T2, 31/07/2023 09:46

“Cú hích” 15.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tuy vẫn còn có một số sự khác biệt trong cách nhìn về gói tín dụng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ lâm sản, thủy sản của Chính phủ, nhưng nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp thủy sản đều có đánh giá tích cực về gói tín dụng này. Theo họ, việc cấp thêm vốn tín dụng ưu đãi trong bối cảnh khó khăn hiện nay là hết sức quý giá và cần thiết.

Cần đảm bảo “sức khỏe” tài chính

Những khó khăn mà doanh nghiệp thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng đang phải hứng chịu vốn đã được VASEP và các chuyên gia dự báo từ sớm và không thể tránh khỏi.

Giải pháp của Chính phủ, ngân hàng kỳ vọng trợ lực kịp thời giúp doanh nghiệp thủy sản thoát khó và có cơ hội vực dậy. Ảnh: Phan Thanh Cường

Thực tế cho thấy, ngay từ khi bước vào quý III/2022, các doanh nghiệp thủy sản đã bắt đầu gặp khó, khiến mọi kế hoạch, toan tính trong giai đoạn cuối năm 2022 của doanh nghiệp đều bị đảo lộn. Nguyên nhân chủ yếu là do quý I/2022, xuất khẩu tăng trưởng mạnh nên hầu hết doanh nghiệp đều tranh thủ mua vào tôm nguyên liệu, nhưng do khó khăn từ thị trường nên việc bán hàng diễn ra chậm và kéo dài so với dự kiến của doanh nghiệp. Bước sang năm 2023, khi giá tôm bước vào giai đoạn giảm mạnh, doanh nghiệp nào cũng đẩy mạnh mua vô, nhưng các đơn hàng trong 6 tháng đầu năm lại sụt giảm rất mạnh, vốn nằm trong hàng tồn kho, trong khi hạn mức tín dụng phần lớn đã được sử dụng hết khiến doanh nghiệp càng thêm bí bách trong việc xoay vòng nguồn vốn.

Vì vậy, theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, việc cấp thêm vốn tín dụng, mà lại là tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp hơn 1 – 2% so với mức lãi suất cho vay cùng kỳ hạn trong giai đoạn này là hết sức cần thiết và quý giá. Ông Lực chia sẻ: “Trong hoàn cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp bí bách quá rồi, không có vốn đành phải chấp nhận lỗ khi chọn giải pháp bán rẻ, thậm chí là rất rẻ nữa để tìm cơ may quay dòng vốn. Cho nên, đối với doanh nghiệp hiện tại có tiền là tốt rồi, còn lãi suất thế nào tính sao. Như vậy có thể thấy, gói hỗ trợ này đến kịp thời sẽ giúp doanh nghiệp tháo gỡ được nút thắt né nợ xấu, giúp doanh nghiệp qua cơn bĩ cực, có thêm nguồn vốn đề xoay xở thu mua tôm của người nuôi, hạn chế tình trạng bán tháo tôm giá rẻ, giảm thiệt hại”.

Khi phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam đặt vấn đề chênh lệch lãi suất tín dụng giữa đồng USD với VND, hầu hết doanh nghiệp thủy sản đều xua tay, lắc đầu nói: “Hiện tại không có chỗ cho sự so sánh lãi suất tín dụng giữa 2 đồng tiền này nữa, mà phải thẳng thắn thừa nhận rằng là “Có tín dụng là tốt rồi”! Hơn nữa, lãi suất của gói tín dụng này lại thấp hơn mức lãi suất cho vay cùng kỳ hạn 1 – 2% nên càng thêm quý và có ý nghĩa đối với doanh nghiệp. Bây giờ, phần lớn doanh nghiệp đều đã sử dụng gần như hết hạn mức tín dụng, nếu không xoay xở được nguồn vốn, để lâu thêm nữa, ngân hàng chuyển qua gói nợ xấu thì doanh nghiệp càng khổ hơn”.

