Cơ hội mới cho nuôi bào ngư thương phẩm

Chưa có đánh giá về bài viết

Hiện nay, nhu cầu nuôi bào ngư đang ngày một tăng. Việc sinh sản thành công giống bào ngư tại Cô Tô (Quảng Ninh) là bước tiến mới trong việc phát triển nguồn giống nhằm giảm áp lực với khai thác tự nhiên, đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm của người dân.

Thế mạnh của Cô Tô

Từ trước tới nay, phát triển kinh tế của huyện đảo Cô Tô chủ yếu dựa vào nghề du lịch, trồng rừng và nuôi trồng, khai thác thủy sản; trong đó NTTS đóng góp 30% GDP của địa phương. 

Ông Bùi Như Duân, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện đảo Cô Tô cho biết: “Cô Tô là đảo tiền tiêu phía Đông của Tổ quốc, những năm 2010 trở về trước, đời sống người dân trên đảo còn gặp nhiều khó khăn do không có điện lưới; thu nhập chính của người dân trên đảo là làm dịch vụ hậu cần nghề cá, trồng rừng và nuôi thủy sản. Từ khi có hệ thống điện lưới quốc gia, diện mạo của đảo đã thay đổi hẳn, ngoài thế mạnh là nuôi và khai thác thủy sản thì người dân đã biết làm du lịch. Nhưng trong Nghị quyết phát triển kinh tế của huyện đảo thì nghề nuôi thủy sản đóng vai trò chủ lực. Ngoài những đối tượng chủ yếu là cá song, cá mú, tu hài, hàu… thì bào ngư cũng là thế mạnh của địa phương. Có thể nói, cùng với huyện đảo Bạch Long Vỹ, Hải Phòng thì huyện đảo Cô Tô cũng là cái nôi của nghề nuôi và khai thác bào ngư vùng Đông Bắc”.

Cô Tô là một cái nôi của nghề nuôi bào ngư vùng Đông Bắc

Khoảng những năm 2005 trở về trước, khi giá 1 kg bào ngư được tính bằng vàng, người dân đảo cô Tô coi nghề khai thác bào ngư là “vàng đen” chỉ sau khai thác than. Nhưng sau một thời gian khai thác theo kiểu tận diệt thì lượng bào ngư tự nhiên không còn mấy, người dân chuyển sang nuôi các loại đối tượng khác như cá giò, cá mú, tu hài… nhưng hiệu quả không cao lại gặp nhiều rủi ro. Chính vì thế một số gia đình đã tìm nguồn giống để phát triển nghề nuôi bào ngư trở lại. 

 

Cơ hội rộng mở

Đầu năm 2016, Dự án “Sản xuất giống bào ngư 9 lỗ tại Cô Tô” được triển khai. Sau một thời gian, Dự án đã đạt kết quả ngoài sự mong đợi. 

Theo Sở NN&PTNT Quảng Ninh, toàn tỉnh hiện có 17 cơ sở sản xuất và kinh doanh giống thủy sản; trong đó có 8 cơ sở sản xuất giống tôm, 5 cơ sở sản xuất giống nhuyễn thể, 4 cơ sở sản xuất cá nước ngọt, 2 cơ sở sản xuất giống thủy sản nước mặn lợ và chưa có cơ sở nào đầu tư sản xuất giống bào ngư… Trước đây, người dân muốn nuôi bào ngư thương phẩm phải nhập giống không rõ nguồn gốc nên chất lượng rất kém, ảnh hưởng đến quá trình nuôi. Việc cho sinh sản thành công giống bào ngư là một bước tiến mới trong việc phát triển nguồn giống nhằm đáp ứng nhu cầu của người nuôi”.

Cũng theo ông Lại Duy Phương, để có được như ngày hôm nay phải kể đến sự nỗ lực và đóng góp rất lớn của HTX Thành Phát, đặc biệt là sự quyết tâm của Chủ nhiệm HTX Nguyễn Thị Dung. 

Bà Dung chia sẻ: “Được sự hỗ trợ của RIMF, HTX Thành Phát đã xây dựng 1 trại sản xuất giống quy mô hơn 2.000 m2  để sản xuất bào ngư giống với số vốn đầu tư lên đến gần 2 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, trại sản xuất giống bào ngư của HTX Thành Phát đã cho “ra lò” hơn 100.000 con giống, cung cấp một phần nhu cầu của người nuôi quanh đảo Cô Tô nói riêng và trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung”.

Ông Nguyễn Xuân Sinh, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Phát triển Nghề cá vịnh Bắc Bộ cho biết: “Người dân có thể thả giống bào ngư quanh năm, tuy nhiên nên tránh thả vào thời điểm nắng nóng; nên thả giống tốt nhất là tháng 3 – 5 dương lịch hàng năm. Phải chọn con giống chất lượng tốt, khỏe mạnh, hình dạng hoàn chỉnh, không dị hình, lực bám mạnh, không mang mầm bệnh, được kiểm dịch trước khi đưa ra vùng nuôi, kích thước chiều dài vỏ con giống tối thiểu đạt 8 – 10 mm. Thức ăn của bào ngư là hỗn hợp rong biển (rong mơ, rong câu, rong đông… ), vì vậy, trước khi cho bào ngư ăn, cần phải lấy hết thức ăn thừa ra đối với nuôi lồng, sau đó mới đưa nguồn thức ăn mới vào. Trong quá trình nuôi, định kỳ kiểm tra tỷ lệ sống và sinh trưởng của bào ngư; đặc biệt phải thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường, độ mặn, nhiệt độ, độ trong và màu nước theo quy trình kỹ thuật. Đây là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để đảm bảo thành công”.

>> Theo dự kiến, đến năm 2020, quy mô diện tích nuôi bào ngư ở nước ta ước đạt trên 2.000 ha, nhu cầu giống khoảng trên 2 tỷ con. Do đó, việc sản xuất thành công bào ngư giống trên địa bàn huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh không những góp phần giảm giá thành con giống (tiết kiệm được khoảng 50% so với chi phí nhập nội) mà còn tăng lợi nhuận đối với nghề nuôi thương phẩm.

Minh Hải

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!