Cơ hội phát triển thương hiệu cá ngừ Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

(TCTS) – Cá ngừ là sản phẩm thuỷ sản có giá trị xuất khẩu đứng thứ 3 ở Việt Nam sau con tôm và cá basa. Tuy nhiên, do nhiều rào cản về thương mại quốc tế, thương hiệu cá ngừ Việt Nam gặp không ít khó khăn trong xuất khẩu. Việc Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam ra đời sẽ giúp các doanh nghiệp, tổ chức, ngư dân tháo gỡ những rào cản kỹ thuật, sản xuất, xuất khẩu, góp phần khẳng định thương hiệu cá ngừ đại dương Việt Nam trên thị trường quốc tế.

 

Khai thác cá ngừ đại Dương tại cảng Cát Lở – Vũng Tàu     Ảnh: Lê Ngọc Phước

 

Phát triển chưa xứng với tiềm năng

Theo khảo sát của Hội Nghề cá Việt Nam, CNĐD là loài cá di cư rộng, trữ lượng đi qua vùng biển nước ta (không kể cá ngừ bố mẹ sinh sản) khoảng 45.000 tấn, tập trung chủ yếu ở ngoài khơi miền Trung nước ta. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn lợi CNĐD ở Việt Nam chưa được điều tra, nghiên cứu và khảo sát đầy đủ các thông tin về tập tính di cư, kết đàn… để đảm bảo khai thác đồng bộ và bền vững; năng suất khai thác có dấu hiệu giảm sút. Tàu thuyền, trang bị khai thác quy mô nhỏ, ngư cụ và phương pháp đánh bắt còn đơn điệu, thủ công, tính chuyên nghiệp thấp. Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất trên biển còn mang tính đơn lẻ, hệ thống cơ sở thu mua, dịch vụ hậu cần thiếu đồng bộ và không đáp ứng ứng được nhu cầu đánh bắt, dịch vụ thương mại theo hướng hiện đại. Mặt khác, công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm; đào tạo lao động lành nghề chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, cơ chế chính sách phát triển khai thác, dịch vụ, thị trường và xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Từ năm 2007 đến nay, một số nước trong Liên minh châu Âu (EU) như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… đã từ chối việc nhập khẩu cá ngừ và cá kiếm của Việt Nam. Lý do mà các nước này đưa ra là EU là thành viên của Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương (WCPEC) nên họ chỉ nhập khẩu các loại cá đánh bắt được trong khu vực do Ủy ban quản lý, bao gồm các vùng biển đặc quyền kinh tế của các nước có bờ biển nằm trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có Hiệp hội Cá ngừ như các nước, không phải là thành viên của WCPEC nên không được xuất khẩu vào các nước này.

Đại hội thành lập Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam lần thứ I

 

Hiệp hội Cá ngừ ra đời – bước hội nhập cần thiết

Ông Vũ Đình Đáp, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 3 – Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam cho biết: Sau 3 năm vận động, thông qua việc thành lập các chi hội cơ sở, đến năm 2010, Bộ Nội vụ, Bộ NN&PTNT đã có Quyết định thành lập Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam. Chức năng, nhiệm vụ của Hiệp hội là tổ chức các hình thức liên kết, hợp tác, phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác, nuôi trồng, bảo quản, vận chuyển chế biến và tiêu thụ CNĐD; tham gia tổ chức các mô hình hậu cần trên biển, đảo, quần đảo nhằm tăng sản lượng, giá trị sản phẩm của cá ngừ Việt Nam. Hiệp hội có trách nhiệm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tổ chức xúc tiến thương mại thông qua các hội nghị, hội thảo, hội chợ quốc tế ở trong và ngoài nước; tăng cường khả năng cạnh tranh, chống các rào cản thương mại của các nước, bảo vệ uy tín và lợi ích sản phẩm cá ngừ Việt Nam. Hiệp hội còn là tổ chức nhận được hạn ngạch sản lượng khai thác tối đa cho phép hàng năm, quota? khai thác đối với các quốc gia thành viên, đồng thời là đại diện có trách nhiệm tham gia giám sát các hoạt động khai thác của các nước khác tham gia Hiệp ước trong khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, hiệp hội thực Hiện chuyển giao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất cho người khai thác, chế biến và tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trên thị trường thế giới. Kiến nghị Nhà nước về các cơ chế, chính sách có liên quan đến công tác quy hoạch, sản xuất, nghiên cứu khoa học, đào tạo thương mại thị trường và các vấn đề khác trên biển liên quan đến ngư dân; đồng thời là kênh chuyển tải các chính sách hỗ trợ của phủ cho nghề sản xuất CNĐD của ngư dân và các doanh nghiệp. Ngoài ra, tổ chức hỗ trợ, giúp nhau trong phòng chống bão, hải tặc, thực hiện cứu hộ, cứu nạn trên biển và tham gia công tác bảo vệ an ninh quốc phòng trên biển.

 

 

Ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam

Theo chương trình hành động của Hiệp hội, phấn đấu đến năm 2015, số tàu khai thác cá ngừ công nghiệp nghề câu vàng 120 chiếc, lưới vây 10 chiếc; tàu câu cá ngừ truyền thống 1.700 chiếc, lưới vây bán cơ giới 800 chiếc. Theo đó, sản lượng khai thác CNĐD đạt 30.000 tấn, trong đó khai thác ở vùng nước quốc tế 13.000 tấn, khai thác cá nổi đại dương và cá ngừ khác 120.000 tấn; sản lượng chế biến, tiêu thụ cá ngừ 200.000 tấn (kể cả nhập khẩu nguyên liệu). Ngoài ra, Hiệp hội sẽ triển khai các nhiệm vụ cơ bản nhằm hoàn thiện và khai thác hiệu quả các cơ sở, mô hình dịch vụ thủy sản trên biển, tại các đảo, quần đảo xa bờ và phát triển mô hình nuôi cá ngừ thương phẩm.

 

 

Ông Nguyễn Xuân Nam, Giám đốc Công ty TNHH Hải Vương

Có thể nói các DN sản xuất chế biến và xuất khẩu CNĐD cũng chật vật chẳng kém gì bà con ngư dân. Nhiều DN đi lên rồi lại đi xuống, hầu hết các DN tham gia sản xuất chế biến cá ngừ đều có cùng cảnh ngộ thiếu nguyên liệu trầm trọng. Không thể giữ khách hàng, giữ thị trường nếu không có cá để bán và ngược lại kinh doanh không hiệu quả sẽ không có tài chính để đầu tư máy móc thiết bị và tìm kiếm công nghệ mới. DN xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam nói chung và của Khánh Hoà nói riêng sẽ bế tắc nếu không tìm được hướng đi lâu dài. Chính vì thế, việc thành lập Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam sẽ giúp các DN, tổ chức, ngư dân tháo gỡ những vướng mắc trên, góp phần khẳng định thương hiệu CNĐD Việt Nam trên thị trường quốc tế.

 

 Anh Tuấn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!