Một tín hiệu đáng mừng với ngành nông nghiệp chính là chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Chính phủ, đặc biệt là gói tín dụng ưu đãi 50.000 tỷ đồng. Đây được coi là giải pháp mang tính đột phá.
Diện tích đất canh tác bị thu hẹp, nhu cầu tăng năng suất và sản lượng, sản xuất trị giá gia tăng, yêu cầu khắt khe về thị trường và an toàn thực phẩm đã và đang đặt nền nông nghiệp trước yêu cầu hiện đại hóa. Rất nhiều tỉnh thành thời gian qua đã phát triển các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là các tỉnh Hậu Giang, Phú Yên, Thái Nguyên, Lâm Đồng, Thanh Hóa.
Mặc dù mới có 25 doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT công nhận ứng dụng công nghệ cao, nhưng nhiều tỉnh, thành đã có quy hoạch khu công nghệ cao trong nông nghiệp khiến vốn đầu tư cho lĩnh vực này thực tế đã lên tới nhiều nghìn tỷ đồng, đơn cử chỉ riêng Tập đoàn VinGroup đã đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng vào sản phẩm rau quả sạch.
Các thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh cũng đang phát triển mạnh mẽ nền nông nghiệp đô thị công nghệ cao. Chẳng hạn TP Hồ Chí Minh có 35 phòng nuôi cấy mô thực vật với năng lực sản xuất khoảng 14 triệu cây giống cấy mô/năm (chủ yếu là các giống lan), tự sản xuất 71.198,4 tấn hạt giống hàng năm, đáp ứng khoảng 1.000.000 ha gieo trồng của thành phố và các tỉnh, thành. Còn với Hà Nội, chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016 – 2020 đã được UBND thành phố phê duyệt; đến năm 2020, giá trị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố chiếm 35% tổng giá trị toàn ngành.
Thu hoạch tôm nuôi công nghệ cao tại Bạc Liêu – Ảnh: Minh Triết
Không phải ngẫu nhiên mà dư luận cho rằng phát triển công nghệ cao sẽ đưa đến một cuộc đua không bình đẳng, trong đó ưu thế thuộc về các doanh nghiệp lớn và các đại gia. Thực tế này cũng diễn ra ở một số nước trong khu vực, khi các doanh nghiệp lớn của Thái Lan, Trung Quốc mà chủ yếu là công ty gia đình của các đại gia có đầu tư lớn vào lĩnh vực công nghệ cao như làm giống, thức ăn, siêu thị thông minh. Hay với điển hình Nhật Bản, việc Thủ tướng nước này đặt mục tiêu tăng gấp đôi giá trị xuất khẩu nông nghiệp và thu nhập của nông dân trong vòng 10 năm cũng cho thấy quyết tâm của Nhật trong phát triển công nghệ cao. Theo khảo sát, có tới 90% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hà Nội có vốn dưới 10 tỷ đồng. Nguồn kinh phí hỗ trợ cho chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Hà Nội vẫn chưa bố trí được.
Hay như vấn đề phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao thì cần có nhân lực trình độ cao. TS Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, mới đây cho rằng ở một số nước sinh viên ngành nông nghiệp được ưu đãi học phí để thu hút giới trẻ, trong khi ngành giáo dục đào tạo nông, lâm nghiệp và thủy sản Việt Nam từ năm 2010 – 2014 chỉ chiếm 2 – 5% tổng quy mô tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp.
Thực tế, ở Việt Nam chủ trương liên kết bốn nhà, trong đó nhà khoa học chiếm vị trí trung tâm, vốn đã được triển khai mấy năm nay, song việc tổng kết phát triển mô hình vẫn chưa được chú ý. Trao đổi với chúng tôi, GS Võ Tòng Xuân cho rằng người nông dân thực ra có vốn liếng rất lớn, tài sản của họ chính là đất đai. Việc phát triển công nghệ cao trước hết phải thu hút được người dân góp đất đai. Như vậy vừa giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp mà người nông dân tránh được cảnh đi làm thuê cho các doanh nghiệp công nghệ cao. Mặt khác, vai trò của nhà nước cũng hết sức quan trọng, bởi hệ thống các viện, trường và trung tâm nghiên cứu của Việt Nam chủ yếu thuộc nhà nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức khẳng định: Chính phủ sẽ ưu tiên hỗ trợ, tạo điều kiện về đất đai, vốn… cho bất cứ hộ nông dân, địa phương, doanh nghiệp nào làm nông nghiệp công nghệ cao để xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp cho Việt Nam trong tương lai.
