(TSVN) – Ngành thủy sản sắp qua một năm bất thường chưa từng có khi thị trường ế ẩm, giá bán giảm mạnh và chuỗi cung ứng bị gián đoạn do COVID-19. Trong bối cảnh đó, xu hướng bán lẻ và cơ chế thích ứng trên một thị trường đang thay đổi sâu sắc là những vấn đề được quan tâm.
Theo một khảo sát của Liên minh NTTS toàn cầu (GAA), thị trường thủy sản toàn cầu đối mặt khó khăn chồng chất từ đầu năm nhưng sẽ đón nhận tín hiệu tích cực hơn vào những tháng cuối năm. Những phản hồi từ cuộc khảo sát của tổ chức này cho thấy sự gia tăng khổng lồ về lượng tiêu thụ các mặt hàng thủy, hải sản tươi và đông lạnh trong năm nay do người tiêu dùng chuyển sang nấu ăn tại nhà sau khi nhiều nhà hàng bị đóng cửa.
Theo thống kê của GAA tại thị trường Mỹ, xu hướng tiêu dùng thủy, hải sản tại nhà đang lan rộng khắp nơi. Trước đây, khách hàng chỉ ăn món fillet cá hồi tại nhà hàng, thì nay món này trở thành thức ăn quen thuộc trong các bữa cơm gia đình. Một chuỗi siêu thị tại Mỹ đã thống kê lượng tiêu thụ cá hồi và tôm tăng 40%, còn tiêu thụ cua và cá tuyết tăng gấp đôi. Cá hồi và tôm trở thành những từ khóa tìm kiếm nhiều nhất trên Google trong năm nay là bằng chứng cho thấy đại đa số người tiêu dùng ở những thị trường phương Tây bắt đầu quan tâm đến chế biến thủy, hải sản tại nhà. Rich Castle, Giám đốc kinh doanh thủy sản tại Giant Eagle, công ty sở hữu nhiều siêu thị tại 5 bang thuộc Mỹ cho biết, trong lúc bị bắt buộc phải nấu ăn tại nhà, nhiều khách hàng nhận ra thủy sản là thực phẩm đầy đủ dinh dưỡng protein mà lại dễ chế biến nhất. Ivan Vindheim, CEO của tập đoàn nuôi cá hồi lớn nhất thế giới Mowi chia sẻ trong một cuộc họp trực tuyến DNB gần đây, ngành cá hồi ghi nhận sụt giảm doanh thu chỉ 10% so năm trước bất chấp chuỗi dịch vụ ẩm thực – kênh tiêu thụ cá hồi truyền thống, bị sụp đổ. Rõ ràng, sự gia tăng doanh số ở phân khúc thị trường bán lẻ đã bù lại những tổn thất to lớn của ngành cá hồi ở tất cả các phân khúc thị trường đã bị mất đi.
Dù vậy, thủy, hải sản vẫn luôn là nhóm mặt hàng protein có nguy cơ biến động giá lớn nhất bởi quá phụ thuộc vào kênh dịch vụ ẩm thực và vận tải hàng không, theo Urner Barry. Đơn cử, sản phẩm fillet cá hồi trim D từ Chilê đã rớt giá xuống mức thấp kỷ lục từ năm 2015. Trong khi, sản phẩm tôm cũng chung số phận tương tự khi cùng lúc phải chịu những tác động từ COVID-19 và những dư chấn từ khủng hoảng nguồn cung vào cuối năm 2019.
Sự sụt giảm mạnh về giá bán của những sản phẩm thủy, hải sản là nguyên nhân chính phía sau sự tăng vọt của doanh số hàng hóa thuộc phân khúc bán lẻ. Ngoài những sản phẩm truyền thống như cá ngừ hộp, người tiêu dùng đã mua nhiều loại thủy sản khác để chế biến các món ăn cho gia đình. Nikolik, một chuyên gia tại Rabobank cho rằng, phân khúc bán lẻ đã cứu sống nhiều công ty thủy, hải sản trước nguy cơ sụp đổ.
