T2, 06/07/2020 10:45

Còn đó xót xa… đời ngư phủ

Chưa có đánh giá về bài viết

Con tàu đưa 14 ngư dân Quảng Ngãi hành trình từ ngoài khơi trở về đột nhiên biến mất. Chờ đợi trong tuyệt vọng, người thân của họ lập bàn thờ, ra biển gọi hoài trong tiếng sóng…

Giấc mơ buồn

Ngày 5/12/2013, thân nhân của các ngư dân này sau 2 tháng chờ đợi tuyệt vọng đã lập bàn thờ và xây mộ gió cho con em mình. Đó là 14 ngư dân đi hành nghề trên tàu của ông Trần Tiến Dũng đã biến mất một cách bí ẩn. Ngày 10/10/2013, trên đường hành trình vào bờ, họ đã điện vào đất liền, sau đó bặt tăm.

Trong màn đêm, ngôi nhà nhỏ leo lét ngọn đèn đỏ, vẳng tiếng khóc sụt sùi vọng ra. Đó là nhà của bà Trương Thị Sự, mẹ ngư dân Phạm Tấn Lệ ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. Hằng ngày, ngư dân Phạm Tấn Lệ phải vất vả mưu sinh kiếm tiền về chạy chữa cho em trai là Phạm Thảo (24 tuổi). Học hết lớp 9, Thảo phải sớm theo nghề biển phụ giúp gia đình. Được người nhà gởi lên tàu cá ông Hoa cho học nghề lặn. Bỏ sách vở, học nghề biển chưa thành thì cậu Thảo đã bị tê bại.

Người em trai tật nguyền và cha mẹ mong anh trở về

Người anh trai Phạm Tấn Lệ thương em nên làm đủ nghề để kiếm tiền chạy chữa, với hy vọng người em sớm bình phục để trở lại nghề biển. Vậy nhưng, giờ đây, mọi hy vọng đều như bị sóng dữ phủ lấp. Con đường trước mặt của cậu học trò bây giờ quá mịt mù.

Trong ngôi nhà cũ kỹ và bề bộn của bà Sự không có gì giá trị ngoài 2 chiếc xe máy. Những ngày chờ đợi, bà Sự chỉ biết ra biển đứng ngóng rồi đến lay vai chủ nậu, nhờ cứu; còn việc báo cáo và trình bày rõ nguyên nhân, thời gian tàu mất tích thì cả gia đình đều giấu nhẹm hoặc chỉ nói nửa vời.

Tại ngôi nhà gần đó, ông Lê Văn Hồng hằng ngày cứ ôm quần áo của người anh trai mang treo trên tường. Người con của ông là Lê Văn Thu đi biển cũng mất tích. Nghe tiếng sóng biển dội vào lạnh lùng trong đêm, ông Hồng và vợ khóc cạn nước mắt. Ông chỉ còn biết tìm mùi da thịt của con trên những manh áo quần.

Ông Hồng và người con út tìm hơi thở của anh trong manh áo – Ảnh: Lê Văn Chương

Trong gia đình 5 người con, ngư dân Lê Văn Lai là trụ cột gánh vác kinh tế và nuôi 2 người em đang học phổ thông. Anh mất, cậu bé Lê Văn Lai nói với ba xin nghỉ học để đi biển thay anh. Đang là học sinh lớp 5, không ai nhận Lai xuống tàu để thêm gánh nặng.

Tại gia đình ông Lê ở xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, người dân kéo đến thắp hương trên bàn thờ sau nhiều ngày chờ đợi nhưng không thấy con trai ông Lê trở về. Vợ ông Lê cho biết, đến giờ thì hy vọng đã không còn.

 

Đổi mạng sống

Một người thân của họ kể trong nước mắt: Khi tàu vào bờ, các ngư dân điện báo cho biết đang hành trình. Sau đó không thấy gì nữa. Khi các ngư dân này mất liên lạc với đất liền, người thân của hộ bắt đầu chạy ngược chạy xuôi báo cáo, nhưng tâm lý ai cũng sợ, vì con tàu này đi hành nghề bắt rùa. Thế nên họ chỉ thì thầm với chủ nậu, không dám báo cáo để các lực lượng Hải quân, Cảnh sát Biển tìm kiếm. “Chúng không chết đâu, núp gió ở đâu đó, vài bữa nữa là ra thôi”. Lần nào những ông bố bà mẹ chạy đi hỏi cũng chỉ nghe chủ nậu động viên câu tương tự. Họ đành nuốt nước mắt trở về. Thông tin bị ém chặt. Thái độ của bà con trong làng chài thiếu kiên quyết. Chính điều đó đã góp phần dìm chết người thân của mình. Khi ngư dân mất tích 20 ngày, bà con mới chạy tán loạn để báo cáo chính quyền, nhờ tổ chức tìm kiếm.

Thê thảm nhất là gia đình thuyền trưởng Trần Tiến Dũng (thôn Châu Thuận Nông, xã Bình Châu). Hai người con trai là Trần Văn Tiến (25 tuổi) và Trần Văn Lên (21 tuổi) và người cha là thuyền trưởng đi chung một tàu. Khi bão Hải Yến tan, bà Lê Thị Bai, vợ ông Dũng gần như khụy xuống, vì hy vọng “họ trôi ngoài biển” đã không còn. Chiếc tàu công suất lớn được hạ thủy và đi phiên đầu tiên thì bị mất tích.

Người thân của các ngư dân này đến giờ vẫn giấu nhẹm thông tin con em mình ra biển đánh bắt gì. Một số người cho biết, chiếc tàu bị mất tích đi hành nghề lặn, trong đó có khai thác rùa biển. Chính vì vậy, các gia đình này ngại không dám khai báo sự thật. Vậy nên khi bị nạn, gia đình họ chỉ biết bấu víu vào chủ nậu và tuân theo lời khuyên “im lặng, chờ may rủi”. Cái giá của sự yên lặng là tất cả các ngư dân này đều biến mất, làng chài rơi vào cảnh đại tang.

>> Sáng 11/11/2013, Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi đã tổ chức đến thăm hỏi, chia sẻ và hỗ trợ cho 14 ngư dân đi trên tàu cá mang số hiệu QNg 90789 TS, của ông Trần Văn Dũng, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn mất tích trên biển từ ngày 13/10/2013 khi đang trên đường từ Trường Sa trở về đất liền tránh thú bão số 13 vừa qua.

Lê Văn Chương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!