Từ đảo Sinh Tồn Đông (Trường Sa), tôi lên tàu PY 90846 TS của ngư dân Phú Yên xin được đi theo… đánh cá.
Sáng tinh mơ, biển động, vùng biển Trường Sa sóng cấp 4, cấp 5. Vùng biển gần đảo Sinh Tồn Đông hàng chục tàu cá của ngư dân miền Trung neo đậu từ sáng sớm đã chuẩn bị dong thuyền đánh bắt. Biển động, báo hiệu biển sắp có giông tố, nhưng cũng báo hiệu chuyến ra khơi bội thu.
Tàu PY 90846 TS nhổ neo rời đảo. Con tàu công suất 165CV chuyên câu cá ngừ đại dương như chiếc lá chòng chành giữa những đợt sóng bạc đầu. Người tôi lắc lư chao đảo, tưởng chừng như sẽ văng tung theo từng đợt sóng.
Sau gần 6 giờ đồng hồ, tàu đến được ngư trường quen thuộc cách đảo Sinh Tồn Đông gần 30 hải lý. Trên biển, xa xa hàng chục tàu cá của ngư dân miền Trung cũng đang hành nghề.
Thuyền thả neo, 11 thuyền viên, bắt đầu thả dây câu cá ngừ đại dương. Mỗi người một công việc được phân công rõ ràng. Đứng ở mũi tàu, anh Tân chỉ huy các thuyền viên nhịp nhàng chuẩn bị giăng câu.
Những bó cước lớn, nặng trĩu được gánh xuống. Lần lượt những chiếc thuyền thúng được hạ xuống biển. Hai ngư dân một thúng, cứ thế lựa sóng ra xa để giăng câu.
Những ngư dân trẻ tàu PY 90846 giữa Trường Sa.
Đặng Văn Tân là một trong những thuyền trưởng trẻ trên ngư trường Trường Sa. Anh cũng không nhớ gia đình anh đã bao đời bám biển Trường Sa, Hoàng Sa.
“Tôi chỉ nhớ, từ nhỏ đã nghe ông nội kể chuyện tổ tiên, dân làng ra Trường Sa, Hoàng Sa đánh bắt cá. Những chuyến tàu cứ thẳng tiến Trường Sa, Hoàng Sa rồi mang cá mực đầy khoang về”, anh Tân nói.
Mới 33 tuổi, anh Tân đã có hơn 10 năm bám biển, bám Trường Sa. Chiếc tàu cá anh đầu tư hơn 600 triệu đóng mới cũng có ngần ấy tuổi đời theo anh ra khơi.
Cả 10 thuyền viên trên tàu cá PY 90846 đều còn rất trẻ. Trẻ nhất là Nguyễn Văn Ti, nay mới 19 tuổi, nhưng có “thâm niên” 6 năm bám biển. “Năm 13 tuổi em nghỉ học vì nhà nghèo.
Em theo anh em đi biển Trường Sa từ đó đến nay. Em chỉ ước mơ sớm tích góp để đóng tàu cá riêng cho mình. Đi biển sóng gió em không sợ, đen nhẻm thế này chỉ sợ … ế vợ thôi !”, Ti cười.
Sàn sàn lứa tuổi với Ti là Lê Duy Thành, Nguyễn Văn Hưng, Trần Văn Đạo, Đỗ Văn Tài, đều quê ở Tuy Hòa (Phú Yên), theo tàu cá đi bạn đã được 3, 4 năm.
Anh Tân cười rỉ tai tôi: “Từ ngày theo tàu đi biển Trường Sa, tụi nó tích góp được nhiều lắm. Đứa nào cũng có dăm bảy trăm triệu gửi ngân hàng rồi. Mai mốt tụi nó đóng tàu riêng, tôi không còn bạn đi tàu đó!”.
Mỗi một chuyến ra khơi đánh bắt tàu cá PY 90846 thường kéo dài gần 2 tháng. Để ra vùng biển Trường Sa, tàu cá phải mất 3 ngày 3 đêm vượt hơn 340 hải lý giữa sóng gió chập chùng.
Chi phí cho mỗi chuyến đi gần 200 triệu, gặp luồng cá chuyện tàu cá mang về hàng chục tấn cá, mỗi ngư dân dắt túi dăm bảy chục triệu là chuyện thường. “Câu cá ngừ đại dương là nghề nguy hiểm nhưng lợi nhuận rất cao.
Mỗi chuyến bội thu, lời vài trăm triệu đồng”, anh Lê Chí Hiên (38 tuổi) người lớn tuổi nhất tàu với hơn 20 năm theo nghề, nói.
Sau gần nửa buổi giờ chèo thuyền thúng ra biển giăng câu, tất cả thuyền viên quay lại tàu để nghỉ ngơi. Nắng và gió biển rát mặt. “Ăn cơm trên biển là phải thế.
Ăn theo nhịp sóng. Lựa cơn sóng mà nhai. Kham khổ, khắc nghiệt riết rồi cũng quen. 10 năm rồi ăn sóng ngủ sương tôi càng yêu biển yêu nghề nhiều hơn”, anh Tân nói.
Ngồi nghe ngư dân trẻ kể chuyện ước mơ, chuyện nghề mới thấu hiểu sự vất và khát vọng biển cả của những chàng trai tuổi đôi mươi giữa biển cả. “Em chỉ mơ sau này sẽ có tàu cá riêng mình. Muốn vậy, phải cố gắng nhiều lắm”, ngư dân Lê Duy Thành (21 tuổi) tâm sự.
Trời gần sáng, anh em tàu cá lại chèo thuyền thúng đi thu câu. Những chú cá ngừ đại dương đen nhánh nặng hàng chục kg, được đưa lên tàu trong niềm vui của tất thảy mọi người.
Canô của Vùng CSB 2 trên đường tuần tra ghé tàu cá đưa tôi về Sinh Tồn Đông. Chia tay anh em ngư dân khi mặt trời vừa nhô lên, biển cả nổi sóng lớn.
Một ngày đánh bắt lại bắt đầu, những ngư dân trẻ vẫn hiên ngang giữa biển cả, trên những con sóng bạc đầu giữa Trường Sa thân yêu…
Nguyễn Thành
Theo Tiền phong