T4, 05/07/2023 08:05

Công nghệ trong kiểm soát thủy sản khai thác

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo Cục Thủy sản, việc triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử đối với nghề cá giúp tăng tính chính xác và minh bạch hóa thông tin về sản phẩm. Phần mềm giúp thuận tiện trong quá trình theo dõi, lưu trữ hồ sơ và tinh giản được nhân lực trong công tác truy xuất khi thủy sản vào bờ…

Khắc phục điểm yếu

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản thông tin, năm 2017, Bộ NN&PTNT đã cấp kinh phí, giao Tổng cục Thủy sản (nay là Cục Thủy sản) làm chủ đầu tư xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử giai đoạn I. Bước sang năm 2019 – 2020, Bộ NN&PTNT tiếp tục bổ sung kinh phí để ngành chức năng hoàn thiện phần mềm này, nhằm đáp ứng các tiêu chí cũng như phù hợp với đặc thù nghề cá của Việt Nam.

Việc thực hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử đối với nghề cá trong nước gồm các bên liên quan là ngư dân, cảng cá, doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, cơ quan thẩm quyền tại địa phương và Trung ương với 6 bước triển khai, gồm: Quản lý tàu xuất cảng và ghi nhận dữ liệu ban đầu về tàu và thuyền viên; ghi chép sản lượng khai thác tại thời điểm đánh bắt thông qua thiết bị nhật ký điện tử; quản lý tàu vào cảng, cập nhật sản lượng khai thác; giám sát sản lượng lên cảng, cấp biên nhận bốc dỡ, mua cá tại cảng; cấp giấy xác nhận và giấy chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu cho nhà máy chế biến. 

“Trong thời gian vừa qua, ngành thủy sản đã rất nỗ lực trong việc truy xuất nguồn gốc đối với các tàu khai thác trên biển về đến cảng cá và nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã bộc lộ nhiều khó khăn, chính vì thế, ngành thủy sản mới phát triển hệ thống này”, ông Luân cho hay.

Hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử được xây dựng trên nền tư vấn của các đơn vị chuyên môn, đã được thử nghiệm trên các tàu khai thác thủy sản, kết quả cho thấy rất khả quan. Sử dụng hệ thống, tính chính xác của các mẻ lưới khi khai thác trên biển được đảm bảo, hơn nữa, ngư dân còn được giảm nhân lực khi đăng ký tàu xuất, nhập bến. Đặc biệt, khi tàu về đến cảng cá, hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản tích hợp vào hệ thống quản lý của cảng, từ đó, ngành chức năng xác định được sản lượng lên bến với sản lượng đánh bắt, tiến tới chứng nhận của các Chi cục Thủy sản. Cuối cùng, quá trình sản phẩm thủy sản đánh bắt, từ lúc cập cảng đến khi về tới nhà máy chế biến đã giảm rất nhiều phần việc, kéo theo giảm rất nhiều nhân lực, tiết kiệm được nhiều chi phí, tiến tới được chứng nhận của các Chi cục Thủy sản.

Phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử được thử nghiệm trên các tàu cá, kết quả cho thấy rất khả quan. Ảnh: VOV

Truy xuất nguồn gốc, minh bạch sản phẩm

Thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Trung ương và địa phương về công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác (kiểm soát tàu  cá ra vào cảng, bốc dỡ thủy sản tại cảng và công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản), lực lượng chức năng tại nhiều địa phương ven biển đã tích cực vào cuộc.

Tại tỉnh Phú Yên, từ năm 2019 đến nay đã không còn trường hợp tàu cá nào vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài. Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, Phú Yên đang triển khai số hóa công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác thay vì kê khai thủ công như trước đây mất nhiều thời gian, nhân lực mà số liệu không chính xác. Ngành cũng triển khai tập huấn cho cán bộ quản lý, ngư dân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản về thao tác, ghi nhật ký điện tử, sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác. Phần mềm này đã được chạy thử, sắp tới sẽ áp dụng ghi nhật ký điện tử đối với các tàu câu cá ngừ đại dương…

Trong thời gian qua, cùng với việc thực hiện các giải pháp cấp bách chống khai thác IUU, tỉnh Bình Định cũng đã áp dụng thử nghiệm phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt để xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản. Từ năm 2020, nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng, Bình Định là một trong những tỉnh tiên phong áp dụng nhật ký khai thác điện tử. Từ hiệu quả ban đầu, năm 2023, UBND tỉnh Bình Định cho chủ trương triển khai 100 máy nhật ký khai thác điện tử cho tàu cá trên địa bàn.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định nhận định, khi đã áp dụng nhật ký khai thác điện tử, ngoài chủ tàu nhẹ được nỗi lo ghi chép không chính xác, công tác giám sát sản lượng, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản của ngành chức năng cũng được nhẹ gánh. Cốt lõi là nhật ký khai thác điện tử đáp ứng được yêu cầu của EC trong công tác chống khai thác IUU .

Đình Thung 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!