(TSVN) – Cơ quan Lương thực Singapore (SFA) đã kêu gọi đấu thầu nhằm nghiên cứu tác động của các hoạt động NTTS hiện nay đối với môi trường biển ở eo biển Đông Johor.
SFA hy vọng sẽ định lượng được tác động của các hoạt động NTTS đối với môi trường địa phương và xác định các biện pháp giảm thiểu, đồng thời tối đa hóa mức sản xuất.
Khi nói về nghiên cứu này, người phát ngôn của SFA cho biết cơ quan này sẽ làm việc với các trang trại NTTS để đảm bảo rằng các hoạt động hiện tại của họ không ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực nuôi trong tương lai tại khu vực địa phương. “Do mức sản lượng từ NTTS, đặc biệt là từ hệ thống nuôi lồng hở, phụ thuộc vào điều kiện của địa điểm nuôi nên các trang trại phải bảo vệ điều kiện của địa phương”, vị đại diện SFA cho biết.
Có nhiều trang trại lồng bè đang hoạt động ở eo biển Đông Johor. Ảnh: Australis
Các trang trại NTTS ở eo biển Đông Johor tuyển chọn các loài có giá trị kinh tế cao như cá mú lai và cá vược châu Á. Có khoảng 50 trang trại đại dương được cấp phép trong khu vực. Hai trong số các địa điểm là các cơ sở quản lý khép kín.
Một phần quan trọng của nghiên cứu tập trung vào “khả năng đáp ứng” của hệ sinh thái eo biển. Theo GS. Dean Jerry, một chuyên gia NTTS tại Đại học James Cook, khả năng đáp ứng của khu vực là trạng thái cân bằng, môi trường có thể đối phó với các hoạt động nuôi trồng và tái tạo nhanh chóng nhằm hệ sinh thái duy trì bền vững lâu dài. Việc xác định khả năng đáp ứng tại đây sẽ cho phép các nhà sản xuất đạt được “điểm giao thoa” giữa việc cho cá ăn ở mức tối đa hóa tiềm năng tăng trưởng mà không gây tổn hại đến môi trường. Tiến hành NTTS trong khuôn khổ này cho phép các nhà sản xuất tối đa hóa sản lượng và duy trì sức khỏe của cá mà không gây ra bất kỳ sự suy giảm nào về chất lượng nước hoặc hệ sinh thái rộng lớn hơn.