(TSVN) – Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam tiếp tục là những nguồn cung tôm lớn nhất cho thị trường thế giới, đặc biệt là Mỹ trong năm 2021 và 2022. Tuy nhiên, khi nhu cầu tiêu thụ tôm càng lớn, thì sự cạnh tranh giữa các nguồn cung càng gay gắt hơn.
Xuất khẩu tôm của Ấn Độ đã thắng lớn trong năm qua với khối lượng xuất khẩu 714.000 tấn, tăng 24% so năm 2020. Trong đó khối lượng xuất khẩu tôm sang Mỹ chiếm 1/3, đạt 347.000 tấn. Con số này cho thấy sự phụ thuộc của Ấn Độ vào thị trường Mỹ với tỷ trọng xuất khẩu 49%. Chỉ tính riêng TTCT, lượng hàng sang Mỹ đã chiếm tới 60% tổng khối lượng xuất khẩu tôm của cả nước. Ngoài ra, Ấn Độ cũng xuất khẩu khoảng 50.000 – 100.000 tấn tôm tự nhiên và tôm sú, chủ yếu sang châu Âu, Trung Đông và châu Á.
Tuy nhiên, theo Jagdish Fofandi, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản Ấn Độ (SEAI), các doanh nghiệp tôm Ấn Độ đang gặp nhiều khó khăn để giữ vững thị phần tại Mỹ. Đối thủ đáng gờm nhất của TTCT Ấn Độ tại Mỹ hiện nay là tôm Ecuador. Trước đây, Ấn Độ nắm trong tay nhiều lợi thế về chế biến, cùng nhiều sản phẩm tôm tốt hơn cho thị trường Mỹ. Nhưng hiện nay tôm của Ecuador cũng đang đuổi kịp phía sau. Ngoài ra, một bất lợi lớn đối với các hãng tôm Ấn Độ tại thị trường Mỹ hiện nay chính là giá cước vận tải khoảng 15 INR/kg trước COVID-19, thì nay đã tăng lên 70 INR/kg. Ông Jagdish dự đoán giá cước biển tại Ấn Độ sẽ không giảm trong năm nay và cả năm sau.
Thực tế, hơn 60.000 tấn tôm xuất khẩu sang Mỹ được khai báo hải quan một cách thống nhất nên lượng tôm xuất khẩu của 15 doanh nghiệp tôm lớn nhất Ấn Độ tại Mỹ theo bảng xếp hạng của Urner Barry không chính xác. Nhiều nguồn tin khẳng định, khối lượng xuất khẩu của công ty Sandhya Aqua và Sandhya Marines cao hơn nhiều số liệu thống kê với 15.000 tấn mỗi công ty. Số khác lại khẳng định Asvini Fisheries xuất khẩu tôm sang Mỹ nhiều hơn dữ liệu thống kê của Urner Barry. Rất tiếc, không có cách nào xác minh được những thông tin này.
Thực tế ít nhất 40% sản phẩm TTCT của 15 doanh nghiệp tôm hàng đầu Ấn Độ không xuất khẩu sang Mỹ mà sang Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu và các thị trường khác. Nhiều công ty như Growel, Forstar và CP Foods tại Ấn Độ chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc và Nhật Bản.
79% tôm của Indonesia được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, con số này cho thấy Indonesia đang phụ thuộc vào thị trường này không thua kém đối thủ Ấn Độ. Chỉ tính riêng sản phẩm TTCT thì sự phụ thuộc thậm chí còn cao hơn vì loại tôm này hầu như chỉ xuất khẩu sang Mỹ trong khi các mặt hàng khác xuất khẩu sang Nhật Bản và thị trường khu vực. Không ngạc nhiên khi 85 – 90% TTCT của Indonesia được đưa sang Mỹ.
Trái ngược với Ấn Độ, tình trạng khai báo ẩn danh lượng tôm từ Indonesia tại Mỹ rất hạn chế. Nhìn vào tổng khối lượng tôm mà các nhà xuất khẩu này đang nắm giữ, thì thấy rõ vai trò quan trọng của thị trường Mỹ. Hiện, 10 công ty tôm hàng đầu Indonesia chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, vượt trội tỷ lệ của 10 hãng xuất khẩu tôm hàng đầu Ecuador (55%), Ấn Độ (48 – 65%) và Việt Nam (49%). Cũng nằm trong top 10 công ty tôm tại Mỹ, CP Prima từng là hãng xuất khẩu tôm lớn nhất tại Indonesia còn chú trọng thị trường châu Âu và châu Á với khối lượng 6.500 tấn hàng năm.
