Để vơi bớt hiểm nguy, nhiều ngư dân Bình Định đã mạnh tay chi tiền tỷ đóng tàu công suất lớn bám biển. Trên tàu, họ trang bị đầy đủ thiết bị hỗ trợ, kết nối khơi xa với đất liền… và thành lập tổ, đội đoàn kết sát cánh cùng nhau đối mặt với sóng dữ.
“Cưỡi tàu, đạp sóng” vươn khơi
Vốn sinh ra từ làng chài ven biển Quy Nhơn, 14 tuổi, ngư dân Phan Thanh Tỉnh (trú phường Đống Đa, TP.Quy Nhơn) đã leo lên chiếc tàu nhỏ tuềnh toàng, lênh đênh trên biển kiếm sống qua ngày. Nhà nghèo, đông anh em nhưng chỉ trông chờ vào vài con tôm, cá… gần bờ nên gia đình anh phải lo “chạy” ăn từng bữa.
“Ngày trước, ngư dân chủ yếu đánh bắt gần bờ, buổi sáng sớm ăn chén cơm với nước mắm lót dạ để lên ghe ra khơi, chiều lại vội vã cập bến đến bán dọc chợ. Năm 2009, sau khi tích góp được chút vốn và vay mượn khắp nơi, tôi mới đóng con tàu đầu tiên BĐ 91063 TS (410 CV). Ăn nên làm ra, đầu năm 2015, tôi đầu tư hơn 4 tỷ đồng đóng mới con tàu BĐ 91359 TS (810 CV)”- anh Tỉnh cho hay.
Lên thuyền đánh bắt xa bờ, sau khi trừ chi phí mỗi năm ngư dân Tỉnh thu về hàng tỷ đồng, 30 lao động tham gia trên thuyền anh, mỗi người cầm chắc hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình anh Tỉnh còn sở hữu 1 xưởng đá cây cung cấp cho tàu cá với tổng số vốn đầu tư hơn 1,6 tỷ đồng. Mới đây, ngư dân này bỏ ra số tiền 2,5 tỷ đồng để mua 2 chiếc xe ôtô 7 chỗ về cho thuê tự lái.
Anh Tỉnh cho biết: “Ngư dân chúng tôi coi vậy thôi chứ cực khổ nhiều lắm, nỗi lo đầy rẫy trên biển. Vì vậy, ngoài sự chuẩn bị tàu cá hiện đại, an toàn, anh em chúng tôi còn cùng nhau xây dựng “tổ đoàn kết đánh bắt trên biển”, hỗ trợ lúc khó khăn, tai nạn bất ngờ”.
Ngư dân Bình Định chuẩn bị lương thực, thực phẩm, sẵn sàng vươn khơi trên tàu công suất lớn. Ảnh: Dũ Tuấn
Ngư dân Nguyễn Như (SN 1974, trú xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn) chia sẻ: “Năm 16 tuổi, tôi là ngư dân nhưng chỉ bám biển gần bờ, thủy sản cạn kiệt trong khi thu nhập rất bấp bênh. Ngày đó tàu cá rất nhỏ, mỗi khi có sóng lớn không dám vươn khơi vì sợ sẽ bị gió mạnh, đánh lật tàu. Ngư dân chúng tôi luôn khao khát có con tàu công suất lớn có thể chống chọi với sóng dữ”.
Với ước mơ vươn khơi bám biển, năm 2010 ngư dân Như đã tích góp, bỏ ra tiền tỷ để đóng tàu BĐ 96011TS (804 CV) và BĐ 96669 TS (330 CV). Nhờ tàu lớn vươn khơi xa, mỗi năm anh có thu nhập trên 1 tỷ đồng với hơn 30 ngư dân đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Hiện nay, chiếc tàu BĐ 98101 TS (750 CV) của gia đình anh cũng sắp được hạ thủy.
“Muốn làm giàu từ biển cần phải liên tục đổi mới cách làm và biết đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau. Từ chiếc tàu nhỏ, thiếu đủ thứ, giờ đây tôi đã sở hữu được 3 tàu công suất lớn, trang bị đầy đủ thiết bị, gắn kết được với đất liền, vì vậy anh em bạn thuyền ai cũng yên tâm, phấn khởi”- ngư dân Như cho hay.
Ngư trường là nhà!
“Vua tàu” Bình Định – ngư dân Bùi Thanh Ninh (trú xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn) hiện đang quản lý đội tàu đoàn kết đánh bắt xa bờ mang tên Sáu Ninh (chia thành 4 tổ) với 16 chiếc, tổng cộng 8.000 CV, chủ yếu khai thác trên biển bằng nghề lưới vây và đánh bắt cá ngư đại dương tại 2 ngư trường lớn: Hoàng Sa, Trường Sa. Trong đó, ngư dân Ninh là chủ sở hữu 10 chiếc tàu, 6 chiếc còn lại là của ngư dân trong làng.
Gắn với biển, ông Ninh thuộc nằm lòng rủi ro và nguy hiểm rình rập bên bạn thuyền. Vì vậy, việc lập đội tàu đoàn kết khai thác thủy sản trên biển và trang bị các thiết bị hiện đại trên tàu, đảm bảo hoạt động an toàn là niềm mong mỏi của ông để giúp ngư dân vơi bớt nỗi lo ấy. Để quản lý đội tàu “khủng” 8.000 CV, ở bờ ông Ninh tự trang bị bản đồ, theo dõi qua iternet, máy Icom, radio… kết nối liên lạc trực tiếp với từng thuyền trưởng trên 16 tàu đang hoạt động ngoài khơi. Được trang bị máy Icom, cứ vào buổi sáng và chiều tối, đều đặn các thuyền trưởng điện về báo tin tình hình đánh bắt, thời tiết… và nêu những yêu cầu cần hỗ trợ.
“Đội tàu Sáu Ninh hiện nay có gần 200 thuyền viên tham gia đánh bắt trên biển (bình quân mỗi người 5 triệu đồng/người/tháng), trên bờ có 20 ngư dân làm việc vá lưới… (thu nhập gần 3 triệu đồng/người/tháng). Tổng sản lượng đánh bắt mỗi năm gần 2.000 tấn thủy sản với tổng doanh thu khoảng 30 tỷ đồng. Với chúng tôi ngư trường là nhà, mọi khó khăn ngư dân đều cùng nhau vượt qua tất cả”- ông Ninh chia sẻ. /.
>>Để vơi bớt khó khăn, hiện nay ngư dân đã chọn cách đóng tàu hiện đại, sắm đầy đủ trang thiết bị và thành lập tổ, đội đoàn kết đánh bắt xa bờ. Nhờ vậy, việc đánh bắt của ngư dân rất hiệu quả. Huyện Hoài Nhơn đang có 2.418 tàu tham gia đánh bắt, trong đó có những ngư trường lớn như Hoàng Sa, Trường Sa. Trong 10 tháng đầu năm, ngư dân đã khai thác được 42.731 tấn thủy sản”. Ông Nguyễn Chí Công – Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn |