Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục tiêu xử lý nguồn nước cấp, cải thiện chất lượng nước, góp phần nâng cao tỷ lệ sống và năng suất cá lóc.
Phương pháp nghiên cứu
Thời gian và địa điểm: Từ tháng 4 – 12/2017, huyện Tam Bình (Vĩnh Long) và huyện Cầu Kè (Trà Vinh).
Quy trình thực hiện: Ứng dụng công nghệ plasma lạnh xử lý nước và xử lý nước cấp vào bể nuôi với công nghệ plasma lạnh.
– Ứng dụng công nghệ plasma lạnh xử lý nước:
Mô hình xử lý nước bằng công nghệ phóng điện màn chắn kết hợp phóng điện vầng quang dùng để nghiên cứu xử lý nước của plasma lạnh có quy mô phòng thí nghiệm được trình bày ở hình 1. Đối với mô hình, plasma lạnh được tạo bên trong ống thủy tinh do phóng điện màn chắn và ozone được tạo ra xung quanh điện cực ngoài do phóng điện vầng quang. Tác động tổng hợp của plasma bên trong ống thủy tinh và ozone bên ngoài ống thủy tinh sẽ nâng cao hiệu quả xử lý nước tổng thể từ mô hình.
Xử lý nước cấp vào bể nuôi với công nghệ plasma lạnh: Nước sông từ ao lắng được bơm vào bể keo tụ tạo bông cùng lúc với chất trợ lắng. Nước sau keo tụ được bơm qua cột lọc thô để loại bỏ các tạp chất cơ học lơ lửng không lắng hoặc chưa lắng kịp và chứa trong bồn sau lọc. Từ bồn chứa sau lọc nước được bơm qua các cột xử lý plasma với lưu lượng 2 lít/phút/cột để diệt khuẩn và khử mầm bệnh. Bộ phận xử lý plasma chứa 11 cột. Tổng công suất xử lý của hệ thống là 22 lít/phút ( 31 m3/ngày đêm) với công suất tiêu thụ năng lượng điện là 1,2 kWh/m3 nước xử lý. Sau khi qua buồng xử lý plasma, nước được gom vào thùng chứa sau plasma. Để tăng cường hiệu quả xử lý, ozone thừa trên hệ thống được hòa tan vào nước tại thùng chứa sau plasma thông qua các viên sủi khí. Từ thùng chứa, nước sau xử lý được bơm vào các bể nuôi cá. Hệ thống vận hành liên tục.
Bố trí thực nghiệm nuôi: Cá được nuôi trong 3 bể lót bạt có cùng kích cỡ như nhau (15 m2/bể). Một bể làm bằng khung sắt, áp lưới chì, 2 bể còn lại làm bằng khung tre, lót bạt. Nước sử dụng để nuôi cá lóc được xử lý bằng hệ thống plasma lạnh. Mật độ cá thả nuôi giống nhau (100 con/m2) cho cả 3 bể.
Thức ăn cung cấp cho cá là cá tạp nước ngọt hay cá tạp biển, ốc và thức ăn viên. Lúc cá còn nhỏ (giai đoạn 1 tháng đầu) cá tạp và ốc làm thức ăn được xay nhuyễn. Khẩu phần cho cá ăn 10 – 12% trọng lượng thân và cho cá ăn 4 lần/ngày. Từ tháng thứ 2, thức ăn được xay nhuyễn và trộn với thức ăn công nghiệp có hàm lượng cao (40 – 42% đạm). Từ tháng thứ 3 trở đi cho cá ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp khẩu phần ăn là 3 – 5% trọng lượng thân. Từ tháng nuôi thứ 3, mỗi lần thay 50 – 60%, từ tháng thứ 4, thay 40 – 50%/lần/2 ngày. Sau thời gian nuôi 5 tháng, tiến hành thu hoạch.
Phương pháp thu và phân tích mẫu: Định kỳ thu mẫu 30 ngày/lần và phân tích theo phương pháp nghiên cứu ứng dụng của Khoa Thủy sản, Đại Học Cần Thơ.
