Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Bộ Công an vừa ra kết luận vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định cho vay, tại Công ty CP Chế biến Thực phẩm Phương Nam và một số ngân hàng tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang.
Nguyên Chủ tịch HĐQT Lâm Ngọc Khuân và con gái Lâm Ngọc Hân (nguyên Giám đốc Công ty Phương Nam) bị truy nã quốc tế vì “chịu trách nhiệm chính về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nhưng đã ra nước ngoài (Ông Khuân cùng vợ đi ngày 30/11/2011, bà Hân đi ngày 11/7/2012).
Lừa đảo
Từ năm 2008, Công ty Phương Nam lỗ năm thấp nhất hơn 15 tỷ đồng, năm cao nhất hơn 342 tỷ. Tổng cộng lỗ đến năm 2012, theo Sở Tài chính Sóc Trăng, hơn 996 tỷ đồng. Ông Khuân chỉ đạo lập khống 19 báo cáo, cho rằng năm nào cũng lãi (từ năm 2008 đến 2010 lãi gần 41 tỷ đồng) để vay tiền ngân hàng. Tôm trong kho đông lạnh trị giá 123 tỷ đồng bị “thổi” lên thành hơn 747 tỷ đồng để thế chấp vay tiền nhiều ngân hàng. Sau khi vợ chồng Khuân bỏ trốn, ngân hàng bán kho hàng chỉ được hơn 41 tỷ đồng.
Giám định của Sở Tài chính Sóc Trăng: Tổng số tiền Công ty vay 8 ngân hàng hơn 16.054 tỷ đồng; trong đó dùng sai mục đích 9.789 tỷ (gần 61%) gồm đảo nợ hơn 9.594 tỷ và kinh doanh khác, chiếm dụng cá nhân. Chỉ đúng mục đích hơn 6.265 tỷ đồng mua nguyên liệu sản xuất, trả lãi vay.
Một số hành vi dùng tiền vay ngân hàng vào mục đích cá nhân: Ông Khuân tạm ứng hơn 71 tỷ đồng, đã hoàn ứng bằng hóa đơn chi phí đi nước ngoài, tiếp khách gần 66 tỷ, còn lại “chiếm đoạt bỏ trốn”. Ông Khuân xây lâu đài tại Sóc Trăng trị giá khoảng 40 tỷ đồng, dùng mẫu hợp đồng thi công văn phòng Công ty để 5 cán bộ Công ty ký 81 chứng từ, lấy hơn 28 tỷ của Công ty.
Công ty Phương Nam nợ lớn từ năm 2007, nợ 793 tỷ đồng và liên tục tăng trong các năm sau, đến ngày vợ chồng ông Khuân bỏ trốn, để lại nợ ngân hàng hơn 1.679 tỷ đồng. Tính đến ngày khởi tố vụ án (31/10/2012), số tiền nợ lên tới 1.752 tỷ đồng, trong khi tài sản thế chấp chỉ hơn 639 tỷ; gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 1.072 tỷ đồng, ông Khuân và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt hơn 470 tỷ.
“Đỡ” cho Phương Nam, nhiều ngân hàng khốn
Tiếp tay
Gian dối kéo dài, ngân hàng không phát hiện được, vì khi cho vay chỉ dựa vào báo cáo của Công ty. VDB Sóc Trăng cho vay 6 hợp đồng bằng tài sản thế chấp là kho tôm đông lạnh, sử dụng biên bản kê khống nhiều hơn giá trị thực và còn dùng lại biên bản cũ để cho vay. LPB Hậu Giang cho vay 7 hợp đồng và phụ kiện hợp đồng, đều theo biên bản kê khống kho tôm thế chấp cao gấp nhiều lần thực tế. Đặc biệt: LPB có 14 lần kiểm tra định kỳ tài sản thế chấp nhưng đều không kiểm đếm nên không phát hiện gian dối; 15 lần kiểm tra sử dụng vốn cũng không phát hiện sử dụng sai mục đích. Đầu năm 2012, phát hiện Phương Nam dùng kho tôm đông lạnh kê khống đem thế chấp vay tiền 6 ngân hàng, LPB Hậu Giang còn tăng hạn mức thêm 33 tỷ đồng cho Công ty vay nhằm “đảo nợ, che giấu nợ xấu”. Vietcombank Sóc Trăng cho vay mua nguyên liệu chế biến xuất khẩu, nhưng hồ sơ vay chỉ có bảng kê của Công ty.
Dư nợ của Phương Nam đến 30/11/2012 ở 8 ngân hàng: VDB Sóc Trăng hơn 419 tỷ đồng, LPB Hậu Giang hơn 363 tỷ, Agribank Sóc Trăng gần 535 tỷ, Sacombank Sóc Trăng hơn 162 tỷ, Vietcombank Sóc Trăng gần 127 tỷ, An Bình Bạc Liêu hơn 87 tỷ, Vietinbank Sóc Trăng gần 10 tỷ, Việt Thái gần 50 tỷ.
Năm ngân hàng được xác định thiệt hại: VDB Sóc Trăng (hơn 343 tỷ đồng), LPB Hậu Giang (gần 259 tỷ), Sacombank Sóc Trăng (hơn 132 tỷ), Vietcombank Sóc Trăng (hơn 88 tỷ), AB Bạc Liêu (hơn 39 tỷ). 25 cựu quan chức ở 5 ngân hàng này bị đề nghị truy tố do “vi phạm các quy định về cho vay…”, trong đó đông nhất là LPB Hậu Giang (8 người).
>> Luật sư Nguyễn Trường Thành, Văn phòng LS Vạn Lý (Đoàn LS Cần Thơ): Đã xác định lãnh đạo Phương Nam “lừa đảo” thì có nghĩa quan chức ngân hàng “bị lừa đảo”, có thiếu sót nhưng không trực tiếp gây thiệt hại; hơn nữa, Phương Nam đã tái cấu trúc, nhận nợ và xác định thời hạn thanh toán với ngân hàng cũng chưa được làm rõ. |