Do nhiều vụ bê bối an toàn thực phẩm trên toàn cầu, người tiêu dùng tại hầu hết các thị trường phương Tây cũng bắt đầu chuyển sang ăn thủy, hải sản để thay thế các loại protein khác như thịt bò, heo hoặc thịt gia cầm. Phần lớn quan điểm của nhóm người tiêu dùng này là thủy, hải sản thuộc nhóm thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch bởi nhiều sản phẩm chứa các loại axit béo omega-3 tốt cho sức khỏe hệ tim mạch. Cũng trong năm 2020, phân khúc bán lẻ thắng lớn ở cả 2 nhóm mặt hàng thủy sản đông lạnh và tươi.
Xu hướng chuyển đổi tiêu dùng các loại protein từ những vật nuôi trên cạn sang protein thủy, hải sản đang lan khắp các thị trường toàn cầu. Các hãng bán lẻ tại Brazil, Canada, châu Âu và Hàn Quốc trong năm qua đều ghi nhận sự tăng trưởng ngoạn mục của doanh số mặt hàng thủy, hải sản do người tiêu dùng mua mang về nhiều hơn trước. Khắp nơi, từ những người nuôi cá chẽm châu Âu đến nhà xuất khẩu tôm tại châu Á đều đang vạch ra những chiến lược tăng cường nguồn cung sản phẩm giá trị gia tăng và tiếp thị trực tiếp sản phẩm qua kênh bán hàng trực tuyến mà không qua trung gian.
Kênh bán lẻ đang lên ngôi, nhưng sau đại dịch COVID-19, rất có thể nó sẽ phải nhường lại thị phần cho kênh dịch vụ ẩm thực, nhất là khi người tiêu dùng quay lại nhịp sống bận rộn thường ngày. Dù vậy, nhiều công ty đã nhanh chóng thay đổi để nắm bắt cơ hội từ thị trường bán lẻ như chuyển sang chế biến sản phẩm ăn liền để tiết kiệm thời gian chế biến cho người tiêu dùng.
Ví dụ, Công ty Blue Apron và HelloFresh đã tung ra sản phẩm bếp ăn tiện lợi – đây là những món ăn đa dạng được chế biến từ thủy, hải sản, có thể ăn liền mà không cần mất thời gian chế biến. Doanh số của hai công ty này cũng tăng vọt nhờ nhóm mặt hàng mới nói trên. Các công này cũng phân phối sản phẩm trực tiếp tới người tiêu dùng qua các kênh bán hàng online.
Hiện, các chuỗi siêu thị đang bắt đầu chiến dịch tiếp thị để đẩy mạnh doanh số bán hàng. Food Lion, một chuỗi siêu thị tại Mỹ của Tập đoàn Ahold Dellhaize sẽ sử dụng kênh online và chiến lược “đồng tiếp thị” để giữ chân khách hàng và giúp họ duy trì thói quen tiêu dùng thủy sản tại nhà. Josna Busby, Giám đốc kinh doanh thủy sản tại chuỗi siêu thị này cho biết: “Chúng tôi muốn cung cấp thêm thông tin tới khách hàng để xu hướng tiêu dùng này được tiếp tục duy trì. Công cụ mà chúng tôi sử dụng là kênh online, mạng xã hội, thương mại điện tử và chương trình đồng tiếp thị”.
Dù vậy, trên thực tế, các công ty thủy sản vẫn đang nghiên cứu chiến lược phân phối sản phẩm hoàn chỉnh tới tay người tiêu dùng trực tiếp. Cả các hãng bán lẻ hay dịch vụ ẩm thực đều đồng ý rằng, thị trường của các sản phẩm thủy sản trên toàn thế giới, đặc biệt là Bắc Mỹ đang thay đổi sâu sắc với các xu hướng tiêu dùng mới. Doanh nghiệp sẽ tồn tại và phát triển tốt chỉ khi biết ứng phó linh hoạt và nắm bắt được các cơ hội từ sự thay đổi của thị trường trong và sau COVID-19.
>> Có tới 100.000 nhà hàng tại Mỹ bị đóng cửa tạm thời hoặc dài hạn, theo Hiệp hội Nhà hàng quốc gia (NRA). Tuy nhiên, không có bằng chứng nào khẳng định xu hướng tiêu dùng tại nhà sẽ thay thế các kênh dịch vụ ẩm thực, ít nhất là tại thị trường Bắc Mỹ, theo Jeff Sedacca, CEO công ty nhập khẩu thủy sản Sunnyvale Seafood. |
Vũ Đức
Theo Advocate