(TSVN) – Các công ty đánh bắt cua của Nga đang ngày càng nhắm đến các thị trường châu Á để bù đắp cho việc bị Mỹ và Liên minh châu u cấm xuất cảnh khi áp dụng các biện pháp trừng phạt sau cuộc xung đột tại Ukraine.
Cua là một trong những mặt hàng hải sản xuất khẩu có giá trị nhất của Nga. Chiếm chưa đến 5% kim ngạch xuất khẩu thủy sản tính theo khối lượng nhưng cua mang lại gần 43% giá trị xuất khẩu thủy sản của Nga trong năm 2021, theo Agroexport, Trung tâm xuất khẩu nông sản nước này.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cua của Nga tìm cách chuyển hướng sang thị trường châu Á thay cho Mỹ và EU. Ảnh: The Independent
Hàng năm, Nga đánh bắt khoảng 95.000 tấn cua và 75 – 80% sản lượng đó được xuất khẩu do nhu cầu nội địa đối với cua rất khiêm tốn. Theo dữ liệu từ Cơ quan Hải quan Liên bang Nga, năm 2021, Nga đã xuất khẩu 75.000 tấn cua với giá trị 2,6 tỷ USD. Trong đó, 60% giá trị đến từ các sản phẩm đông lạnh và phần còn lại là từ cua sống hoặc ướp lạnh. Các thị trường cua hàng đầu của Nga trong thời gian này là Hàn Quốc, Hà Lan, Trung Quốc, Nhật Bản và Na Uy. Cua sống và ướp lạnh từ Nga chủ yếu được gửi đến các nước châu Á, còn cua đông lạnh sẽ đến Mỹ và EU.
Tuy nhiên, các thị trường truyền thống đó đã bị đảo lộn vào đầu năm 2022 do các lệnh trừng phạt, giáng một đòn mạnh vào những người đánh bắt cua của Nga, đặc biệt là những người ở lưu vực phía Bắc và khu vực Viễn Đông. Theo nhóm đánh bắt cua khu vực Viễn Đông, một nhóm thương mại chiếm 45% sản lượng thu hoạch cua của quốc gia, doanh số xuất khẩu sang Mỹ đã tăng 30% lên 31.150 tấn từ năm 2015 đến 2020. Nhưng sau lệnh trừng phạt, các nhà xuất khẩu cua của Nga dường như đã quay trở lại “vị trí ban đầu”. Các công ty nhanh chóng nhắm mục tiêu sang các thị trường mới, đặc biệt là châu Á.
Antey, một công ty cua hàng đầu hoạt động ở lưu vực phía Bắc và đã đánh bắt được 14.000 tấn cua trong năm 2021, đã chuyển phần lớn doanh số bán hàng sang châu Á. Công ty đã xây dựng một kế hoạch logistics cẩn thận để vận chuyển cua sống – hình thức được ưa chuộng ở châu Á – từ các vùng biển phía Bắc xa xôi của Nga đến Trung Quốc và Hàn Quốc.
Phó Giám đốc điều hành Russian Crab, bà Yulia Yurova, cho biết năm 2022 đã cho thấy việc chuyển hướng sang các thị trường phương Đông là “một nhiệm vụ khả thi”. Từ tháng 1 – 10/2022, Trung Quốc đã nhập khẩu 2.565 tấn cua của Nga, nhiều hơn gấp đôi lượng nhập khẩu cho cả năm 2020 và 2021. Xuất khẩu cua của Nga sang Nhật Bản cũng tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.300 tấn tính đến tháng 8/2022, bà cho biết thêm.
Hải Phong
Theo Seafoodsource