Cục Thủy sản và PV GAS phối hợp bảo vệ hệ thống đường ống dẫn khí dưới biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành thủy sản đặt ra mục tiêu giảm dần sản lượng khai thác, thông qua việc giảm số lượng tàu cá khai thác. Đặc biệt là giảm dần các nghề khai thác hủy diệt, bởi hoạt động này không tác động xấu đến môi trường, nguồn lợi, mà còn ảnh hưởng đến hệ thống đường ống dẫn khí dưới biển.

Trong buổi Lễ ký quy chế phối hợp về bảo vệ an ninh, an toàn các hệ thống đường ống dẫn khí dưới biển tại Hà Nội vào ngày 13/9, do Cục Thủy sản phối hợp với Tổng Công ty Khí Việt Nam – Công ty Cổ phần (PV GAS) tổ chức, ông Trần Nhật Huy, Phó Tổng Giám đốc PV GAS đã phát biểu: việc bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho các đường ống dẫn khí là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của PV GAS. Vì vậy, PV GAS luôn mong muốn nhận được sự hỗ trợ, phối hợp của Cục Thủy sản, đơn vị quản lý toàn bộ lĩnh vực khai thác thủy sản và hệ thống tàu cá, nhằm nâng cao nhận thức cho ngư dân trong việc khai thác có hiệu quả theo quy định pháp luật, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống các đường ống dẫn khí dưới biển. 

Lễ ký quy chế phối hợp về bảo vệ an ninh, an toàn các hệ thống đường ống dẫn khí dưới biển tại Hà Nội ngày 13/9. Ảnh: ST

PV GAS cũng đã xây dựng phân hệ phần mềm quản lý hành lang an toàn các đường ống dẫn khí dưới biển dựa trên dữ liệu về tàu cá của Cục Thủy sản, để phục vụ cho việc quản lý, giám sát an toàn các hệ thống đường ống dẫn khí dưới biển đối với đối tượng tàu cá khai thác thủy sản. Đến nay, phần mềm đã đưa vào vận hành thử nghiệm. 

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cũng nhấn mạnh, Cục Thủy sản sẵn sàng phối hợp chặt chẽ hơn với PV GAS trong việc nâng cao nhận thức của ngư dân, cũng như kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm nếu có của các tàu cá trong quá trình khai thác thủy sản gây ảnh hưởng đến hệ thống đường ống dẫn khí.

Ông Trần Thanh Dương, Phòng Khai thác thủy sản, Cục Thủy sản cho rằng, việc ký quy chế phối hợp sẽ giúp hai bên quản lý tốt hơn đối với lĩnh vực mình phụ trách. Đối với lĩnh vực thủy sản, sẽ giúp ngư dân nâng cao nhận thức cũng như tầm hiểu biết về hậu quả của việc mất an toàn đường ống dẫn khí dưới biển. Mặt khác, sẽ giúp ngư dân nắm bắt được vị trí của các đường ống để tránh tối đa những thiệt hại cho tàu cá, ngư lưới cụ của ngư dân, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá. Bên cạnh đó, hai bên cần nghiên cứu hỗ trợ triển khai mô hình đào tạo chuyển đổi nghề, cải hoán tàu cá cho ngư dân để hoạt động các ngành nghề khai thác có hiệu quả, bền vững hơn góp phần đảm bảo an toàn hệ thống đường ống dẫn khí.

Theo đại diện hai đơn vị, để có cơ sở đánh giá các hoạt động phối hợp, hàng năm hai bên cũng sẽ cần xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức sơ kết hàng năm. Quan trọng nhất là việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền theo chủ đề cho các đối tượng ngư dân, con em ngư dân, tập huấn cho các thuyền trưởng, chủ tàu theo hằng tháng, hằng năm các quy định trong việc đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống đường ống dẫn khí, thông tin vị trí các hệ thống đường ống dẫn khí dưới biển để người dân nắm bắt và chủ động tránh, khai thác thủy sản trong vùng an toàn. Bên cạnh đó, hai bên sẽ nghiên cứu hỗ trợ triển khai mô hình đào tạo chuyển đổi nghề, cải hoán tàu cá cho ngư dân để hoạt động các ngành nghề khai thác có hiệu quả, bền vững hơn góp phần đảm bảo an toàn hệ thống đường ống dẫn khí.

Tại buổi lễ, lãnh đạo Cục Thủy sản và PV GAS cùng thực hiện ký Quy chế phối hợp về bảo vệ an ninh, an toàn hệ thống các đường ống dẫn khí dưới biển. Hai đơn vị quyết tâm hiện thực hóa triển khai cụ thể, hiệu quả, thực chất các nội dung nhiệm vụ trong bản Quy chế đã ký kết.

Hải Lý

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!