THỨ BA, ngày 8/4/2025

Công nghệ phát triển nuôi tôm bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Công nghệ đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình ngành nuôi tôm hiện đại. Sự kết hợp giữa khoa học và công nghệ tiên tiến đã tạo ra những phương pháp nuôi mới, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản xuất hiệu quả và bền vững.

Hiệu quả và bền vững

Hiện ở nước ta, các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến đã và đang được ứng dụng vào tất cả các khâu của quá trình nuôi tôm, từ chọn giống, xử lý môi trường nước, cho ăn, quản lý dịch bệnh và đến thu hoạch. Từ đó, giúp nâng cao năng suất, mật độ nuôi cũng như chất lượng tôm thương phẩm, kích cỡ đồng đều, giảm hoặc tránh các tác động tiêu cực của môi trường trong suốt quá trình nuôi, dễ dàng xử lý và kiểm soát môi trường,…

Điển hình như công nghệ cải tiến di truyền đã trở thành giải pháp đột phá trong bối cảnh dịch bệnh là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với ngành tôm. Mục đích của việc cải tiến di truyền là tạo ra những giống tôm có những ưu điểm vượt trội so với tôm giống thông thường, từ khả năng tăng trưởng nhanh, kháng bệnh tốt hơn, đến khả năng chịu đựng môi trường khắc nghiệt.

Bên cạnh đó, công nghệ nuôi tôm không ngừng được cải tiến và hoàn thiện. Ngoài những công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao, một số công nghệ nuôi tôm mới dựa vào nguồn thức ăn tự nhiên hoặc nguồn thức ăn thực vật đã được ứng dụng rộng rãi như Biofloc, sử dụng vi sinh để phân hủy chất hữu cơ, giảm thiểu việc thay nước. Hay hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS – Recirculating Aquaculture System) để lọc và tái sử dụng nước, giúp kiểm soát chất lượng tốt hơn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trong quy trình nuôi, việc ứng dụng công nghệ sẽ có mức độ đầu tư khác nhau, tùy từng trang trại. Tuy nhiên, ngoài lót bạt đáy ao thì hiện nay một số công nghệ được ứng dụng phổ biến tại nhiều vùng nuôi, gồm quy trình cho ăn tự động dựa trên cảm biến theo dõi lượng thức ăn trong ao nuôi, thiết bị theo dõi chất lượng môi trường nước trong ao nuôi,…

Áp dụng rộng rãi

Những năm gần đây, việc áp dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm đang được quan tâm và đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao giá trị ngành tôm phát triển bền vững.

Người nuôi tôm đã từng bước ứng dụng khoa học công nghệ mới: công nghệ sinh học, nuôi nhiều giai đoạn, nuôi tuần hoàn,… kết hợp với đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng ở cả vùng nuôi và từng cơ sở nuôi (xây dựng hệ thống nhà kín, lồng nổi có mái che nhằm ổn định nhiệt, hạn chế sự lây lan mầm bệnh và những tác động khác gây ảnh hưởng đến sinh trưởng tôm nuôi,…).

Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, đến nay, mô hình nuôi tôm công nghệ cao xuất hiện ngày một nhiều hơn ở các địa phương như: Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bạc Liêu, Bình Thuận,… và khu vực ĐBSCL.

Tại Kiên Giang, thời gian qua, mô hình nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh và đạt hiệu quả cao, nhiều quy trình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được người dân áp dụng như mô hình nuôi tôm hai, ba giai đoạn ít thay nước hoặc tuần hoàn nước, có giải pháp xử lý, hạn chế ô nhiễm môi trường, sử dụng chip điện tử để theo dõi và kiểm soát các yếu tố môi trường.

