(Thủy sản Việt Nam) – Theo phân tích kỹ thuật của Công ty chứng khoán SME thì trong hai tuần qua chỉ số VN-Index đã thiết lập chu kỳ tăng giá trung hạn trên đồ thị tuần và xu thế tiếp tục tăng giá. Thị trường chứng khoán thường sẽ tăng mạnh trong khoảng từ tháng 3 tới tháng 5 và tháng 2 vẫn là tháng tích lũy cổ phiếu tốt đối với nhà đầu tư theo yếu tố chu kỳ.
Dấu hiệu tốt
Thông thường, để biết được mức độ tăng trưởng trong tương lai cổ phiếu của công ty nào đó, các nhà đầu tư căn cứ trên những hoạt động kinh doanh của công ty đó và kế hoạch phát triển trong tương lai để đưa ra những quyết định mua bán theo hướng ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn.
Theo Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, năm nay ghi nhận sự vượt trội của các doanh nghiệp thủy sản. Mặc dù năm 2010, ngành thủy sản gặp không ít khó khăn như bị kiểm tra 100% tôm đông lạnh xuất khẩu vào Nhật Bản, Mỹ nâng mức thuế chống bán phá giá cá tra lên 130%, cá tra bị WWF đưa vào “danh mục đỏ” trong cuốn Cẩm nang Hướng dẫn tiêu dùng thủy sản tại 6 nước châu Âu. Tuy nhiên, vượt qua những trở ngại đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2010 vẫn đạt 5,033 tỷ USD, tăng hơn 300 triệu USD so với chỉ tiêu ban đầu của Bộ NN&PTNN.
Nhờ sự tăng trưởng vượt bậc của ngành thủy sản, cổ phiếu thủy sản càng thêm “hot” Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Vì vậy, dễ hiểu tại sao trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, có đến gần 30 doanh nghiệp hoạt động sản xuất và kinh doanh liên quan đến nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Đó là Minh Phu Seafood Corp, Cargill, HTFOOD, Hung Vuong Corp, Vinh Hoan Corp, Quoc Viet Co.,Ltd, Navico, Minh Hai Jostoco, Stapimex, Utxico, Anvifish… Đặc biệt, trong top 50 doanh nghiệp lớn nhất của bảng xếp hạng này, có sự góp mặt của nhiều cái tên quen thuộc như Minh Phu Seafood Corp, HTFOOD, Hung Vuong Corp, Vinh Hoan Corp, Quoc Viet Co.,Ltd.
Ngoài ra, có hơn 40 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, sản xuất thức ăn chăn nuôi nằm trong doanh sách từ 51-500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam như: Fimex VN, Thuan Phuoc Corp, Havico, Hung Ca Co.,Ltd, Phuong Nam Co.,Ltd, Caseamex… Như vậy, trong bảng xếp hạng lần này, gần 12% thuộc về doanh nghiệp của ngành thủy sản. Đây là sự tăng trưởng vượt bậc của ngành thủy sản trong hơn 10 năm qua, và xa hơn, cổ phiếu thủy sản vẫn là một trong những lựa chọn được ưu tiên của các nhà đầu tư trong nước, cũng như các quỹ đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong vòng ngắm của nhà đầu tư
Ngay sau khi danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam được công bố, trong đó có nổi lên nhiều doanh nhiệp thủy sản đã niên yết trên hai sàn chứng khoán, ông Nguyễn Hải Bằng, nhà đầu tư trên sàn chứng khoáng SSI (Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn) cho biết, từ 4 năm qua, bảng xếp hạng Top 500 luôn là một kênh thông tin tham khảo chính của rất nhiều nhà đầu tư chứng khoán vì những số liệu này phản ánh khá chính xác hoạt động kinh doanh của từng công ty.
“Năm 2011, xuất khẩu thủy sản sẽ gặp một số khó khăn mà nổi bật là việc thiếu nguyên liệu cho hai mặt hàng tôm và cá tra, basa. Đây là một trong những những lý do khiến các nhà đầu tư đắn đo trước khi quyết định có nên đầu tư vào các cổ phiếu thủy sản hay không”. Tuy nhiên, “những khó khăn các doanh nghiệp thủy sản đã nhìn thấy từ rất lâu và họ đã có những “phương án” để giải quyết bài toán thiếu nguyên liệu thủy sản các đây hơn 1 năm rồi”, ông Bằng cho hay.
Ông Bằng dẫn chứng, chỉ cần vào trang chủ của các công ty chế biến và xuất khẩu thủy sản có niêm yết trên hai sàn chứng khoán sẽ thấy doanh nghiệp này xây dựng vùng nguyên liệu ra sao, đạt chứng chỉ gì và kế hoạch mở rộng vùng nguyên liệu như thế nào. Nhà đầu tư chỉ cần biết được những thông tin như vậy sẽ tin tưởng vào tính chuyên nghiệp và tham vọng của doanh nghiệp. Vì vậy, cổ phiếu thủy sản vẫn là một trong đích ngắm của các nhà đầu tư trong năm nay.
Nhận định về thị trường chứng khoán của Việt Nam năm 2011, rất nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng tỷ giá và lạm phát sẽ tiếp tục tạo áp lực lên thị trường chứng khoán. Liều lượng và thời điểm điều chỉnh tỷ giá vẫn là ẩn số lớn và như một mối lo ngại treo lơ lửng, do thị trường không thể dự đoán được động thái chính sách. Hai yếu tố ảnh hưởng mạnh đến lạm phát 2010 là lương thực, thực phẩm và giáo dục sẽ giảm mạnh từ tháng 3/2011 trở đi. Năm 2011, nếu Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, bán cho đối tác chiến lược nước ngoài và có giải pháp hợp lý thì đó sẽ là nguồn đầu tư trực tiếp, tạo sự ổn định trong dài hạn.
Nguyễn Khởi