Trị giá sản phẩm công nghệ sinh học biển toàn thế giới ước đạt 4 tỷ USD trong năm 2015 và trở thành tâm điểm của ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) tại nhiều quốc gia, trong đó có Ấn Độ. Đây cũng là công cụ giúp Ấn Độ nâng cao lợi nhuận và sự bền vững cho lĩnh vực NTTS.
Cá ra phi biến đổi gen tại một trại nuôi ở Ấn Độ-Ussec
Chuyên sâu
Cục Công nghệ sinh học Ấn Độ (DBT) đang khuyến khích mở rộng phạm vi nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học biển vào NTTS. Suốt 2 thập kỷ qua, cơ quan này vẫn miệt mài phát triển công nghệ sản xuất tảo và ao nuôi tăng trưởng cho các loài cá có vây và nhuyễn thể giá trị kinh tế cao. Những công nghệ do DBT tạo ra đã giúp nâng cao năng suất tôm nước ngọt tại Ấn Độ từ 1,5 – 2 tấn/ha và mang lại lợi nhuận trực tiếp cho nông dân.
Ngoài ra, cơ quan này cũng tiến hành hàng loạt nghiên cứu về kích thích sinh sản và sinh sản ở một số loài cá và tôm thương phẩm quan trọng. Các nhà nghiên cứu tại DBT không ngừng nỗ lực tìm kiếm phương pháp chuẩn đoán bệnh mới, vaccine, sản phẩm tái tổ hợp AND, thuốc diệt khuẩn, chất kích thích miễn dịch, thức ăn thủy sản giàu năng lượng và protein, quản lý nước và phát triển quy trình sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng. Hợp tác công tư (TPP) được Chính phủ Ấn Độ khuyến khích đảm nhiệm vai trò dẫn đầu trong việc thực hiện hệ thống nuôi tái tuần hoàn và quản lý trao đổi chất trong suốt quá trình nuôi.
Suốt giai đoạn kế hoạch 5 năm (2007 – 2012), DBT luôn đặt vấn đề quản lý sức khỏe vật nuôi thủy sản lên hàng đầu nên đã sử dụng công nghệ chỉ thị phân tử để đánh giá tình trạng sức khỏe tôm, cá. Tại Ấn Độ, riêng thiệt hại của ngành tôm do dịch bệnh đốm trắng (WSSV) lên tới 150 triệu USD/năm (CIBA 2008); nên ứng dụng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ sinh học đã giúp ngành thủy sản nước này đẩy lùi được nhiều hiểm họa dịch bệnh và góp phần phát triển tương lai cho ngành thủy sản.
Hợp tác
Công nghệ sinh học – tương lai bền vững cho ngành NTTS ảnh: DBT
Những nỗ lực ứng dụng công nghệ sinh học vào NTTS của Ấn Độ dường như được tiếp sức thêm thông qua dự án hợp tác giữa Indo-Norwegian (Indonesia và Na Uy) để sản xuất vaccine chống lại mầm bệnh và virus đang tấn công hệ thống NTTS tại Ấn Độ. Từ đó, DBT cũng thực hiện hàng loạt thí nghiệm về các phương pháp chẩn đoán và ngăn chặn dịch bệnh WSSV, virus hoại tử thần kinh (VNN)… như phương pháp PCR với các bộ kit Ampli-WSSV kit, Dr. Sahul’s Kit, Genei WSSV kit, Mangalore Biotech kit, IQ2000. Ngoài ra, Ấn Độ cũng vận dụng phương pháp mới nhất như LAMP để chẩn bệnh WSSV và trắng đuôi (WTD) trên tôm.
Khi chương trình Indo-Norwegian kết thúc, Ấn Độ cũng gặt hái không ít thành công trong việc tạo ra nhiều sản phẩm vaccine hữu hiệu giúp ngăn chặn dịch bệnh trong NTTS như vaccine tái tổ hợp và vaccine DNA với khả năng ngăn chặn vi khuẩn Aeromonas hydrophila, Vibrio anguillarum, Edwardsiella tarda, bệnh trắng đuôi, đốm trắng…
Tương lai
Gần đây, DBT cũng xây dựng dự án ứng dụng công nghệ RNAi nhằm kiểm soát dịch bệnh WSSV trên tôm và kết quả đạt được rất khả quan. RNAi là tên gọi tắt của RNA-interference – giao thoa RNA, một kỹ thuật đang phát triển như vũ bão của công nghệ sinh học. Ngoài kéo dài dự án để sản xuất tôm bố mẹ và tôm giống sạch bệnh WSSV thêm 3 năm; DBT cũng tính đến việc phát triển nguồn thức ăn thủy sản bằng công nghệ sinh học. Các nguồn thức ăn giàu vi khuẩn phân giải tinh bột và phân giải cellulose được phát triển cho các đối tượng cá seabass châu Á, cá măng, cá đối… Trong lĩnh vực dinh dưỡng, Ấn Độ cũng đặc biệt quan tâm đến probiotic và đánh giá đây là “chất thân thiện sinh học” như Lactobacillus, nấm men và Bacillus sp.
Để phục vụ nhân rộng ứng dụng công nghệ sinh học trong NTTS, DBT đã thành lập Trung tâm Xuất sắc (Centre of Excellence) – một mô hình tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ đã được một số nước tiến tiến trên thế giới như Anh, Australia, EU, Hàn Quốc, Brazil… sử dụng trong thời gian gần đây. Trung tâm này sẽ tập trung nghiên cứu công nghệ mới hiện nay như RNAi, nano, cell-line, vi khuẩn chịu cực hạn và ứng dụng vào thực tế, sử dụng các phương pháp chẩn bệnh và vaccine thân thiện cho vật nuôi.
Từ những bước tiến trên, DBT lạc quan vào khả năng thành lập một Viện công nghệ sinh học trong tương lai không xa và đặc biệt chú trọng công tác đào tạo cũng như nghiên cứu chuyên sâu về về biển và công nghệ sinh học nhằm thúc đẩy ngành NTTS của Ấn Độ phát triển thịnh vượng và bền vững.
>> Không chỉ đẩy lùi dịch bệnh, công nghệ sinh học được ứng dụng triệt để nhằm bảo vệ sức khỏe vật nuôi bằng cách phát triển sản phẩm kích thích miễn dịch như Aquastim MBL để bổ sung vào nước hoặc thức ăn chăn nuôi; từ đó kích thích hệ thống miễn dịch của tôm tại trại giống, giúp cải thiện đáng kể tỷ lệ sống trên tôm giống; hay thảo dược Immuzone cũng có tác dụng tăng sức đề kháng cho tôm và đang được sử dụng rộng rãi tại Ấn Độ. |