Để có tiền trả lương công nhân, điện, nước và trị bệnh cho vợ…, ông Cao Hướng Thiên – Giám đốc Công ty Mai Sao (trụ sở tại Cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) đã lập hai sổ kế toán vay ngân hàng và bên ngoài. Khi số nợ mất cân đối hàng chục tỷ đồng, giám đốc tuyên bố phá sản.
Lập chứng từ khống chiếm đoạt tiền tỷ
Ngày 29-5-2013, thượng tá Nguyễn Văn Luyện – Trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Kiên Giang – cho biết đang hoàn tất hồ sơ, chuyển Viện kiểm sát cùng cấp đề nghị truy tố Cao Hướng Thiên (SN 1962, ngụ KP7, P.An Bình, TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, Giám đốc Công ty TNHH Mai Sao, gọi tắt là Công ty Mai Sao) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày 13-1-2005, Công ty Mai Sao được thành lập với ngành nghề kinh doanh chế biến, bảo quản, buôn bán, xuất nhập khẩu thủy sản. Từ năm 2005 – 2009, ông Thiên được xem như đại gia trong ngành thủy sản của tỉnh Kiên Giang, tích cực xây dựng nhà xưởng, thêm nghề phụ là kinh doanh bất động sản.
Công ty Mai Sao lâm cảnh phá sản nhưng giám đốc Thiên vẫn lập hồ sơ khống vay hơn 41 tỷ đồng. |
Năm 2010, công ty gặp khó khăn: chi phí sản xuất tăng, sản phẩm xuất bán cho các thị trường giảm sút… Đặc biệt, giá mua nguyên liệu đầu vào cao, bán ra thấp dẫn đến thua lỗ trầm trọng, mất cân đối về tài chính, công ty không có khả năng sản xuất, thanh toán nợ cho các đối tác nhưng ông Thiên lại dùng thủ đoạn gian dối để lấp liếm, không tuyên bố phá sản, đồng thời chỉ đạo cấp dưới lập hai hệ thống sổ sách kế toán, báo cáo tài chính. Cụ thể, một để phản ánh tình hình thực tế của công ty, báo cáo với cơ quan thuế; sổ còn lại báo cáo sai sự thật rằng công ty hoạt động có lãi để vay vốn ngân hàng. Đến khi được đồng ý giải ngân hồ sơ vay, Thiên không thực hiện đúng cam kết, sử dụng sai mục đích. Qua kiểm tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang xác định: năm 2009, công ty báo cáo với cơ quan thuế lãi hơn 500 triệu đồng nhưng báo với các ngân hàng lãi hơn 2 tỷ; năm 2010, báo với ngành thuế lỗ hơn 1 tỷ nhưng với các ngân hàng lại nổ là “lãi hơn 8 tỷ đồng”. Đến quý III năm 2011, công ty ngưng hoạt động nhưng ông Thiên vẫn báo với ngân hàng lãi hơn 8 tỷ…
Với thủ đoạn trên cùng sự thiếu kiểm tra của cán bộ ngân hàng, Thiên tiếp tục được vay hàng chục tỷ đồng. Từ tháng 8-2011, với tư cách giám đốc công ty, Thiên ký nhiều hợp đồng vay vốn theo hạn mức với Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) ngoại thương chi nhánh Kiên Giang, mỗi hợp đồng từ 500 triệu đến 3 tỷ đồng. Trong bốn tháng (từ tháng 8 đến tháng 12-2011), tổng số tiền Thiên được giải ngân lên đến hơn 34 tỷ đồng nhưng chỉ sử dụng 7,7 tỷ mua nguyên liệu. Trong khoảng thời gian trên, Thiên ký 12 hợp đồng vay vốn từ 1 đến 3 tỷ đồng với Ngân hàng đầu tư và phát triển Kiên Giang, nhận vay hơn 15 tỷ đồng để sản xuất nhưng số tiền sử dụng đúng mục đích chỉ có 2 tỷ.
Vay nhiều nhưng không sản xuất, Công ty Mai Sao lâm cảnh nợ nần chồng chất. Thiên tìm đến Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội chi nhánh Kiên Giang tiếp tục ký hợp đồng thế chấp tài sản là hàng hóa tồn kho, luân chuyển thủy hải sản các loại. Ban đầu, giá trị số hàng tồn được xác định là 2,8 tỷ đồng, nhưng sau nhiều lần ký phụ lục hợp đồng tách kho, đã nâng lên gần 13 tỷ, Thiên được vay gần 3 tỷ.
Khi không đủ năng lực tài chính để kinh doanh sản xuất, Thiên đề nghị được giải cứu. Kiểm tra tổng giá trị hàng tồn kho của Thiên chỉ khoảng 20 tỷ đồng nhưng được thế chấp vay các ngân hàng hơn 41 tỷ, cơ quan chức năng bán số hàng trên thì giá trị thực tại thời điểm đó chỉ hơn 1 tỷ.
Vay ngân hàng để trả lãi bên ngoài
Tại cơ quan điều tra, Thiên thừa nhận số tiền vay ngân hàng dùng vào việc trả lương công nhân, điện, nước và tiền vay nóng bên ngoài. Cụ thể, công ty vay Ngân hàng TMCP Ngoại thương chi nhánh Kiên Giang hơn 34 tỷ đồng nhưng trả vay nóng bên ngoài đến 21 tỷ vay Ngân hàng đầu tư và phát triển Kiên Giang hơn 15 tỷ đồng, trả nợ vay nóng 7 tỷ. Bên cạnh đó, Thiên còn tận dụng mối quan hệ trong kinh doanh, nhận của Công ty Tài Phát 920 triệu đồng nhưng không thanh toán…
Ngoài ra, theo lời khai của bà Nguyễn Thị Vân, từ tháng 10 đến tháng 12-2011 bà đã nhiều lần cho Thiên vay tiền, tổng số lên đến 11,5 tỷ đồng, lãi suất 5%/tháng. Từ thời điểm vay đến ngày Thiên bị bắt, vị giám đốc này không thanh toán số tiền trên. Với bà Nguyễn Thị Thanh Ngọc, Thiên thừa nhận đã trả lãi và vốn nhưng vẫn còn nợ hơn 20 tỷ. Hiện đối tượng còn nợ thuế 133 triệu đồng, nợ lương công nhân viên và tiền bảo hiểm gần 100 triệu…