Kết quả
Chất lượng nước đầu vào hệ thống
Nước sau khi xử lý có số lượng Coliforms giảm mạnh (95%), một nhân tố có giá trị rất quan trọng về mặt chất lượng nước và sản phẩm đối với hoạt động của nghề nuôi thủy sản. Trong thực tiễn đối với tiêu chuẩn về chất lượng nước ngọt nhằm bảo vệ đời sống của thủy sinh vật, giá trị này quy định khá thấp là 2.500 MPN/100 mL. Các chỉ tiêu về nhiệt độ, pH nước và độ kiềm trong thủy vực hầu như không bị tác động bởi công nghệ plasma lạnh. Ngoài độ kiềm cần được cải thiện giá trị tăng lên đạt 60 – 90 mg/L, các chỉ tiêu còn lại về chất lượng nước sau xử lý đều đạt theo các giá trị về điều kiện chất lượng nước tiêu chuẩn, rất thích hợp cho các hoạt động ương và nuôi cá lóc.
Biến động các yếu tố thủy lý hóa ở mô hình nuôi cá lóc
Chất lượng nước đầu vào trong các bể tuy có biến động do ảnh hưởng của hoạt động nuôi cá, nhưng tất cả đều thể hiện giá trị khá thuận lợi cho cá nuôi phát triển trong hệ thống.
Tăng trưởng của cá lóc nuôi thương phẩm
Khảo sát sự tăng trưởng của cá lóc trong quá trình thực nghiệm (hình 3) cho thấy, có sự tương đồng về tăng trưởng ở cá lóc qua các tháng nuôi. Tăng trưởng và khối lượng cá ở 3 bể theo thứ tự (bể 1: 3,23 g/ngày; 416 g/con; bể 2: 3,33 g/ngày; 425 g/con và bể 3: 3,17 g/ngày; 417 g/con) và trong 3 bể nuôi, bể nuôi số 2 cho tăng trưởng cao nhất. So sánh với khối lượng cá nuôi trong điều kiện bể lót bạt thực hiện ở Vĩnh Long (2015 – 2016) dao động khoảng 377 – 435 g/con; 2,5 – 3,75 g/ngày, giá trị này khá tương đồng và cao hơn so với tăng trưởng của cá nuôi ở TP Long Xuyên (An Giang) năm 2010 (308 g/con).
Kết quả thực nghiệm này đã chứng minh, hoạt động cấp nước vào hệ thống bể nuôi qua xử lý với công nghệ plasma lạnh bước đầu mang lại hiệu quả tích cực qua việc làm “ổn định môi trường nuôi”, thông qua quá trình xử lý làm giảm và chậm đi quá trình phát triển về mật số Coliform gây nhiễm bẩn môi trường nước, tạo sự nguy hại cho cá nuôi trong hệ thống, đồng thời chi phí thay nước cho bể nuôi của nông hộ cũng được tiết giảm (Boyd, 1993; Dương Nhựt Long, 2012).
Dựa vào hình 4 cho thấy, không có sự khác biệt lớn về kích thước các nhóm cá lóc trong 3 bể nuôi. Ở bể nuôi 1 và 3, nhóm cá lóc tăng trưởng có khối lượng cá thương phẩm dao động 300 – 600 g/con chiếm tỷ lệ tập trung cao nhất (> 85%), ngược lại đối với bể nuôi cá lóc 2, riêng nhóm cá thương phẩm 300 – 600 g/con chỉ chiếm tỷ lệ 76%, nhưng bể còn có nhóm cá 600 – 780 g/con chiếm tỷ lệ > 12%, cá có chất lượng tốt, khá thuận lợi trong quá trình tiêu thu sản phẩm ở thị trường.
Năng suất và tỷ lệ sống của cá
So với kết quả nuôi trong điều kiện thực nghiệm ở huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) (tỷ lệ sống 69 – 75%, năng suất 377 – 435 kg/bể) và ở tỉnh An Giang tỷ lệ sống cá nuôi đạt bình quân 60%, năng suất cá đạt 345 – 378 kg/bể, thì tỷ lệ sống và năng suất cá lóc nuôi ứng dụng công nghệ plasma lạnh cho kết quả tốt hơn.
Hiệu quả tài chính của mô hình
Phân tích hiệu quả tài chính của mô hình cho thấy, trong 3 hộ tham gia nuôi thực nghiệm, chỉ có 2 hộ nuôi thu được lợi nhuận, do giá cá bán ở thị trường khá thấp (30.000 – 32.000 đồng/kg) và tỷ suất lợi nhuận đạt dao động 0 – 5,29%. Có thể thấy rằng, thị trường với giá bán sản phẩm cá lóc khá thấp là yếu tố chính góp phần làm giảm thấp lợi nhuận từ mô hình nuôi mang lại cho hộ dân.