(TSVN) – Cùng với các tỉnh, thành ven biển trên cả nước, TP Đà Nẵng và các sở, ngành, đơn vị liên quan đang tập trung triển khai, kiểm tra việc thực hiện các giải pháp để gỡ “thẻ vàng” của EC. Theo đó, công tác khắc phục tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện IUU trên địa bàn TP Đà Nẵng đang được triển khai quyết liệt và đạt được những kết quả tích cực.
Tính đến 11/10, tổng số tàu thuyền đánh cá trên địa bàn TP Đà Nẵng là 1.227 tàu (không kể 452 thúng chai lắp máy), với tổng công suất 399.205 CV; công suất bình quân 325 CV/tàu. Trong đó, có 325 tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 m (vùng ven bờ); 317 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 m đến dưới 15 m (vùng lộng); 585 tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên (vùng khơi), chiếm 48% tổng số tàu thuyền.
Theo ghi nhận, về công tác đăng ký tàu cá, đăng kiểm, 9 tháng đầu năm 2022, tổng số lượt tàu cá của Đà Nẵng được đăng ký, đăng kiểm là 642 tàu; cấp 600 sổ danh bạ thuyền viên. Lũy kế từ năm 2018 đến nay, tổng số lượt tàu cá đã được đăng ký, đăng kiểm là 5.801 chiếc; cấp 1.598 sổ danh bạ thuyền viên. Đến nay, toàn thành phố có 1.052/1.217 tàu cá đã đánh dấu tàu theo quy định. Đối với 165 tàu cá chưa thực hiện đánh dấu, Chi cục Thủy sản Đà Nẵng đã có văn bản gửi các đơn vị để phối hợp thông báo; đồng thời phối hợp Bộ đội Biên phòng thành phố xử lý vi phạm, không giải quyết xuất bến đối với các trường hợp trễ hạn đăng kiểm và chưa đánh dấu tàu cá.
TP Đà Nẵng quyết liệt chống khai thác IUU. Ảnh: Lưu Hương
Đến nay, Chi cục thực hiện cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 63 lượt tàu, lũy kế từ năm 2018 đến tháng 9/2022 là 1.131 lượt tàu; đồng thời hoàn thành công tác rà soát, báo cáo số liệu thực tế về tàu cá được đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản tại địa phương và cập nhật 100% số liệu tàu cá vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia Vnfishbase.
Đối với việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, toàn thành phố có 560/585 tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên đã lắp đặt thiết bị. Những tàu cá chưa được lắp đặt đa phần do không đủ các điều kiện như: tạm ngừng hoạt động, hết hạn đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản…
Phó Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang Nguyễn Lại thông tin, đơn vị thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở ngư dân, chủ tàu về các quy định chống khai thác IUU bằng nhiều hình thức như: lồng ghép qua các buổi tập huấn, cuộc họp, phát thanh trên hệ thống loa, bảng điện tử… Đồng thời, phối hợp với các lực lượng tổ chức triển khai cho các chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết về chống khai thác IUU. Đối với việc kiểm soát tàu cá cập, rời cảng, 100% thông tin được cập nhật đến Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá thành phố để theo dõi, phối hợp xử lý nếu có vi phạm và bảo đảm cho việc tra cứu, truy xuất, tìm kiếm dữ liệu khi cần thiết. Khi tàu cập cảng, đơn vị trực tiếp nhắc nhở, đôn đốc, yêu cầu chủ tàu nộp nhật ký khai thác thủy sản, số lượng tàu nộp tương đối cao đạt trên 95%.
Không chỉ tập trung tuyên truyền, về các giải pháp về chống khai thác IUU; tập trung triển khai khắc phục những hạn chế, bảo đảm cho việc thực hiện tốt nhiệm vụ như: kiểm soát tàu đến, rời cảng, thu nhật ký khai thác hải sản, giám sát sản lượng thành phần loài qua cảng…; TP Đà Nẵng còn chú trọng đến vấn đề kiểm soát giảm thiểu ô nhiễm môi trường cảng cá, cụ thể là tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, quận Sơn Trà.
Theo đó, mới đây, Chủ tịch UBND TP đã ban hành kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang giai đoạn 2020 – 2025. UBND thành phố giao Sở Xây dựng khẩn trương rà soát các công trình, hạng mục thu gom, thoát nước xung quanh âu thuyền Thọ Quang, hoàn thành trong tháng 10/2022; đề xuất phương án xử lý trình trạng nước từ các cửa xả tràn, rò rỉ vào âu thuyền hoàn thành trong quý IV/2022. Đồng thời, rà soát, bổ sung các điểm tập kết rác, ngư cụ, phế liệu… trên các tuyến đường Vũng Thùng 9, Nại Thịnh 11, Bình Than, Chu Huy Mân, Vân Đồn, Hồ Hán Thương… vào danh mục các điểm chưa đảm bảo vệ sinh môi trường cần phải xoá bỏ theo Chỉ thị 21-CT/TU ngày 1/11/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về việc tăng cường lãnh đạo, quản lý trật tự xây dựng, an toàn lao động trên địa bàn thành phố.
UBND thành phố giao Công an thành phố là đơn vị đầu tư, khảo sát lắp đặt 1 đến 2 camera chuyên dụng với độ nét và phạm vi quan sát rộng đảm bảo thực hiện kết hợp các mục tiêu giám sát việc xả thải, phòng cháy chữa cháy, quản lý an ninh trật tự đối với các tàu, thuyền neo đậu trong âu thuyền. Chủ trì, phối hợp Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang quản lý vận hành trong quý IV/2022.
UBND quận Sơn Trà có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè trên các tuyến đường Vân Đồn, Vũng Thùng 9, Vũng Thùng 11, Chu Huy Mân…; chỉ đạo Đội cảnh sát giao thông, trật tự và Đội cảnh sát môi trường tăng cường kiểm tra xử lý ngoài giờ hành chính (đặc biệt là ban đêm). Mặt khác, làm việc với Sở NN&PTNT về phạm vi quản lý ranh giới và trách nhiệm thu gom rác tại khu vực bờ Tây âu thuyền.
UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục là cơ quan đầu mối, thường trực phụ trách kế hoạch, thực hiện tổng hợp báo cáo định kỳ về kết quả thực hiện; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc cần giải quyết và đề xuất điều chỉnh, bổ sung những nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể.
Hải Lý
Box:
Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn chỉ đạo: Các đơn vị chức năng thường xuyên rà soát, lập danh sách các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tàu cá khai thác hải sản trên biển và khi ra vào cảng cá Thọ Quang, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, đặc biệt là tàu cá vi phạm trái phép vùng biển nước ngoài, tàu cá không lắp đặt thiết bị VMS theo quy định, tàu cá lắp thiết bị VMS nhưng làm vô hiệu hóa thiết bị khi hoạt động trên biển.