T2, 06/07/2020 10:11

Cửa Đại không “ngủ đông”

Chưa có đánh giá về bài viết

Mùa đông, nhưng nhiều ngư phủ ở phường Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) vẫn đạp sóng ra khơi. Những người “tạm biệt” nghề biển thì ở nhà mở dịch vụ buôn bán, tìm kiếm việc làm ở các cơ sở du lịch. Cửa Đại bây giờ không có mùa “ngủ đông”…

Giảm mạnh hộ nghèo

Sau những đợt mưa dầm dề, tôi về Cửa Đại, nơi lồng lộng sóng và gió. Khác cảnh hoang tàn sau khi cơn bão Ketsana càn quét cách đây hơn 3 năm, trở lại lần này, Cửa Đại trông có vẻ hiền hòa, trời yên biển lặng. Bến đậu Cửa Đại có 5 – 7 tàu thuyền đang hối hả nhổ neo. Lớp lớp con sóng giờ được che chắn bởi khối bê tông kè kiên cố trên bờ. Dọc bờ biển là tiếng rào rạt của rừng phi lao đang bắt đầu hồi sinh. Anh Trần Quốc Thắng, cán bộ Văn phòng UBND phường Cửa Đại phấn khởi khoe: “So với các vùng biển khác, dân Cửa Đại ít đánh bắt xa bờ hơn, nhưng chỉ riêng nghề câu cá hố và giã cào đã giúp họ có của ăn của để. Hầu hết hộ có ghe tàu đánh bắt đều không rơi vào đối tượng hộ nghèo”. 

Chúng tôi đến thăm lại ngư dân Trần Kiểu (khối phố Phước Hòa – phường Cửa Đại) có ghe bị đánh tanh bành trong cơn bão năm 2009. Ông Kiểu nói: “Sau nhiều năm tích cóp, gia đình tôi cũng sắm được ghe đi giã, cuộc sống chừ đỡ thiếu thốn hơn nhờ có thể ra khơi đánh bắt kiếm cơm ngay trong mùa biển động”. Theo lời ông Kiểu, hai tháng qua, ngư dân đã bội thu nghề câu cá hố, có đêm “trúng mánh” có thể kiếm hơn một triệu đồng.  Ngoài số hộ có tàu thuyền trực tiếp ra khơi, số lao động chưa có điều kiện mua sắm phương tiện thì đi bạn, hoặc chuyển sang đảm nhận công việc của hậu cần nghề cá, hoặc mạnh dạn xin vào lao động phổ thông, tạp vụ ở các khách sạn, resort trên địa bàn. Chính sự linh hoạt trong chuyển đổi ngành nghề, đến nay có không ít khối phố của phường đã thoát được cái nghèo. Đơn cử khối phố Phước Tân có 277 hộ thì hiện chỉ còn mỗi hộ bà Trần Thị Lành thuộc diện hộ nghèo. Điều đáng nói, có thời điểm khối phố này nằm trong danh sách dẫn đầu hộ nghèo của phường. 

alt 

Nghề câu cá hố đã đem lại thu nhập cao cho nhiều ngư dân – Ảnh: Phương Thảo

Theo ông Lê Công Sỹ – Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Đại, toàn phường có 1.259 hộ nghèo thì nay chỉ có dưới 30 hộ nghèo. Sở dĩ hộ nghèo giảm mạnh là do người dân không quá trông chờ vào biển giã. Trước đây, dân “nằm bờ” kéo dài suốt cả mùa đông, đợi đến ra giêng mới triển khai đánh bắt. Trong khi đó, một lao động chính đi biển phải nuôi nhiều miệng ăn. “Tuy nhiên, địa phương luôn xác định hướng phát triển kinh tế đặc thù, khai thác triệt để thế mạnh kinh tế của từng vùng. Ở khối phố Phước Thịnh, Phước Hải ưu tiên đẩy mạnh nghề khai thác hải sản và hậu cần nghề biển. Còn Phước Tân thì tập trung vào mở rộng dịch vụ du lịch, thương mại, dịch vụ…” – ông Sỹ khẳng định. Hiện nay, cùng với các tour du lịch quảng bá sản phẩm, quảng bá thương hiệu địa phương, phường Cửa Đại đang nỗ lực xây dựng hình ảnh, thu hút người dân vào làm du lịch. Nhiều tour du dịch đưa du khách thưởng ngoạn trên biển đang hứa hẹn nhiều triển vọng.  

Tăng sản lượng

Là địa phương có tiềm lực kinh tế biển, nhưng lãnh đạo phường Cửa Đại không chủ trương khuyến cáo người dân “bám biển” bằng mọi giá, ngược lại hỗ trợ người dân thanh lý các phương tiện công suất nhỏ, cũ kỹ, hoạt động èo uột. Riêng từ đầu năm đến nay, đã giảm 22 phương tiện với tổng công suất hơn 395CV. Đổi lại, trên địa bàn không ít ngư dân mạnh dạn đóng tàu trị giá tiền tỷ. Con tàu của ông Phạm Sơn (khối phố Phước Thịnh) vừa mới hạ thủy. Tàu có công suất 420CV, trị giá hơn 1,5 tỷ đồng, thuộc loại tàu đánh bắt xa bờ “khủng” nhất của địa phương từ trước đến nay. Thêm vào đó, năm nay, khối phố Phước Hải và Phước Thịnh đã đóng mới 8 tàu với công suất 613CV, nâng tổng số tàu thuyền hiện có của toàn phường lên 157 chiếc (tổng công suất hơn 4.594CV). Tuy giảm về số lượng phương tiện ra khơi, nhưng sản lượng khai thác trong mùa biển 2012 đạt 3.285 tấn (tăng 7,6% so với cùng kỳ). Tổng giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt hơn 29 tỷ đồng. 

Theo UBND phường Cửa Đại, hiện chỉ còn khoảng 650 nhân khẩu bám biển, lực lượng lao động trực tiếp đánh bắt giảm đáng kể, chiếm 40% tổng lao động của toàn phường. Tuy nhiên, theo lãnh đạo địa phương, cơ cấu lao động ở mức nêu trên là tín hiệu mừng hơn lo, bởi việc hạn chế lực lượng lao động “ăn theo” nghề biển đã giúp cho doanh thu nghề biển theo đầu người tăng. Mặt khác, tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu ngành nghề đa dạng, cư dân vùng biển không quá phụ thuộc và lo lắng về sự bất trắc của thời tiết. 

Vào mùa đông, tình trạng gió bão, nước biển xâm thực trở thành mối hiểm họa đe dọa tính mạng, tài sản của người dân Cửa Đại. Do đó, chính quyền địa phương đã đầu tư 200 triệu đồng để mua lại rừng dương liễu của người dân phục vụ cho việc chắn sóng, giảm sức gió, bảo vệ vành đai sinh thái dọc bờ biển Cửa Đại. Ngoài ra, dự án kè bờ biển Cửa Đại dài 120m trị giá 30 tỷ đồng giai đoạn 1 đã thi công đảm bảo, đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão năm nay. Cuối tháng 11 này, chính quyền và nhân dân phường Cửa Đại sẽ phát động chiến dịch trồng 30 nghìn cây dương liễu dọc bờ biển, dự án do Bộ Tài nguyên – môi trường hỗ trợ.

Hữu Phúc

Báo Quảng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!