Sở dĩ chúng tôi đặt vấn đề trên là bởi tại một diễn đàn gần đây, một vị lãnh đạo doanh nghiệp tôm đã chia sẻ là sẽ không vay từ gói tín dụng trên, mà chỉ vay bằng USD do có lãi suất thấp hơn. Điều này là không sai, nhưng trên thực tế, không phải doanh nghiệp thủy sản nào cũng thuộc diện được vay bằng USD, nên gói tín dụng trên vẫn sẽ là cứu cánh đối với họ để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Sao để hiệu quả

Một thực tế có thể thấy, không phải doanh nghiệp nào cũng đón nhận gói tín dụng trên một cách hồ hởi như nhau, bởi điều này còn tùy thuộc vào lượng hàng tồn kho, số lượng đơn hàng từ nay đến cuối năm và đặc biệt là tiềm lực tài chính của mỗi doanh nghiệp.

Đó là do từ quý III/2022 trở về trước, phần lớn doanh nghiệp thủy sản đều có những năm xuất khẩu thuận lợi, doanh số và lợi nhuận tăng nhanh, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn tích lũy để trụ vững trước khó khăn đến từ đầu quý III/2022 đến nay. Tổng giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn ở Cà Mau nói về gói tín dụng trên, như sau: “Nhìn vào con số chung 15.000 tỷ đồng thì thấy lớn nhưng thật ra là không thấm vào đâu so với nhu cầu của doanh nghiệp ở cả 2 ngành lâm sản và thủy sản. Do đó, đối với ngành thủy sản, gói tín dụng này chỉ thật sự có ý nghĩa đối với những doanh nghiệp nhỏ, thật nhỏ trong ngành, còn những doanh nghiệp lớn, có uy tín hiện đều đã chuẩn bị tốt nguồn vốn cho giai đoạn tăng tốc từ nay đến cuối năm, thậm chí là cả quý I của năm sau”.

Ông Vũ Công Huân, Giám đốc Công ty CP tập đoàn HDC – một công ty xuất nhập khẩu và phân phối thủy sản trong nước phản ánh, hiện nay mảng xuất khẩu của doanh nghiệp thực sự khó khăn khi đơn hàng giảm khoảng 25 – 27%. Còn với thị trường nội địa, dù giá nguyên liệu đầu vào đã giảm khoảng 30 – 35% so với 6 tháng đầu năm ngoái, nhưng doanh nghiệp không có nguồn vốn để sản xuất hàng hóa. Ông Huân chia sẻ, HDC có tiếp cận ba ngân hàng với tổng hạn mức tín dụng được cấp khoảng 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, hạn mức có thể giải ngân tín chấp chỉ khoảng 8 – 10 tỷ đồng, còn lại ngân hàng yêu cầu phải có tài sản đảm bảo. Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa như HDC sẽ không đáp ứng được tiêu chí này, mặc dù các báo cáo tài chính, dòng tiền rất tốt. Những khách hàng lớn như Vingroup, Massan hay Lotte… đều có dòng tiền thanh toán đúng hạn và không bao giờ chậm quá 5 ngày. Phía ngân hàng cũng chia sẻ rằng dù khách hàng tốt, nhưng quy định về cho vay tín chấp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tối đa chỉ từ 3 – 5 tỷ đồng, nghĩa là với 3 ngân hàng thì được khoảng 10 tỷ đồng.

“Chúng tôi mong muốn Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đưa ra giải pháp nào đó giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn, hoặc chấp nhận rủi ro về tín dụng để áp dụng cho một bộ phận nhỏ có khách hàng tốt, dòng tiền tốt. Hiện tại, đơn hàng chúng tôi bán tại nội địa chỉ đạt khoảng 35% và phải dành một phần vốn để xuất khẩu, vậy vấn đề như tôi đã chia sẻ là đơn hàng tại Việt Nam đang không thể giao đủ do không có nguồn vốn lưu động sản xuất. Khi bán hàng, khách hàng cũng nợ khoảng 2 tháng, nhưng khi mua nguyên liệu của người nông dân thì phải thanh toán ngay. Vì vậy chỉ trong 2 tháng đó, chúng tôi mong muốn ngân hàng cùng đồng hành, cùng kiểm soát và tin tưởng doanh nghiệp, giống như chúng tôi tin tưởng khách hàng và để từ đó tăng hạn mức cho doanh nghiệp”, ông Huân bày tỏ.

