T2, 06/07/2020 10:40

Cửa Tùng mùa rong biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Tháng 11 cũng là thời gian biển Cửa Tùng (Vĩnh Linh, Quảng Trị) trút bỏ chiếc áo lung linh với những con sóng trắng suốt lượn lờ trên làn nước trong xanh, thay vào đó, biển khoác lên mình vẽ đẹp của mùa đông.

Biển mùa đông không chỉ đẹp với những con sóng vỗ ầm ào lên những bãi đá phủ đầy màu xanh, màu nâu của rong biển, mà còn đẹp bởi hình ảnh những người phụ nữ tần tảo, nhỏ bé trước những con sóng dữ dội, ngâm mình trong làn nước biển lạnh ngắt, cố hái từng cọng rong biển mưu sinh trong mùa đông.

Với tôi, rong biển (hay còn gọi là rau mit), luôn là món ăn khoái khẩu gắn bó với tuổi thơ. Ngày đó, mê rong biển, tôi chỉ mong sao mỗi năm mùa đông đến thật nhanh, để những đứa trẻ như tôi được thưởng thức những bữa cơm mùa đông ấm cúng bên nồi canh rong biển nghi ngút khói, được lang thang trên các bãi đá sau mỗi buổi học, bứt từng rổ rong biển cho bữa cơm chiều. Về sau, cái vị ngọt thanh, sần sật, thoảng mùi thơm đặc trưng từ lá rong biển được chế biến thành các món canh, xào, nướng, gỏi luôn theo tôi trong những năm tháng xa quê.

Mùa rong biển năm nay đến muộn. Mọi năm, giữa tháng 10 là rong biển bắt đầu mọc. Có lẽ, tháng 10 năm nay thời tiết chưa lạnh nên rong biển chưa xuất hiện. Bước vào tháng 11, lang thang trên các bãi đá tại vùng biển Cửa Tùng, ta dễ dàng nhìn thấy nhiều người dân, đa số là phụ nữ cặm cụi, kiên nhẫn hái rong biển trên các tảng đá nằm xa ngoài nước biển. Họ miệt mài hái mà quên đi những con sóng giá lạnh quật thẳng vào người. Gặp chị Nguyễn Thị Bình, một người quen ở vùng biển Cửa Tùng đang hái rong biển, tôi vui mừng đến bên chị và cũng dầm mình trong nước hái rong biển. Vừa hái rong biển, chị Bình vừa nói: “Không hiểu răng năm ni rau mit ít lắm em à! Mọi năm rau thường mọc sớm và nhiều lắm. Chắc tại năm ni thời tiết không rét lắm, với lại nhiều người hái quá đâm ra rau mit ít dần. May răng rau mit qua một đêm mọc nhanh nên ngày mô cũng có hái”.

 

Nhiều em nhỏ tranh thủ hái rong biển ngoài giờ học

Trên các tảng đá, có hai loại rong biển, một loại màu xanh và một loại màu nâu. Những người phụ nữ tại biển Cửa Tùng chỉ hái những lá rong biển màu nâu vì theo họ, rong biển màu nâu ngon hơn, không chát như rong biển màu xanh và nhiều chất bổ dưỡng hơn. Lá rong biển màu nâu thường rất khó hái. Vì bề mặt rong biển trơn, có chiều dài từ 4 đến 6 cm, phần gốc của rong biển bám chắc vào mặt đá nên người hái phải kiên nhẫn bứt từng lá. Loại rong biển ngon phải là loại được hái bằng tay vì sẽ không bị nát, lẫn lộn cát, đá so với loại rong được cạo bằng những vật kim loại. Rong biển thường mọc nhiều ở những tảng đá nằm sâu dưới mặt biển. Để hái được rong biển, người dân phải canh lúc thủy triều xuống, những tảng đá nhô lên khỏi mặt nước mới hái được. Những người dân thường xuyên hái rong như chị Bình, mỗi lần nước rút, nếu nhanh tay thì cũng hái được khoảng 5 đến 7 kg rong biển. Số rong biển trên được mang bán vào phiên chợ buổi sáng hoặc buổi chiều. Tại khu chợ cá Cửa Tùng, vào mỗi buổi chiều, rất nhiều phụ nữ về bán rong biển. Theo chị Nguyễn Thị Dòng, một người dân chuyên hái rong biển cho biết, 1 kg rong biển thường có giá từ 40 đến 50 ngàn đồng. Vào cuối mùa đông, khi rong biển hiếm hơn thì giá rong biển có thể lên tới 80 ngàn đồng/1 kg.

Nhiều du khách về thăm biển Cửa Tùng không quên ghé vào chợ, mua vài cân rong biển mang về làm quà vì rong biển ngon và rất tốt cho sức khỏe. Để sử dụng rong biển lâu ngày, họ thường cho vào tủ lạnh, đông thành đá để bảo quản. Với những người dân miền biển Cửa Tùng, họ thường mang phơi khô để sử dụng trong các mùa rong không mọc. Thường thì rong biển khô không ngọt bằng rong biển tươi.

Lá rong biển được người dân Cửa Tùng chế biến thành những món ăn đặc sản. Trong các bữa ăn vào mùa đông của những người dân nơi đây thường có món canh rong biển nấu chung với rau lang, hay nấu với sợi bột lọc. Hoặc có thể chế biến rong biển thành món xào và không quên cho thêm một ít ruốc. Với rong biển khô, người dân thường làm gỏi chung với hải sản, với rau sống. Đặc biệt, những ai đã từng một lần đến thăm vùng biển Cửa Tùng vào mùa đông, sẽ không quên được hương vị món rong biển nướng lá chuối. Rong biển rửa sạch gói cẩn thận vào lá chuối, không cần cho gia vị, nướng với nhiệt độ vừa phải trên than hồng. Khi mặt lá chuối khô và rám cháy cũng là lúc rong biển chín. Rong biển nướng có vị ngọt thanh, giòn, có mùi thơm nồng của rong hòa lẫn với mùi thơm của lá chuối. Món này dùng chung với cơm trắng hoặc ăn không sẽ rất ngon. Theo kinh nghiệm của những người dân nơi đây, rong biển sẽ ngon hơn, tươi hơn và giữ được độ ngọt nếu được rửa sạch với nước biển và mang vào chế biến.

Rong biển là món ăn dân dã, thanh đạm, được chế biến đơn giản nhưng ngon và hương vị của nó rất đặc trưng. Cũng bởi cái hương vị đặc biệt đó, nên rong biển trở thành món ăn đặc sản tại các nhà hàng ven biển thị trấn Cửa Tùng. Có nhiều du khách vượt một chặng đường xa đến với biển vào mùa đông không chỉ để ngắm những bãi đá phủ đầy rong, được nhìn thấy cách những phụ nữ vùng biển mưu sinh bằng rong biển, mà còn được thưởng thức những món ăn làm từ rong biển.

Rong biển chỉ có khi mùa đông đến. Nó không chỉ là món ăn ngon cho người dân miền biển mà còn là kế sinh nhai của người dân nơi đây khi đông về. Bình quân 1 ngày, 1 người hái rong biển có thu nhập từ một trăm đến ba trăm ngàn đồng và có thể nhiều hơn. Riêng tôi, rong biển là những ký ức đẹp nhất của tuổi thơ, nó gắn liền với những bữa cơm ấm cúng bên gia đình, gắn liền với với bạn bè và quê hương tôi.

Lê Lan

Báo Quảng Trị

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!