Theo Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng, mỗi năm ngành Thủy sản tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, trong đó gần 70% thuộc lĩnh vực chế biến và dịch vụ. Song, số lượng công nhân biến động thường xuyên, làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN), nhất là thời điểm vào vụ.
Trong khu vực chế biến đông lạnh luôn sử dụng các hóa chất sát trùng, độ lạnh chênh lệch giữa môi trường sản xuất với nhiệt độ cơ thể rất lớn nhưng lao động nữ chiếm tới 85%. Một số lao động do sức đề kháng kém đã bị ngất khi làm việc. Độ ẩm không khí cao không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, mà về lâu dài còn là nguyên nhân gây ra các bệnh tai – mũi – họng, hô hấp, da liễu… cho người lao động. Bên cạnh đó, ở một vài DN thủy sản, việc làm của người lao động không ổn định, lúc không có việc, lúc lại tăng ca đến nửa đêm.
Cần cải thiện điều kiện làm việc và chăm lo đời sống cho lao động ngành chế biến thủy sản
Để sử dụng tối đa công suất máy móc và thiết bị, có thời điểm DN phải bố trí công nhân làm việc cả 3 ca. Thời gian lao động kéo dài, chế độ dinh dưỡng không đủ đã làm người lao động bị thay đổi nhịp sinh học, dẫn đến sức khỏe suy giảm. Những nguyên nhân đó khiến ngành Thủy sản đang ở tình trạng thiếu công nhân trầm trọng. Theo ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước, chế biến thủy sản là ngành nghề có tính đặc thù, môi trường làm việc lạnh và ẩm ướt nên khó “giữ chân” công nhân. Vì vậy, mặc dù công ty đã thực hiện nhiều chính sách chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân nhưng tình trạng thiếu lao động vẫn là bài toán nan giải. Hằng năm, công ty thường xuyên đăng thông báo tuyển dụng lao động, nhưng chủ yếu là lao động thời vụ, nhằm đáp ứng mùa vụ của ngành Thủy sản trong một thời gian ngắn. Làm xong mùa vụ đó, công nhân cũng không tha thiết ở lại công ty, một phần vì môi trường làm việc khắc nghiệt, một phần vì tâm lý làm vài tháng kiếm thêm thu nhập rồi tìm việc khác đỡ vất vả hơn.
Để có đủ nhân công, nhất là những lao động có tay nghề, các DN thủy sản đang phải đưa ra khá nhiều chiêu thức để thu hút người lao động, trong đó quan trọng nhất là tăng lương. Hiện tại, nhiều DN đã tăng mức thu nhập hằng tháng lên từ 10 – 30% tùy theo công việc (tương ứng với 600.000 – 800.000 đồng/người/tháng) để thu hút lao động. Mức lương này đã tăng nhiều so với năm ngoái, nhưng vẫn chưa thể giúp người lao động an tâm trong điều kiện giá cả lên cao trong năm nay. Trong khi đó, lao động thủy sản lại khá cực nhọc nên khi có cơ hội làm việc ở những ngành nghề khác, công nhân sẵn sàng chuyển nghề.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, để giải bài toán nâng lương cho công nhân là việc không đơn giản. Nguyên nhân do giá đầu vào như nguyên liệu, lãi suất ngân hàng, chi phí nhiên liệu, giá điện đều tăng cao, trong khi giá hàng xuất khẩu tăng chưa tới 10%. Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước, chia sẻ: “Chúng tôi coi công nhân là tài sản lớn của công ty. Vì vậy, công ty rất mong muốn chăm lo hơn nữa đời sống cho công nhân để giữ chân họ nhưng cũng chỉ ở chừng mực có thể cho phép mà thôi”.
Theo Ban quản lý Khu Công nghiệp Dịch vụ thủy sản Thọ Quang, trong bối cảnh mất cân đối cung – cầu trên thị trường lao động, sự cạnh tranh giữa các DN diễn ra ngày càng gay gắt. Tỷ lệ biến động lao động tại các DN khá cao, có nơi lên đến 30 – 40%. Thậm chí, nhiều DN thủy sản dù đã áp dụng nhiều chính sách đối với người lao động, kể cả đầu tư hàng tỷ đồng xây nhà ở tập thể cho công nhân, nhưng công nhân vẫn nghỉ làm.
Chị N.T.H, công nhân chế biến thủy sản xuất khẩu cho biết, với công việc sơ chế thủy sản, tuy không nặng nhọc nhưng điều kiện lao động rất khắc nghiệt, để có thu nhập mỗi tháng trên 2 triệu đồng, công nhân phải làm việc thủ công liên tục trong tư thế đứng hơn 10 giờ/ngày. Thêm vào đó, điều kiện và môi trường làm việc phải qua nhiều công đoạn tiệt trùng rất phức tạp và mất nhiều thời gian. “Dù mức lương hằng tháng đã tăng thêm so với những tháng trước và chất lượng buổi ăn trưa được cải thiện, nhưng thu nhập của công nhân vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu tối thiểu cho bản thân, nên khi có công việc khác tốt hơn, công nhân sẵn sàng bỏ việc”, chị H. tâm sự.
Thiếu nguồn lao động nên thời gian qua, một số công ty thủy sản đã phải từ chối nhiều đơn hàng xuất khẩu. “Để khắc phục tình trạng này, ngoài việc nâng lương, giảm giờ làm và chăm lo các phúc lợi chính sách cho người lao động, các DN cần phải tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho công nhân”, đại diện Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung (Seaprodex Danang) chia sẻ.
Hoàng Hân
Theo Báo Đà Nẵng