Công trình cảng neo trú tàu thuyền và cửa biển Mỹ Á ở xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ vừa được nghiệm thu vào tháng 12/2011 với khoản kinh phí xây dựng hơn 90 tỷ đồng. Nhưng chỉ vài ngày trước đó nó nhấn chìm 2 chiếc tàu cá, cướp đi sinh mạng một ngư dân và làm nhiều tàu thuyền bị mắc cạn. Hiện tại, ngư dân lại phải “gồng mình” nạo vét cửa biển như bao lâu nay vẫn vậy.
1. Thay vì vào bến để bán hải sản và tiếp nhiên liệu thì hàng chục tàu cá của ngư dân Phổ Quang phải neo đậu chen chúc ngay tại cửa biển Mỹ Á vì bị bồi lấp không thể vào bên trong. Giữa trưa nắng như đổ lửa, nhiều ngư dân phải phơi mình dùng thúng chuyển hải sản vào bến và đưa nguyên liệu trở lại tàu cho chuyến ra khơi tiếp theo.
Tàu thuyền không thể vào bến nên nhiều ngư dân phải dùng thúng chuyển hải sản vào bờ
“Chỉ hơn 1 tấn cá ngừ đánh bắt được trong đêm nhưng phải mất hơn 3 giờ đồng hồ mới chuyển xong. Lại phải bán giá thấp gần phân nửa vì cá bị ươn và trầy xướt. Bán xong là tụi tui liền quay thuyền ra khơi chứ chẳng kịp về nhà dù chỉ cách vài chục bước chân vì đây là thời điểm đánh bắt chính trong năm nên không dám nghỉ ngơi” – ngư dân Võ Xuân Cẩm ở thôn Hải Tân cho biết.
Nhìn những ngư dân tất bật chuyển cá và nguyên liệu, anh Hành Văn Hóa chợt thở dài. Bởi vì, trước đó vào ngày 16/11/2011, trong khi xuất bến ra khơi thì chiếc tàu cá QNg – 48909TS với công suất 80CV của anh đã bị sóng nhấn chìm tại cửa Mỹ Á. Trong khi quay lại vớt thuyền viên trên tàu gặp nạn thì tàu cá của ông Trần Cu Ly đã bị sóng bủa ngang, tàu lắc mạnh làm cho thuyền viên Võ Minh Châu rơi xuống biển bị sóng cuốn trôi đến ngày hôm sau mới tìm thấy xác cách đấy khoảng 20Km.
“Mất 500 triệu đồng kể cũng xót, nhưng tội cho chú Châu yểu mệnh bỏ lại người vợ hay đau ốm cùng với 3 con nhỏ. Tui đã vay mượn hơn 400 triệu đồng để đóng tàu mới, nhưng chắc phải vào neo trú nơi khác chứ không dám trở về đây. Biết đâu, lỡ…!” – anh Hóa bỏ lửng câu nói.
Cũng tại cửa biển này, vào ngày 9/11/2011, chiếc tàu cá QNg – 44297TS của ngư dân Nguyễn Quảng cũng đã bị sóng đánh chìm khi xuất bến ra khơi. 3 ngư dân trên tàu được cứu vớt kịp thời nhưng con tàu đã bị sóng đánh va vào đá ngầm tan tành gây thiệt hại trên 400 triệu đồng.
Lão ngư Nguyễn Xếch – Vạn trưởng vạn chài thôn Hải Tân cũng không thể nhớ nổi bao nhiêu tàu cá bị mắc cạn, bị chìm tại cửa biển Mỹ Á. Vì vậy mà khi ra khỏi bến thì chiếc tàu đi trước phải dừng để trông chừng tàu phía sau gặp nạn mà quay lại ứng cứu. Và cũng đã có nhiều tàu bị chìm cùng lúc trong khi lai dắt gây thiệt hại từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Bởi vậy nên chỉ còn 150 tàu cá quay trở về bến, hơn 250 tàu của ngư dân trong xã phải vào neo trú ở những nơi khác thay vì trở về địa phương.
2. Hai chiếc máy múc hối hả vươn “cánh tay sắt” ngoạm vào bãi cát bồi tựa như những chiếc thìa bé xíu khuấy đảo trong bát cháo loãng. Cách đấy mươi mét nước là những tảng đá thoắt ẩn thoắt hiện như những hung thần “đòi mạng” tàu thuyền mỗi khi ra vào bến.