Sử dụng máy cho ăn tự động, áp dụng công nghệ Biofloc, công nghệ sinh học lọc tuần hoàn (RAS),… trong các mô hình nuôi đạt suất cao, chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Mật độ nuôi từ 250 – 300 con/m2, nhiều hộ nuôi cho năng suất đạt tới 40 – 50 tấn/ha.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Bạc Liêu, các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại địa phương cho tỷ lệ thành công cao, 85 đến 95% diện tích nuôi có lãi. Đây là các mô hình nuôi tôm tiên tiến, được đầu tư bài bản, quản lý nghiêm ngặt; khu nuôi được thiết kế hệ thống ao lắng lọc, ao chứa và xử lý nước thải, chất thải, có lắp đặt hệ thống biogas. Hệ thống ao ương, ao nuôi được lắp quạt và ôxy đáy; ao ương, ao nuôi, ao lắng được trải bạt hoàn toàn và được che lưới ở phía trên để giảm sự phát triển của tảo; tôm được ương, sau đó chuyển xuống ao nuôi và san thưa ra nhiều giai đoạn. Trong quá trình nuôi, các yếu tố môi trường được kiểm soát chặt chẽ, năng suất vụ nuôi cao.

Còn tại Cà Mau, những năm qua, Chi cục Thủy sản Cà Mau cũng đã kết hợp với Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam triển khai mô hình nuôi tôm CPF-Combine 3 giai đoạn. Quy trình nuôi tuần hoàn khép kín, không sử dụng kháng sinh, lượng hóa chất sử dụng giảm. Ðồng thời, hạn chế chất thải, áp lực ô nhiễm môi trường vùng nuôi so với phương pháp nuôi thâm canh thông thường, tăng năng suất và tỷ lệ thành công với mật độ cao. Cũng nhờ áp dụng khoa học công nghệ, Cà Mau hiện đã gia tăng tổng sản lượng tôm nuôi (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang nhiều thị trường như: Nhật Bản, Mỹ, Australia, Canada, Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ,…

Gỡ rào cản

Ngành tôm càng ngày càng phát triển một phần nhờ thành quả của việc chuyển giao các ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên việc áp dụng công nghệ vào nuôi tôm vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề bất cập, cần xử lý. Trong đó, nguồn vốn đầu tư chính là rào cản lớn nhất do phần lớn người nuôi tôm thiếu vốn (chi phí đầu tư lớn), nhưng lại khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng do không đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn.

Cùng với đó là quy hoạch vùng nuôi chưa đồng bộ, hạ tầng thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu; người dân chưa thực sự tiếp nhận sự chuyển giao công nghệ, thay đổi kỹ thuật nuôi; hoạt động sản xuất vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh,… Điển hình như với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh có mật độ nuôi quá dày, nếu không có trình độ quản lý tốt và áp dụng kỹ thuật cao rất dễ gây thất thoát lớn trong quá trình nuôi tôm, đặc biệt việc kiểm soát dịch bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn. Đó là những lí do mà đến thời điểm hiện tại, qua thống kê, tỷ lệ mô hình áp dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm còn hạn chế so với kỳ vọng.

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm. Theo Cục Thủy sản và Kiểm ngư, cần tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tôm đáp ứng với nhu cầu của thị trường quốc tế. Ưu tiên phát triển ngành tôm theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Trong đó, tập trung hướng dẫn người nuôi về kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp, hiệu quả; phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao để giảm lao động trực tiếp, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Chú trọng nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành. Trong đó, vấn đề cần quan tâm đầu tiên là con giống, sau đó là công tác nghiên cứu về dịch bệnh – yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sự phát triển bền vững của ngành tôm Việt Nam.

Phát triển nuôi tôm theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ tín dụng cho người nuôi tôm thúc đẩy, duy trì mô hình nuôi tôm công nghệ cao, thâm canh, siêu thâm canh ứng dụng công nghệ số, để vừa tạo ra sản lượng lớn phục vụ xuất khẩu vừa đảm bảo tốt công tác bảo vệ môi trường.

Việc ứng dụng công nghệ trong nuôi tôm cũng đòi hỏi kiến thức chuyên môn và nguồn vốn đầu tư ban đầu nhất định. Do đó, người nuôi cần trang bị đầy đủ kiến thức và cân nhắc kỹ lưỡng, lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, khả năng tài chính để đảm bảo hiệu quả và tránh lãng phí.

Thanh Hiếu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!