Cua xanh “gánh” tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Nghề nuôi cua xanh ở nước ta không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn là giải pháp cho những hồ nuôi tôm kém hiệu quả, đang bị bỏ hoang như hiện nay.

Cứu cánh cho người nuôi tôm

Từ năm 2003, khi nước ta chủ động được nguồn con giống thì nghề nuôi cua xanh (Scylla serrata) phát triển mạnh với nhiều hình thức như nuôi cua ghép với tôm sú, nuôi cua ghép với cá, nuôi chuyên canh… năng suất có thể đạt từ 1,5 – 2 tấn/ha.

Ảnh: Phan Thanh Cường

Tại Cà Mau, huyện Năm Căn là nơi có diện tích nuôi tôm xen canh với cua lớn nhất tỉnh, với khoảng 25.600 ha. Còn tại Kiên Giang, trong tổng số gần 22.000 ha nuôi cua của huyện An Minh, thì có trên 19.000 ha nuôi xen canh tôm cua trên ruộng lúa. Nghề nuôi cua khá bền vững bởi nuôi cua cũng không khó, đặc biệt là cua ít bệnh hơn tôm. Sau 3 – 4 tháng là có thể thu hoạch theo kiểu thu tỉa, nên người nông dân luôn có nguồn thu để mua thức ăn và đầu tư tiếp, giảm được nhiều rủi ro. Với giá cua thịt khoảng 200.000 đồng/kg, giá cua gạch gần 400.000 đồng/kg như hiện nay thì lợi nhuận mang lại từ nuôi cua xanh cũng không kém gì nuôi tôm. Vì vậy, nuôi cua thương phẩm, sản xuất và ương cua giống đã và đang phát triển mạnh, đặc biệt là ở khu vực ĐBSCL.

 

Cần phải tuân thủ quy trình nuôi

Cua xanh có khả năng thích ứng cao với sự thay đổi độ mặn của nước, có thể sinh trưởng ở độ mặn từ 5-32‰, ở nhiều hình thái thủy vực khác nhau. Tuy nhiên, môi trường để nuôi cua thương phẩm phải đạt một số chỉ tiêu như độ pH từ 7,5 – 8,2.

Cua xanh có thể nuôi quanh năm, nhưng thường tập trung hai vụ chính là xuân – hè (từ tháng 4 đến tháng 8); thu – đông (từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau). Trước khi đưa cua vào nuôi, cần tắm tẩy trùng cho cua bằng dung dịch fomalin 20-30 ml/m3 trong thời gian từ 20-30 phút.

Thức ăn của cua xanh chủ yếu là cá tạp, giáp xác nhỏ, ngao, nghêu… Khi cho cua ăn nên rải thức ăn đều trong ao để tránh cua cắn nhau khi tranh ăn. Bổ sung định kỳ các chất dinh dưỡng và thuốc phòng bệnh giúp cua phát triển và tăng sức đề kháng. Thay nước kích thích định kỳ giúp cua ăn mồi và lột xác tốt hơn.

Hàng ngày, kiểm tra ao nuôi từ 2 – 3 lần để quan sát tình trạng sức khỏe của cua, khả năng sử dụng thức ăn, đặc biệt là các hoạt động của cua về ban đêm để có biện pháp xử lý kịp thời.

>> Cua xanh cũng mắc một số loại bệnh do virus, trong đó có bệnh “cua sữa” do virus dạng Herpes gây ra. Cua mắc bệnh này chết dần trong một thời gian ngắn, việc nghiên cứu, chữa trị bệnh này vẫn chưa có kết quả. Theo nhiều chuyên gia, việc áp dụng các biện pháp phòng trừ bệnh tổng hợp và tuân thủ chặt chẽ quy trình nuôi là cách tốt nhất để phòng ngừa.

Minh Thành

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!