Thủy sản chính là ngành nông nghiệp công nghệ cao tiên phong của Việt Nam nơi người dân, nhà máy, các trung tâm nghiên cứu hoạt động tích cực phục vụ cho xuất khẩu. Sản lượng thủy sản Việt Nam đã duy trì tăng trưởng liên tục trong 17 năm qua với mức tăng bình quân 9,07%/năm. Sản lượng liên tục tăng, bình quân 12,77%/năm. Sản phẩm thủy sản được xuất khẩu sang 164 nước và vùng lãnh thổ. Từ chỗ trước đây chỉ xuất khẩu các sản phẩm dạng cấp đông, hiện nay tỷ lệ các sản phẩm giá trị gia tăng ước khoảng 35%.
Tuy nhiên, sự phát triển công nghệ cao trong ngành thủy sản vốn dựa theo yêu cầu của khách hàng, thị trường hơn là chủ trương đón đầu. Gần đây, nhà nước và các địa phương đã thấy rõ vai trò của sản xuất công nghệ cao và bắt đầu tập trung cho những vùng sản xuất chế biến hiện đại.
Tỉnh Bạc Liêu đã có sản lượng tôm hàng năm khoảng 105 nghìn tấn, tương đương 115.000 tỷ đồng (khoảng 500 triệu USD) cùng nhiều mô hình nuôi công nghệ cao siêu thâm canh. Bạc Liêu cũng nhanh chóng trở thành trung tâm sản xuất tôm giống của ĐBSCL và cả nước với sản lượng sản xuất 25 tỷ con giống/năm (chiếm 50% của vùng ĐBSCL và 19,23% cả nước). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đồng ý quy hoạch khu nông nghiệp công nghệ cao, phát triển tôm Bạc Liêu và giao Bộ NN&PTNT chủ trì cùng với các bộ liên quan có chuyên đề hỗ trợ tỉnh thực hiện.
Các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, mong muốn đưa ra cách làm mới trong nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết giá trị, doanh nghiệp hóa nông nghiệp, nông dân. Điều này sẽ góp phần làm thay đổi ngành nông nghiệp Việt Nam từ sản xuất truyền thống sang “nông nghiệp công nghệ cao”, từ ngành có giá trị gia tăng và tốc độ tăng trưởng thấp sang ngành có giá trị vượt trội so với các ngành công nghiệp truyền thống và hình thành một chuỗi giá trị nông nghiệp hiệu quả cạnh tranh cung cấp sản phẩm có chất lượng. Giúp nông nghiệp Việt Nam vững vàng hội nhập ngày một sâu rộng vào thị trường thế giới.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch CLB Nông nghiệp công nghệ cao cho biết, Việt Nam đã ứng dụng nền nông nghiệp sạch bằng cách sử dụng các loại sản phẩm hữu cơ và ứng dụng một số khoa học công nghệ trong sản xuất. Cuộc cách mạng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất nông sản, thực phẩm là sự bức thiết mà thế giới đang yêu cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn và có những hạn chế nhất định về vốn, xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý môi trường, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo người lao động và tiêu thụ sản phẩm…
Hơn 4 triệu người dân gắn bó với ngành thủy sản hy vọng Bộ NN&PTNT và Chính Phủ sẽ đầu tư xây dựng nhiều tỉnh thành nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tương tự Bạc Liêu, để ngành nông nghiệp không còn lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất giống, thức ăn, chế biến sản phẩm, đem lại nhiều lợi nhuận hơn cho người dân và khẳng định vị thế nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại.