Trong những năm gần đây, việc chuyển đổi và du nhập những nghề khai thác thủy sản có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương về công suất tàu thuyền, trang thiết bị, ngư cụ và ngư trường khai thác đang được bà con ngư dân quan tâm phát triển.
Mô hình lưới rê hỗn hợp là một trong những nghề mới mà tại thành phố Đà Nẵng đã thực hiện và bước đầu cho thấy có hiệu quả. Mô hình đầu tiên được Trung tâm Khuyến ngư nông lâm triển khai vào năm 2009 đối với cho hộ ông Lê Văn Nhắn – chủ tàu cá ĐNa 90376TS trú tại phường Nại Hiên Đông, Quận Sơn Trà Đà Nẵng, với nguồn kinh phí hỗ trợ 125 triệu đồng (nguồn kinh phí Trung ương). Với nguồn kinh phí hỗ trợ 125 triệu đồng từ Trung tâm Khuyến ngư nông lâm, gia đình ông Nhắn phải đầu tư thêm gần 700 triệu đồng để đầu tư thêm vàng lưới , máy tời thu lưới , cải hoán lại tàu cho phù hợp với nghề lưới rê hỗn hợp. Sau hơn 4 năm đi vào khai thác với nghề này gia đình ông đã xác định việc chuyển đổi nghề là hướng đi đúng vì nó đã mang lại hiệu quả khá cao.
Ông Nhắn cho biết nghề lưới rê hỗn hợp có nhiều ưu điểm hơn rất nhiều so với nghề rê cản, rê 3 lớp mà ông đã từng hành nghề như: thời gian đi biển ngắn ngày từ 5 – 7 ngày, số người lao động khoảng 7 người, chi phí nhiên liệu thấp khoảng từ 7 – 10 triệu đồng. Bình quân mỗi năm có thể khai thác được 25 – 27 chuyến. Nghề lưới rê hỗn hợp khai thác quanh năm trừ những ngày biển động mạnh. Mùa vụ khai thác chính của nghề lưới rê hỗn hợp bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12 dương lịch , những tháng đánh bắt với sản lượng thấp từ tháng 2 đến tháng 5 dương lịch. Đối tượng khai thác chính của nghề là cá thu, cá ngừ và các đối tượng khác như cá thiều, cá cờ, cá nghéo…, Như vậy nghề lưới rê hỗ hợp đánh bắt được cả cá nỗi và cá tầng đáy là do vùng tác dụng của lưới từ tầng mặt đến sát đáy. Trong đó cá thu, cá ngừ chiếm 80% tổng sản lượng khai thác được, mặt khác so với lưới thường thì độ bền của lưới rê hỗn hợp tốt hơn rất nhiều, thời gian sử dụng trung bình trên 10 năm so với lưới rê thông thường là 2,5 năm. Nghề khai thác bằng lưới rê hỗn hợp là nghề có tính chọn lọc cao, ít ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản.
Qua mô hình thành công của ông Nhắn, đến nay trên địa bàn của thành phố đã có thêm 3 hộ ngư dân tự bỏ vốn đầu tư nghề lưới rê hỗn hợp này như bà Lê Thị Loại – phường Nại Hiên Đông, bà Đào Ngọc Bé – phường Thanh Khê Đông và ông Vũ – phường An Hải Tây.Theo các hộ này cho biết họ phấn khởi vì nghề chuyển đổi này phù hợp và mang lại hiệu quả khai thác cao.
Tuy nhiên hiện nay nghề lưới rê hỗn hợp được đưa vào khai thác, đánh bắt có hiệu quả kinh tế cao nhưng số tàu khai thác chuyển sang nghề lưới rê hỗn hợp chưa nhiều, nguyên nhân:
– Vốn đầu tư ban đầu cho ngư cụ rất lớn, trung bình để có một vàng lưới rê hỗn hợp thì phải đầu tư từ 900 triệu đến 1,2 tỷ đồng.
– Các tàu thuyền khai thác đang làm nghề khác muốn chuyển đổi sang nghề lưới rê hỗn hợp thì đòi hỏi tàu thuyền phải sửa chửa cải hoán lại tàu đề phù hợp với nghề lưới rê hỗn hợp.
Như vậy để phát triển nghề này trong thời gian tới, cần có sự quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa nhằm khuyến khích ngư dân mạnh dạn chuyển đổi sang nghề lưới rê hỗn hợp. Đây là nghề đánh bắt có tính chọn lọc cao, ít tác động đến môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, kỹ thuật khai thác của nghề lưới rê đơn giản, cường độ lao động giảm, phù hợp với khả năng của người dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.