Dưới cái nắng chói chang, ngư dân cứ hết nhìn vào bãi cát bồi lại dõi mắt về hướng những tảng đá chặn lối ra vào ẩn hiện sau mỗi đợt sóng. Chiếc xà lan của đơn vị thi công nằm sâu trong cát, chỉ lộ ra phần nhỏ diện tích sau gần cả tháng cào xúc. Cạnh đấy có hàng chục “tay vợt” lặng lẽ cào don với mực nước chỉ đến bắp chân…
Ngư dân Nguyễn Xếch cho biết: Cứ sau tết là tụi tui lại phải góp tiền để thuê máy múc nạo vét cửa biển
“Với hai chiếc máy múc cùng với xe ủi và xe tải chở cát nạo vét gần tháng qua đã tiêu tốn trên 200 triệu đồng. Ngư dân tụi tui đành phải bấm bụng góp từ 500.000 – 1.500.000 đồng trên mỗi tàu cá tùy theo công suất lớn nhỏ, nhưng vẫn không thấm vào đâu. Chắc phải tốn cả trăm cả trăm triệu nữa mới thông được cửa biển. Duy chỉ có năm 2009 là tụi tui không phải nạo vét vì các đơn vị xây dựng công trình dùng máy hút cát khơi thông dòng chảy, những năm còn lại đều phải tốn vài ba chục triệu đồng mới ra đến biển. Đành phải chịu vậy chứ chẳng lẽ neo tàu trong bến!?” – ông Xếch nói.
Lão ngư Nguyễn Khanh (65 tuổi), người đã có thâm niên trên 50 năm gắn bó với biển cũng không thể biết việc cửa biển bị bồi lấp bắt đầu từ khi nào. Cứ sau Tết Nguyên đán là cửa lại bị bồi lấp. Khi mới lên mười, ông đã phải đánh trâu kéo cát, phụ việc nạo vét với hàng trăm người khác. Những năm trước, họ phải dùng sức người với cuốc, xẻng để đào bới suốt ngày đêm như những chú kiến cần mẫn khoét sâu vào lòng đất để xây tổ.
Học theo cách tận dụng sức nước sông Vụ Quang để diệt giặc Pháp của cụ Phan Đình Phùng thuở trước, họ còn lên núi Cửa (nằm bên cạnh) chặt cây, đốn chà chắn ngang dòng lạch nhỏ cho nước dâng cao rồi tiếp tục đào bới, phá đập chắn để dòng nước đẩy cát trôi xa cửa biển. Hàng trăm nông dân ở các xã phía thượng nguồn sông Thoa như Phổ An, Phổ Văn và Phổ Minh cũng tham gia khơi thông cửa biển do ruộng bị ngập úng.
Những năm gần đây, ngư dân phải bấm bụng đóng góp tiền của thuê máy múc, xe ủi và xe tải để nạo vét cửa biển thay cho sức trâu và sức người trong những năm trước đó. Xót lòng với việc cửa biển bị bồi lấp làm cho người dân phải chịu bao nỗi nhọc nhằn, ông Khanh đã sáng tác bài thơ 24 câu với gần 170 từ nghe đến não lòng. “…Cạn tới, cạn lui mãi không rời/Muốn đi ra biển thì lựa nước/Chỉ chậm chân thôi phải ở nhà… Sáng lại thuyền vô phải ở ngoài… Chứ chưa nói đá nổi hay ngầm/Ra vô va đụng tùm lum chuyện/Bể ván còn thêm chân vịt lìa…”.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh bắt của ngư dân địa phương, đầu năm 2009, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư trên 90 tỷ đồng để xây dựng công trình cảng neo trú tàu thuyền và cửa biển Mỹ Á. Công trình bao gồm các hạng mục chủ yếu là đê bắc, đê nam, đê chắn cát – ngăn lũ, vũng neo đậu tàu thuyền, luồng ra vào và bến cá.
Ngư dân Hành Văn Hóa phải vay mượn hơn 400 triệu đồng để đóng mới chiếc tàu cá sau khi bị chìm tại cửa biển Mỹ Á vào ngày 16-11-2011
Theo thiết kế, khi đưa vào sử dụng thì công trình sẽ đảm bảo cho 400 tàu cá với công suất mỗi chiếc lên đến 400 CV ra vào cửa biển và neo trú an toàn trong mọi tình huống thời tiết. Tuy nhiên, khi xây dựng hoàn thành thì nó cũng đã nhấn chìm 2 chiếc tàu cá, cướp đi sinh mạng ngư dân Võ Minh Châu và “giữ chân” nhiều tàu thuyền khác với khoản kinh phí lai dắt mỗi đợt lên đến hàng chục triệu đồng.
Giữa tháng 2/2012, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa đã ra Quyết định thành lập Đoàn thanh tra để làm rõ trách nhiệm đối với những tập thể cá nhân liên quan đến việc triển khai xây dựng công trình. Những ngư dân thì lại mải lo nạo vét cửa biển rồi cùng nhau “dô hò dô tá…” gắng sức kéo căng những sợi thừng buộc với thân tàu để tránh những tảng đá ngầm chập chờn giữa sóng nước.
Trang Thy
Theo Báo Quảng Ngãi