T2, 06/07/2020 10:56

Đà Nẵng: Nguồn lợi thủy hải sản ven bờ đang bị tận diệt

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo Sở NN&PTNT Đà Nẵng, vùng nước ven bờ Đà Nẵng đang bị khai thác quá mức do ngư dân sử dụng các loại lưới giã cào, lờ xếp, lờ xi măng… tận diệt các loại thủy hải sản có giá trị cao như cá mú, tôm hùm…

Với bờ biển dài trên 89km, Đà Nẵng có hai vùng khai thác thủy hải sản chính là vịnh Đà Nẵng và Nam bán đảo Sơn Trà. Ở đây có 104,6ha rạn san hô là nơi sinh sống của các loài thủy sinh vật gần bờ có giá trị cao như tôm hùm giống, cá mú, cá dìa…

Tuy nhiên ngày 21/5, Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho biết, theo phản ảnh của các ngư dân vùng biển Sơn Trà, mấy năm gần đây sản lượng đánh bắt các loại hải sản kể trên ngày càng suy giảm. Vùng nước ven bờ Đà Nẵng bị khai thác quá mức do ngư dân sử dụng các loại lưới giã cào, lờ xếp, lờ xi măng… tận diệt các loài thủy sinh vật

 

Tình trạng khai thác bừa bãi của ngư dân đang khiến nguồn lợi thủy hải sản ở vùng khai thác phía Nam bán đảo Sơn Trà ngày càng suy kiệt (Ảnh: HC)

Qua 2 năm tiến hành điều tra khảo sát, Sở NN&PTNT Đà Nẵng nhận thấy, hiện vùng rạn san hô ven bờ Đà Nẵng có 14 loại cá giống có giá trị kinh tế cao thuộc 3 họ, 1 bộ. Trong đó họ cá mú (Serranidae) có 8 loại, họ cá dìa (Siganidiae) có 3 loài, họ cá hồng (Lutjanidae) có 3 loại…

Loại cá mú ở vùng ven biển Đà Nẵng có giá trị kinh tế cao và được thị trường ưa chuộng. Hiện ngư dân tìm kiếm đánh bắt loại cá này mà không chọn lọc kích cỡ. Do vậy, nguồn cá giống họ cá mú đang ngày càng ít đi, nhất là những con cá lớn bị ngư dân đánh bắt sẽ hủy diệt nguồn cá giống của loại cá này.

Mặt khác, qua điều tra khảo sát cho thấy vùng rạn san hô ven biển Đà Nẵng xuất hiện tôm hùm con với chủng loại khá phong phú như tôm hùm xanh chân trắng, tôm hùm bông, tôm hùm tre, tôm hùm đỏ, tôm hùm xanh chân dài, tôm mũ ni đà, tôm mũ ni đỏ… Đây là nguồn lợi thủy sản có giá trị lớn trên thị trường.

Tuy nhiên một thực tế đang diễn ra làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản ven bờ là ngư dân đánh bắt tất cả các loại thủy sinh vật nhưng chỉ bán được những loại có giá trị cao, như tôm hùm bông, tôm hùm xanh chân ngắn, tôm hùm tre; còn các loại khác tôm hùm khác khi đánh bắt được thì ngư dân đều vứt bỏ. Phần lớn số tôm hùm này đã chết, gây ô nhiềm môi trường nguồn nước, đồng thời làm hủy diệt nguồn giống đa dạng của các loại thủy sinh vật vùng rạn san hô ven biển Đà Nẵng.

Ngoài ra, theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia, vịnh Đà Nẵng và khu Nam bán đảo Sơn Trà có các rạn san hô ven bờ là nơi sinh sống của các loại giống thủy sinh vật, nguồn lợi thủy sản của TP, tuy nhiên nếu  phát triển du lịch quá mức ở khu vực này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại và phát triển của rạn san hô. Vì vậy cần có những giải pháp tích cực bảo vệ rạn san hô, bảo vệ môi trường nước biển khu vực này khi chưa quá muộn.

Trước tình hình đó, Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho biết đã triển khai thực hiện và được nghiệm thu đề tài “Điều tra nghiên cứu nguồn giống của một số nguồn lợi thủy sinh vật chủ yếu liên quan đến rạn san hô vùng ven bờ Đà Nẵng và đề xuất các giải pháp bảo vệ” nhằm có cơ sở khoa học về nguồn lợi thủy sinh vật vùng ven biển Đà Nẵng, đưa ra các giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản này và bảo vệ môi trường du lịch Đà Nẵng.

Theo đó, Sở NN&PTNT Đà Nẵng khuyến nghị điều chỉnh cơ cấu nghề và ngư cụ khai thác tôm hùm giống; cải tiến kỹ thuật khai thác và lưu giữ con tôm hùm giống; phục hồi hệ sinh thái và tạo sinh cư bằng cách thả rạn nhân tạo tạo ra những hang hốc và sinh cảnh phù hợp cho nguồn giống thủy sinh vật cư trú, sinh sống.

Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường và khai thác bền vững nguồn lợi; tăng cường công tác quản lý bảo vệ rạn san hô và hệ sinh thái trong khu vực bán đảo Sơn Trà; nâng cao chất lượng mô hình quản lý dựa vào cộng đồng; quy hoạch và xây dựng, cấp phép cho vùng khai thác; quy định đối với nguồn cá giống tại khu vực bán đảo Sơn Trà…

Hải Châu

Infonet

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!