(TSVN) – TP Đà Nẵng hiện đang triển khai thi công nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang giai đoạn 2 với định hướng phát triển cảng cá sinh thái gắn với du lịch.
Khu vực Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang được đầu tư xây dựng từ năm 2002 nhằm đáp ứng yêu cầu neo trú bão cho 1.500 đến 3.000 tàu thuyền có công suất đến 500CV của TP Đà Nẵng và các tỉnh duyên hải miền Trung như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi,… vào trú ẩn khi có bão xảy ra, kết hợp với việc giao thương buôn bán, khai thác các dịch vụ công nghiệp thủy, hải sản trên bờ làm hậu cần cho nghề cá. Ngoài ra, đây còn là nơi neo đậu của các tàu bảo vệ chủ tàu cá trên biển và là nơi chuẩn bị ra khơi cho các tàu thuyền đánh bắt xa bờ tại biển Đông và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Với số lượng bình quân tàu thuyền neo đậu trong âu thuyền khoảng 400 chiếc mỗi ngày, số lượng tàu thuyền cập cảng khoảng 50 – 55 lượt mỗi ngày đêm, vào những ngày mưa bão số lượng tàu thuyền neo đậu lên đến 800, thậm chí 1.200 chiếc khi cao điểm. Tàu thuyền cập cảng tại khu vực âu thuyền Thọ Quang gồm nhiều ngành nghề khai thác như: lưới cản, lưới vây, lưới quét, giã cao tốc, giã dép, mành chụp, ghe câu, mành nhỏ, tàu mực xà khô… Ngoài ra, tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang còn có hoạt động của 26 tàu kinh doanh xăng dầu.
Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đáp ứng yêu cầu neo trú cho hàng nghìn tàu thuyền.
Cùng đó, Âu thuyền là nơi thường xuyên tiếp nhận nước thải từ các khu dịch vụ công nghiệp thủy sản, nước thải sinh hoạt của dân cư trong lưu vực và chất thải sinh hoạt của các chủ tàu cá trên thuyền, nên nhiều năm qua vấn đề ô nhiễm trở thành một trong những điểm nóng môi trường của thành phố Đà Nẵng.
Để giải quyết vấn đề này, Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đã triển khai nhiều giải pháp trong thời gian qua và mang lại sự chuyển biến rõ nét. Trong đó, Ban Quản lý phối hợp tập huấn, hướng dẫn ngư dân mang rác thải vô cơ về bờ sau các chuyến biển,… Kết quả, năm 2023 đã thực hiện ký cam kết về việc giao nộp rác thải đối với 1.075 tàu và thu gom được 14.613 kg rác thải từ 5.547 lượt tàu trên tổng số 11.190 tàu cập cảng; năm 2024 (tính đến hết ngày 12/11) 3.617,4 kg rác thải từ 1.573 lượt tàu cập cảng.
Ngoài ra, Ban Quản lý đã triển khai thực hiện phân loại rác thải tại nguồn theo kế hoạch đã đề ra hằng năm. Nhờ đó, lượng rác thải chuyển giao Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng vận chuyển, xử lý giảm, số liệu thống kê năm 2023 rác thủy sản là 27 m3, năm 2024 là 19.88 m3.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý còn triển khai việc thu gom, xử lý nước thải từ hầm hàng tàu cá. Đây là cảng cá đầu tiên thực hiện nhiệm vụ này. Cùng đó, phối hợp với các đơn vị, tổ chức triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường trong khu vực…
Đặc biệt, năm 2023, UBND thành phố Đà Nẵng đã triển khai nạo vét âu thuyền, hoàn thành thi công nâng cấp, mở rộng cảng cá giai đoạn 1 và hiện đang triển khai thi công nâng cấp, mở rộng cảng cá giai đoạn 2.
Việc triển khai đồng bộ những giải pháp trên của TP Đà Nẵng đã giúp tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang tiếp tục được cải thiện và trở thành cảng cá sinh thái gắn với du lịch như định hướng đã đề ra.
Phạm Thu