(TSVN) – Những năm qua, NTTS trên biển có bước đột phát mạnh mẽ, với các đối tượng nuôi đa dạng và nhiều hình thức khác nhau. Có được điều này là nhờ vào sự cải tiến không ngừng của công nghệ ngành nuôi biển toàn cầu trong đó có Việt Nam.
Công ty SAT của Singapore, một đơn vị tiên phong ứng dụng hệ thống nuôi cá khép kín ngoài khơi, đã ra mắt hệ thống trại nuôi cá nổi thông minh. Trại nuôi cá rộng 3.000 m2 ngoài khơi Paris Ris Coast sử dụng hệ thống RAS. Trang trại ứng dụng công nghệ tiên tiến bằng cách sử dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và phân tích video để giám sát cá cũng như phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh, qua đó giúp tăng năng suất và sản lượng cá thu được. Các vấn đề về chuyển đổi kỹ thuật số được hỗ trợ bởi đối tác Siemens. Kết quả là những con cá được nuôi trong mô hình này rất sạch và tươi, với hương vị tuyệt vời. Tất cả đạt được là nhờ vào hệ thống cảm biến thông minh, có thể điều chỉnh được từ việc cho cá ăn, đến đo nhiệt độ nước và các thông số quan trọng khác.
Công ty Innovasea có trụ sở tại Mỹ đã nghiên cứu chế tạo lồng Aquapod có khả năng lặn và di chuyển, đã đưa nghề cá thoát khỏi cảnh ao tù nước đọng. Aquapod một cấu trúc hình cầu được thiết kế chuyên biệt cho những điều kiện khắc nghiệt ngoài khơi. Lồng được cấu tạo từ nhựa Polyethylene tái chế, gia cố bằng sợi thủy tinh. Hiện, Aquapod đang được nghiên cứu trong trạng thái neo đậu cố định ở một vị trí nào đó. Tuy nhiên, những ứng dụng tương lai cho Aquapod sẽ được trang bị hệ thống GPS. Khi đó, người nuôi có thể sử dụng chúng như những tàu vận chuyển khởi hành cùng lứa cá giống đi đến những vùng vịnh mong muốn để thu hoạch. Áp dụng hệ thống này, những dinh dưỡng từ chất thải sẽ được đại dương hấp thụ. Cùng đó, vì nuôi ở những vị trí xa bờ, nên nước trong và sạch hơn, chất lượng cá thương phẩm sẽ cao hơn.
NTTS ngoài khơi được xem là một hướng đi bền vững trong thời gian tới. Tuy nhiên, để chịu được môi trường khắc nghiệt trên biển, các kỹ sư cần phải thiết kế các kết cấu lồng lớn, có thể chịu được sức gió mạnh mà không bị vỡ hoặc chìm. Trong những năm gần đây, sau sự thay đổi của ngành đóng tàu từ Bắc Mỹ và châu Âu sang châu Á, Trung Quốc là một trong số ít quốc gia có thể thực hiện các dự án như vậy. Vào giữa năm 2019, lồng nuôi cá biển ngoài khơi Blue Whale 1 đã được lắp đặt thành công tại TP Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, cách bờ hơn 30 hải lý. Blue Whale 1 do CIMC Blue – công ty con của CIMC Raffles, một hãng đóng tàu lớn nhất Trung Quốc nghiên cứu và chế tạo. Lồng có 4 trụ kiên cố đặt thẳng đứng trên bề mặt đáy biển, có thiết bị máy kéo thu hoạch tự động, đồng thời trang bị cảm ứng để giám sát cá, sức chứa 60.000 m3 nước. Đây được xem là lồng nuôi ngoài khơi đầu tiên của Trung Quốc được trang bị các hệ thống quản lý thông minh. Hệ thống có thể thu thập và xử lý dữ liệu nhờ các cảm biến dưới biển, ngoài ra còn có thể tự động quăng mồi và thay lưới.
Ewan McAsh – một nông dân nuôi hàu tại Australia đã phát triển ứng dụng SmartOysters giúp trang trại của mình giải quyết được các vấn đề thường gặp suốt quá trình nuôi hàu. Đến nay, không chỉ Ewan McAsh mà các trại nuôi khác cũng bắt đầu ứng dụng công nghệ này và thu được nhiều lợi ích lớn. “Trang trại của tôi có khoảng 30.000 giỏ nuôi hàu trong nước. Mỗi ngày, trang trại xử lý 600 – 1.000 con hàu. Số hàu này được thu gom hoặc bố trí lại ở 200 khu vực. Để nuôi hàu tốt, cần phải biết vị trí của chúng và thời gian quay lại để phân loại hoặc làm ráo hàu”, McAsh cho biết. Ứng dụng SmartOysters cung cấp các đánh giá tường tận và sâu sắc về trang trại, dựa trên cơ sở dữ liệu cho người nuôi; đồng thời đơn giản hóa khối lượng công việc thường ngày. Hiện, bằng ứng dụng trên, nhiều nông dân Australia dù chỉ có vài năm kinh nghiệm nuôi thủy sản cũng có thể vận hành trang trại và kinh doanh hiệu quả mà không tốn nhiều sức lao động. Nhờ đó, các trại nuôi hàu dần mở rộng quy mô và nâng cao lợi nhuận.
Tại Việt Nam, các địa phương ven biển như: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau… đang tận dụng tối đa mặt nước biển ven bờ vào việc nuôi trồng hải sản, với các đối tượng chính là nhuyễn thể và giáp xác, các loại cá biển…
Với hình thức này, một số địa phương đã sử dụng công nghệ hiện đại như: sử dụng lồng nổi bằng nhựa cứng HDPE, lồng nổi bằng kết cấu thép, lồng chìm và bán chìm, có kết cấu và vật liệu đa dạng, thích hợp với từng đối tượng nuôi, chịu được biến động thời tiết và sóng, bão. Đặc biệt, lồng nuôi bằng công nghệ nhựa HDPE có khả năng chịu được sóng to, gió lớn, mưa bão ở cấp 12, thể tích mỗi lồng nuôi lên tới 1.200 – 2.400 m3. Các địa phương như: Quảng Ninh, Hòa Bình, Khánh Hòa… đã ứng dụng và cho hiệu quả cao với công nghệ này.
Nguyễn An
Tổng hợp