Cụ thể, sẽ có 9 nhiệm vụ và giải pháp được triển khai, gồm:
- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về an ninh, an toàn thực phẩm vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của ngành NN&PTNT.
Sẽ ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Ảnh: Skretting
- Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, cơ chế phối hợp giữa Bộ NN&PTNT với các bộ, ngành và địa phương, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; các nguyên tắc, chế tài xử lý vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia.
- Phối hợp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân và các tổ chức chính trị – xã hội khác, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng và các đoàn thể chủ động, tích cực đẩy mạnh thông tin, truyền thông tuyên truyền về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; cung cấp thông tin, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm tới đoàn viên, hội viên và người dân. Tăng cường vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản.
- Tham mưu Bộ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương sớm kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác an ninh, an toàn thực
phẩm ngành NN&PTNT theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ từ Trung ương tới địa phương. Thực hiện phân cấp, phân quyền, đổi mới phương thức quản lý, điều hành, phối hợp, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.
- Xây dựng kế hoạch, bố trí đủ chỉ tiêu biên chế, nâng cao năng lực, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước từ các khâu sản xuất, chế biến đến tiêu dùng.
- Tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế, nhất là với các nước láng giềng trong hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong xuất khẩu, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản. Đẩy mạnh việc ký kết các điều ước, thỏa thuận quốc tế về công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực thực phẩm để thúc đẩy xuất khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam vào các nước có quy định tiêu chuẩn kỹ thuật cao.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; chủ động phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh vai trò giám sát của các tổ chức chính trị – xã hội, phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; tạo dư luận xã hội, người tiêu dùng lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm. Có chính sách thỏa đáng, kịp thời khen thưởng và biện pháp phù hợp để bảo vệ người tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm để hạ uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh lành mạnh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
- Xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, chất lượng; ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ yếu tố đầu vào trong sản xuất, kinh doanh; liên kết với các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, bảo đảm người dân được tiếp cận và sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững. Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới logistics, bảo quản, chế biến, thương mại điện tử ở nông thôn.
Phát huy vai trò của các hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng trong liên kết, hỗ trợ sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ thực phẩm an toàn, chất lượng. Khuyến khích, hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm ứng dụng công nghệ cao và kết nối chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn.
- Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm.
Trong quá trình thực hiện, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá kết quả triển khai kế hoạch; thống nhất giải pháp, biện pháp khắc phục các khó khăn vướng mắc trong thực hiện làm cơ sở cho việc triển khai kế hoạch năm và giai đoạn tiếp theo.
Phạm Thu