Năm 2012, xuất khẩu hàng thủy sản sang khu vực châu Á (Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…) của Công ty CP Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Hà Tĩnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn bởi đầu vào nguồn nguyên liệu tăng cao, đầu ra liên tục bị giảm giá. Đối phó thực trạng này, Công ty buộc phải chuyển hướng…
Đã khó càng thêm khó
Khác nhiều năm trước đây, không khí làm việc của công nhân nhà máy đông lạnh 46 – Đò Điệm (Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Hà Tĩnh) không còn rầm rộ. Đây là dấu hiệu chung không chỉ đơn vị này mà khắp nơi trong nước đang gặp bế tắc cả 2 phía: thu mua nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm.
Suy thoái kinh tế toàn cầu tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Ông Lê Tiến Minh cho hay: “Cách đây 5 năm, sản lượng thủy sản chế biến và xuất khẩu lên tới 1.400 – 1.500 tấn, doanh số đạt 4 – 4,5 triệu USD, vậy mà năm 2011 con số xuất khẩu của Công ty thật khiêm tốn, với sản lượng 750 tấn thủy sản, doanh số 2 triệu USD”.
Sản phẩm của Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Hà Tĩnh – Ảnh: Huy Hùng
Ông Minh cho biết thêm: “Khách hàng nước ngoài làm ăn rất nghiêm túc và mình cũng luôn giữ được chữ tín đối với họ, nhưng nhiều nước xung quanh khu vực nguồn nguyên liệu nhiều hơn ta, khiến giá hàng của ta khó cạnh tranh được. Biết thế nhưng để làm ăn hợp tác lâu dài chúng tôi phải chờ cơ hội mới…”. Theo Trưởng phòng kế hoạch Công ty, “quý 1 năm 2012, chỉ xuất khẩu được 40 tấn sản phẩm đông lạnh trị giá 400 ngàn USD. Từ Tết Nguyên đán đến hết tháng 3, nhiều công nhân phải nghỉ việc bởi Công ty không thu mua được nguyên liệu. Do xuất khẩu lợi nhuận thấp, để tháo gỡ khó khăn cho Công ty, công nhân ổn định đời sống và có công ăn việc làm, Công ty chuyển sang tập trung sản xuất hàng thủy sản tiêu thụ trong nước”.
Phát huy nội lực
Chủ động và lường trước được những khó khăn trong xuất khẩu, nên cách đây 2 năm, Hội đồng quản trị cùng Ban giám đốc Công ty đã họp các cổ đông để tìm thêm hướng làm ăn mới và sản xuất mặt hàng mới; vừa tiêu thụ vừa nghe ngóng ý kiến khách hàng để kịp thời điều chỉnh giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặt hàng thủy sản gồm cá thu, tôm đóng gói, mực ống, rế, chả cá. Công ty đưa tới khách hàng trước hết là mặt hàng sạch, đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng; mặt khác phải hợp với người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
>> Tính đến hết 2011, Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Hà Tĩnh đã có 15 đại lý, cửa hàng trên toàn quốc. Việc mở rộng các đại lý giúp Công ty giảm tải lượng lao động gián tiếp, đồng thời tham gia tích cực vào thực hiện chủ trương: “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”. Những sản phẩm có giá trị kinh tế cao của Công ty như mực, cá, tôm… ngày càng thu hút khách hàng trên thị trường. Công ty đã cử lao động có tay nghề sang làm việc tại Nhật Bản, từng bước xây dựng được lực lượng nòng cốt có trình độ tay nghề, có kinh nghiệm, phong cách và phương thức làm việc ở một nước tiên tiến, giúp Công ty phát triển ngày càng lớn mạnh. |
Chiếm lĩnh thị trường, linh hoạt trong khâu tiếp thị chưa đủ, còn đòi hỏi chất lượng cao. Chữ tín chất lượng sản phẩm được Công ty đưa lên hàng đầu. Năm 2010, Công ty thử nghiệm làm các mặt hàng này, chỉ tiêu thụ trên địa bàn Hà Tĩnh. Không ngờ sản xuất đến đâu khách hàng mua đến đó, nhiều khách hàng chủ động tìm đến đặt hàng trước. Trong đó, các mặt hàng rế và chả cá được nhiều khách hàng sử dụng tiện ích cho đám cưới, đám mừng thọ và các cuộc tiệc liên hoan tập thể, cá nhân.