Với sự tăng dần kim ngạch xuất khẩu từ tháng 4 đến nay, đặc biệt là trong tháng 6 cho thấy thị trường xuất khẩu thủy sản đang hồi phục dần và theo dự báo sẽ hồi phục vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024. Do đó, ở thời điểm này, doanh nghiệp rất cần vốn để duy trì sản xuất, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục, nên gói tín dụng sẽ giúp các doanh nghiệp giữ được khách hàng, duy trì sức cạnh tranh trên thị trường. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, gói tín dụng được ban hành ở thời điểm hiện nay sẽ giúp cho ngành thủy sản duy trì được chuỗi cung ứng, doanh nghiệp có thêm cơ hội tốt hơn từ nay đến cuối năm. 

Xuân Trường

>> Theo khảo sát cuối tháng 6 của Tổng cục Thống kê, chỉ có khoảng 18,5 - 28,9% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh quý II tốt hơn quý I; 36,2 -43,2% đánh giá tình hình ổn định và 27,4 - 36,2% đánh giá tình hình sụt giảm. Tính đến ngày 30/6/2023, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, chi tăng 4,73% so cuối năm 2022. Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp đang xuống thấp. 

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Các Ngân hàng thương mại Nhà nước hay Ngân hàng thương mại cổ phần đều phải có trách nhiệm trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp lĩnh vực lâm sản, thủy sản nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung, cần có những chính sách khẩn cấp hỗ trợ các doanh nghiệp hai ngành nghề này để giữ vững được thị trường, thị phần, không để cho doanh nghiệp không đủ vốn sản xuất và bị phá sản. Các ngân hàng cố gắng duy trì hạn mức đã cấp cho doanh nghiệp, không nên cắt giảm. Nếu trường hợp thiếu hạn mức tín dụng đối với hai lĩnh vực này, tổ chức tín dụng báo lại ngân hàng nhà nước để có điều chỉnh. Tuy nhiên, việc hỗ trợ cho 2 lĩnh vực trên không chỉ ở phía ngành ngân hàng, bởi ngành ngân hàng chỉ liên quan đến vấn đề nguồn lực vốn mà còn rất nhiều vấn đề cấp thiết khác như: Phải có thị trường tiêu thụ, phải có thị trường xuất khẩu, thị trường trong nước…

TS, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu

Hiện doanh nghiệp ngành lâm, thủy sản đang gặp phải 2 khó khăn chính: Thứ nhất là dòng vốn cho vay đang bị siết lại do ngân hàng lo ngại thị trường chưa ấm lên sẽ dẫn đến nợ xấu. Thứ hai là các nước châu Âu, Mỹ đang thắt chặt chính sách tiền tệ từ đó tổng cầu giảm, nhu cầu về thuỷ hải sản giảm, nên các doanh nghiệp cũng giảm sút đơn hàng. Với mức lãi suất thấp hơn thị trường 1 - 2%, mặc dù chưa phải là thấp, nhưng trong bối cảnh các doanh nghiệp ngành này đang gặp nhiều khó khăn thì ít nhiều cũng là giải pháp tốt. Bên cạnh đó, việc khơi thông dòng vốn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là rất quan trọng, nhưng đầu ra cho sản phẩm cũng quan trọng không kém. Bởi vì bơm vốn vào, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, nhưng lại chưa gỡ được đầu ra do nhu cầu thị trường suy giảm thì lại dẫn tới vòng luẩn quẩn hàng không bán được, nợ nần nhiều. Vì vậy, cần giải quyết khâu thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thì chính sách giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp cần được tiếp tục triển khai. Bên cạnh những giải pháp dài hạn của Nhà nước, Chính phủ thì bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải nâng tầm trình độ về quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính… Khi các ngân hàng yên tâm về “sức khỏe” của doanh nghiệp thì chắc chắn các ngân hàng sẽ không từ chối cho vay. Ngoài ra, về điều kiện cho vay, liệu thời điểm này có hạ thấp được không? Nếu các ngân hàng không thể hạ tiêu chuẩn do vướng quy định pháp luật hay tiêu chuẩn Basel quốc tế, thì cần phải có giải pháp để tăng cường bảo lãnh tín chấp, nâng cao năng lực doanh nghiệp.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!