.000 đồng/kg, người nuôi cá chiên sẽ có lãi, thu nhập mỗi năm có thể trên 60 triệu đồng.

Việc nghiên cứu thành công quy trình công nghệ sản xuất giống cá chiên của Trung tâm sẽ giúp người nuôi chủ động sản xuất con giống, dần dần hạn chế và chấm dứt tình trạng đánh bắt cá chiên giống tự nhiên. Đồng thời, giúp mở rộng và phát triển nuôi đối tượng cá có giá trị kinh tế cao, góp phần xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Cá chiên thương phẩm hứa hẹn trở thành nguồn thủy sản tiềm năng phục vụ xuất khẩu.

Gần đây, đã có nhiều mô hình nuôi cá chiên trong lồng ở các sông lớn như sông Mã, sông Lô, Kinh Thầy. Tuy nhiên, vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, lợi nhuận chưa xứng với tiềm năng của cá chiên. Thiết nghĩ, ngành thủy sản cần xây dựng mô hình nuôi cá chiên hiệu quả, phù hợp, vừa mang lại thu nhập cao cho người nông dân, vừa đảm bảo môi trường, vừa tương xứng với nguồn cá quý thiên nhiên ban tặng.

>> Cá chiên có thân trần, đầu dẹt bằng, thân dẹt bên, đuôi thon, đầu và thân có các u thịt nhỏ màu vàng. Miệng lớn, có 4 đôi râu, 2 hàm răng sắc, nhỏ. Vây lưng có 1 gai cứng trơn, vây ngực có gai răng cưa, thuỳ trên vây đuôi kéo dài. Cá chiên lúc nhỏ ăn các loại côn trùng sống dưới nước, khi lớn chúng ăn chủ yếu là cá. Cá chiên từ 7cm đã bắt đầu ăn cá con. Nuôi dưỡng thử nghiệm trong lồng, cá chiên ăn mạnh các loại thức ăn như: giun đất, tôm, cá xắt miếng, bì lợn luộc.

 

Trần Phương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!