(TSVN) – Là ngư dân, được sở hữu chiếc tàu cá là hạnh phúc lớn. Bởi, nó là ước mơ, là sinh kế của cả gia đình. Tàu gặp nạn, nhìn tàu chìm dần xuống biển thì không gì đau hơn…
Sinh ra ở vùng quê biển, anh Lê Thành Công (SN 1965) ở Kim Giao Trung, phường Hoài Hải (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), nối nghiệp ông cha gắn đời với biển. Thời trai trẻ, khi mới 15 – 16 tuổi anh Công đã theo cha đi bạn cho các tàu cá của ngư dân địa phương. Nghề “ăn đằng sóng nói đằng gió” đã cho cha con anh Công khoản tiền tích lũy từ những chuyến biển đủ đóng chiếc tàu công suất nhỏ đánh bắt gần bờ với nghề câu thẻo. Khi ấy, nguồn lợi thủy sản gần bờ chưa cạn kiệt, chuyến biển nào cũng đạt sản lượng, tiền vào ùn ùn.
Đến năm 1998, sau khi dành dụm được lưng vốn kha khá, gia đình anh Công đóng tàu cá công suất lớn để vươn khơi xa. Theo trí nhớ của anh Công, chiếc tàu cá đóng khi ấy có chi phí đến 60 – 70 cây vàng và anh được gia đình giao “cầm trịch” chiếc tàu này bám biển làm ăn. Đây là niềm hạnh phúc lớn của cuộc đời một ngư dân, bởi nó là ước mơ, là sinh kế của cả gia đình. Gắn bó với chiếc tàu chưa được bao lâu thì tàu cá của anh Công bị nước ngoài bắt giữ, vậy là cả gia sản của gia đình anh bị mất đứt, đó là vào năm 2004.
Tàu BĐ 98839 TS của ngư dân Lê Thành Công bị chìm xuống biển ngày 21/1/2021
Sang năm 2005, gia đình anh Công chạy vạy vay mượn tứ bề để đóng mới chiếc tàu vỏ gỗ mang số hiệu BĐ 98839 TS (400 CV) tiếp tục bám biển kiếm kế sinh nhai. Cứ ngỡ hoạn nạn đến với cuộc đời mình một lần là thôi, nào ngờ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tàu cá của anh Công bị phá nước trên đường vào bờ, sau đó bị chìm hẳn tại vùng biển Vũng Rô (Khánh Hòa), may mắn là 7 thuyền viên trên tàu được các tàu làm nghề mành tôm gần bờ cứu vớt nên thoát nạn.
Theo lời kể của anh Công, tàu BĐ 98839 TS của anh xuất bến vào ngày 3/1/2021, ra khơi đánh bắt chỉ mới được mấy hôm, đến khoảng 20 giờ ngày 11/1 thì tàu bị hỏng bánh lái, thả trôi tự do tại vùng biển cách Nam Tây Nam đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) khoảng 15 hải lý. Sau khi tàu gặp sự cố, anh Công liền cấp báo cho ngành chức năng trong đất liền để nhờ hỗ trợ. Nhận được tin báo, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Định đã đề nghị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Chi cục Thủy sản, Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn và chính quyền thị xã Hoài Nhơn kêu gọi các tàu cá trong tổ đội đoàn kết, tàu cá đang hoạt động gần đó đến hỗ trợ tàu bị nạn. Đến ngày 13/1, tàu của anh Công được tàu cá BĐ 95111 TS của ngư dân Nguyễn Văn Ka ở phường Hoài Hải (thị xã Hoài Nhơn) đến ứng cứu, lai dắt về đảo Trường Sa lớn để khắc phục sự cố bánh lái.
Tại đảo Trường Sa lớn, tàu của anh Công được sự trợ giúp của lính đảo nên đã tạm thời khắc phục được sự cố bánh lái. Tuy chưa đánh bắt được bao nhiêu, nhưng ngày 21/1 anh Công phải cho tàu chạy về bờ để sửa chữa tàu. “Khi tàu chạy vào đến mũi Vũng Rô thì máy định vị bị trục trặc nên cứ chập chờn, thêm vào đó ánh sáng đèn của các tàu làm mành tôm tại mũi Vũng Rô làm hạn chế tầm nhìn của tài công nên tàu va phải đá ngầm bị phá nước. “Lúc ấy máy tàu còn nổ nên tôi cho tàu quay lại gần các tàu làm mành tôm, hô hào thuyền viên thả thúng bơi qua các tàu làm mành tôm nên thoát nạn. Chỉ khoảng nửa giờ đồng hồ sau tàu bị chìm. Không gì đau đớn hơn khi nhìn khối tài sản của gia đình chìm dần xuống biển ngay trước mắt mình”, anh Công đau buồn kể lại.
Sau khi tàu bị chìm, anh Công cùng các thuyền viên lên bờ báo cáo cho Trạm Biên phòng Vũng Rô, rồi anh Công về quê báo cáo cho Trạm Biên phòng Tam Quan và Đồn Biên phòng Hoài Nhơn (Bình Định). Sau đó, anhCông thông báo sự cố chìm tàu cho Công ty Bảo Việt Bình Định, đơn vị anh Công mua bảo hiểm cho tàu cá của mình. Sau khi được Công ty Bảo Việt Bình Định động viên cố gắng trục vớt chiếc tàu chìm, anh Công về vay mượn tiền của anh em đồng nghiệp và bà con thuê thợ lặn tìm cách trục vớt con tàu nhưng bất thành.
“Bây giờ đóng chiếc tàu giống như chiếc tàu vừa bị chìm phải mất đến 2 tỷ đồng. Giờ chiếc tàu chắc đã rã rời dưới lòng biển. Tài sản mất hết đã đành, trước khi tàu ra khơi, tôi phải vay hơn 100 triệu đồng để sắm tổn chuyến biển và cho thuyền viên ứng trước tiền đi bạn. Sau khi tàu bị chìm, tôi lại phải vay cả trăm triệu nữa để thuê thợ lặn và tàu kéo trục vớt con tàu nhưng bất thành. Giờ tôi vừa trắng tay vừa lâm cảnh nợ nần”, anh Công nói như khóc.
“Tôi mua bảo hiểm cho tàu BĐ 98839 TS vào ngày 15/6/2020; tham gia bảo hiểm thân tàu với số tiền 700 triệu đồng và bảo hiểm tai nạn thuyền viên 50 triệu đồng/người/vụ tổn thất. Đến ngày 14/6/2021 tàu của tôi mới hết hạn bảo hiểm. Bây giờ tôi chỉ còn biết cầu mong thanh toán được bảo hiểm để có điều kiện trả nợ, chứ giờ đi bạn thì biết bao giờ mới thoát được gánh nợ”, anh Lê Thành Công bộc bạch.
Đình Thung
Cố lên cậu ơi.. ?