Xuất khẩu tôm của Ecuador thắng lớn tại thị trường Mỹ trong năm qua. Giống như Ấn Độ, quốc gia này đang trên đà tăng trưởng mạnh về sản lượng vào năm nay. Từ năm 2020 đến 2021, sản lượng tôm của Ecuador đã tăng 24% lên 842.000 tấn. Phân tích số liệu xuất khẩu của Ecuador trong 2 tháng đầu năm 2022 có thể thấy, tổng khối lượng tôm đạt 155.000 tấn, tăng 49% so cùng kỳ năm ngoái. Chắc chắn, ngành tôm Ecuador tiếp tục bứt phá tại thị trường Mỹ trong năm nay để vươn lên một tầm cao mới.
Tuy nhiên, theo phân tích của Shrimp Insight, thách thức hiện nay đối với các hãng xuất khẩu tôm của Ecuador là vốn đầu tư sản xuất tôm bóc vỏ và các sản phẩm giá trị gia tăng để thâm nhập vào các thị trường mới. Điều này đòi hỏi nâng cấp cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động vì bóc vỏ tôm đòi hỏi không gian và thời gian làm việc nhiều hơn, hoặc đầu tư vào nhà máy chế biến tôm bóc vỏ hiện đại để thay thế dần các cơ sở bóc vỏ tôm thủ công. Hiện, cả 10 nhà xuất khẩu tôm hàng đầu tại Ecuador đang tích cực thực hiện các hoạt động đầu tư nói trên và 10 doanh nghiệp này chiếm 55% tổng xuất khẩu tôm của Ecuador sang Mỹ và 62% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước.
Lượng hàng tôm xuất khẩu của 10 doanh nghiệp này sang Mỹ cũng khác biệt. Năm ngoái, công ty Propomar, Proposorja, và CEA xuất khẩu 65 – 85% tôm sang Mỹ trong khi con số này ở các công ty Santa Priscila, Omarsa, và Songa là 20%, 24% và 4%. Không quá phụ thuộc vào thị trường Mỹ là một chiến lược khôn ngoan của các doanh nghiệp tôm tại Ecuador. Dù vậy, quốc gia này vẫn đang tích cực đầu tư sản xuất để nâng cao sản lượng sản phẩm, đặc biệt cải thiện năng lực chế biến sản phẩm giá trị gia tăng để phục vụ các thị trường cao cấp hơn.
Năm 2021, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ đạt trị giá 1 tỷ USD, khối lượng 88.000 tấn. Theo VASEP, 90% là TTCT, 8% tôm sú và còn lại là tôm tự nhiên. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2014 xuất khẩu tôm của Việt Nam lập kỷ lục mới tại thị trường Mỹ. Năm 2014, xuất khẩu tôm đạt 73.000 tấn, sau đó giảm mạnh xuống 43.000 tấn vào năm 2019 trước khi tăng lần lượt trở lại 57% từ năm 2019 đến 2020 và 33% từ 2020 đến 2021. Trong khi xuất khẩu tôm giá trị gia tăng từ năm 2019 đến năm 2020 tăng 63% và hiện chiếm 58% tỷ trọng trong cơ cấu mặt hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam, xuất khẩu tôm nguyên liệu đông lạnh HLSO, HOSO và tôm lột vỏ tăng 310% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 42% tổng xuất khẩu sang Mỹ. Kết quả này nhờ Mỹ nới lỏng thuế chống bán phá giá với các hãng xuất khẩu tôm của Việt Nam cùng những nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam để giành lại thị phần.
Theo đánh giá của Urner Barry, đứng đầu thị trường Mỹ là Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex), trước Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Dù đứng ở vị trí thứ 2, nhưng Minh Phú lại ít phụ thuộc vào thị trường Mỹ, chứng tỏ năng lực đa dạng thị trường của doanh nghiệp này. Kết hợp lại, 10 hãng xuất khẩu tôm hàng đầu tại Mỹ chiếm tỷ trọng 52% tổng xuất khẩu tôm của cả nước sang Mỹ.
Mi Lan
Tổng hợp