Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kể từ ngày 01/6/2012, thủy sản nhập khẩu vào Trung Quốc phải có Giấy chứng nhận do Tổng cục giám sát, thanh tra và kiểm dịch (AQSIQ) nước này cấp.
Đến nay, tại Châu Á chỉ có 7 nước được cấp chứng nhận, trong đó có Việt Nam và mẫu Giấy chứng nhận mới bắt buộc ghi rõ hình thức sản xuất thủy sản là nuôi trồng hay đánh bắt tự nhiên và phải được viết bằng ngôn ngữ đối chiếu Trung – Anh hoặc Trung – Anh và ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn cho phép các doanh nghiệp đang xuất khẩu thủy sản vào nước này được dùng Giấy chứng nhận mẫu cũ song song với mẫu mới đến hết ngày 31/12/2012.
Với đặc điểm diện tích lớn và dân số đông nên Trung Quốc vừa là thị trường tiêu thụ vừa là nhà cung cấp thủy sản lớn nhất thế giới khi chiếm đến 70% tổng giá trị thủy sản toàn cầu. Hiện nay, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của ngành xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam, bởi tại bất cứ thị trường nào cũng đều có mặt các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Trung Quốc, thậm chí họ còn có thể chào giá thấp hơn các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN nhờ lợi thế về chi phí sản xuất thấp hơn.
Tuy vậy, Trung Quốc cũng là nhà nhập khẩu khá lớn mực, bạch tuộc Việt Nam. Dù năm 2011, Trung Quốc (cả Hồng Kông) là một trong số các thị trường nhập khẩu chính giảm giá trị nhập khẩu mực, bạch tuộc từ Việt Nam với giá trị giảm gần 6,5% so với năm trước. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm nay và nửa đầu tháng 4/2012, giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường này lại tăng tương ứng hơn 8% và gần 92% so với cùng kỳ năm trước.
VASEP cho biết, thủy sản là một trong những món ăn được sử dụng nhiều nhất tại Trung Quốc, chiếm tới 40% tổng chi phí nguyên liệu chế biến của các nhà hàng, khách sạn. Mặc dù nước này có đến hơn 10 nghìn công ty sản xuất thủy sản nhưng phần lớn là những doanh nghiệp chế biến quy mô nhỏ.
Thành Công
Theo Báo Công Thương