Sản phẩm rế là một loại ram với các thành phần thịt lợn nạc, tôm mực xay rồi trộn và tẩm gia vị mì chính, ớt tiêu, mộc nhĩ… Chả cá thì được xay nhỏ từ nguồn cá tươi ra, công thức đơn giản hơn, nhưng ăn cũng không kém phần ngon miệng so với rế. Khi được khách hàng trong tỉnh chấp nhận, Công ty tin rằng khách hàng trong nước cũng sẽ hợp khẩu vị với thức ăn thủy sản sạch này. Hai cán bộ tiếp thị của đơn vị là Nguyễn Bá Vĩnh và Nguyễn Bá Lân đã vào các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, đưa mặt hàng này ký gửi tại các siêu thị tiêu thụ… Quả nhiên được khách hàng Tây Nguyên ưa chuộng. Hiện tại, hàng rế, chả cá và cá thu, tôm đóng gói đã có mặt tại Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Tĩnh. Riêng Hà Nội, không chỉ mặt hàng này, Công ty còn tiêu thụ khá lớn về nguồn sản phẩm cá thu. Năm 2012, dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 30 tấn cá thu cấp đông trên địa bàn Hà Nội.
Tổ Chế biến sản phẩm đông lạnh của chị Lê Thị Hường có 20 người, mỗi ngày chế biến từ 1,5 đến 2 tấn cá. Nơi làm việc của tổ chị Hường là ví dụ về quy trình vệ sinh và môi trường rất nghiêm ngặt, kỷ cương lao động rất nề nếp. Một công nhân nữ nói: “Để thường xuyên đảm bảo chất lượng, trước hết cá thu đưa về phải tươi, hàng về lúc nào là phải bắt tay khẩn trương lúc ấy. Hàng lúc đưa vào phòng lạnh dùng máy tỉa từng nhát một. Theo đó đưa vào phòng hút chân không và chuyển sang phòng cấp đông để đóng hộp”.
Cũng tại nhà máy, tôi đã xem kỹ quy trình kỹ thuật chế biến rế. Chị Nguyễn Thị Minh, người thường xuyên đạt năng suất cao nhất, mỗi ngày sản xuất 100 vỉ rế, cho hay: “Làm rế không khó nhưng đòi hỏi cẩn thận, nhất là trộn gia vị phải đảm bảo đủ thành phần và đúng công thức. Công nhân ở đây đều thạo nghề này rồi, người thấp nhất mỗi ngày cũng làm được hơn 60 vỉ.
5 tháng đầu năm 2012, mặc dù thị trường thủy sản cả nước rất ảm đạm nhưng Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Hà Tĩnh vẫn duy trì gần 200 lao động có việc làm ổn định. 5 tháng qua, Công ty đã thu mua được 250 tấn nguyên liệu, chế biến được được 25 tấn hàng chả cá, rế và tôm đóng gói, tiêu thụ được 35 tấn cá thu. Hy vọng, từ nay đến cuối năm, cùng với tinh thần sáng tạo, đoàn kết nội lực và chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp, Công ty sẽ thoát khỏi rủi ro và làm ăn tiến bộ hơn.
>> 5 tháng đầu năm 2012, mặc dù thị trường thủy sản cả nước rất ảm đạm nhưng Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Hà Tĩnh vẫn duy trì gần 200 lao động có việc làm ổn định. 5 tháng qua, Công ty đã thu mua được 250 tấn nguyên liệu, chế biến được được 25 tấn hàng chả cá, rế và tôm đóng gói, tiêu thụ được 35 tấn cá thu. |