Đại hội HNC Việt Nam lần thứ III: Vì sự phát triển chung

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Đại hội Hội Nghề cá Việt Nam nhiệm kỳ III (2012-2017), được coi là dấu mốc quan trọng đánh dấu thời kỳ phát triển mới với nhiều thay đổi mang tích cực. Cũng nhân dịp này, đại diện Hội Nghề cá các tỉnh đã có nhiều ý kiến đóng góp.

Ông Nguyễn Lương Hiền -Chủ tịch Hội Nghề cá Thừa Thiên – Huế: Cần hoàn thiện điều lệ Hội

Hội Nghề cá Thừa Thiên – Huế hiện có khoảng hơn 5.000 hội viên, hoạt động trong 60 chi hội nghề cá cơ sở, được phát triển rộng khắp các xã thuộc 5 huyện ven biển. HNC đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của nghề cá Việt Nam. Tuy nhiên, để hoạt động của Hội ngày càng phát triển hơn, HNC Việt Nam cần hoàn thiện điều lệ Hội để có một chính sách thống nhất, hướng dẫn các hội cơ sở hoạt động có hiệu quả hơn. Đồng thời, cần quan tâm đến việc phát triển thể chế quản lý nhằm triển khai nhân rộng về sau.

 

 Mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương phát triển tại Vân Đồn, Quảng Ninh             Ảnh: Huy Hùng

 

Ông Cao Tuy – Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Ninh: Cần được công nhận là hội đặc thù

Hiện, Hội Nghề cá Quảng Ninh đã thành lập và tổ chức được 10 huyện hội, chi hội, thành hội và 3 hội nghề cá chuyên ngành trực thuộc tỉnh Hội, tổng số hội viên là 5.000 người. Với cơ sở vật chất được kiện toàn, Hội đã tham gia tích cực vào các chương trình dự án, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nuôi. Đồng thời, tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền trong việc chỉ đạo, tạo điều kiện cho các hoạt động của Hội được phát triển.

Những năm qua, Hội Nghề cá Việt Nam hoạt động có hiệu quả và có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của ngành thủy sản. Để phát huy hết tiềm năng và thế mạnh và giúp Hội phát triển hiệu quả và bền vững, Trung ương Hội nên đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ NN&PTNT nghiên cứu công nhận là hội đặc thù.

 

Ông Tạ Minh Phú – Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Bạc Liêu: Cần phổ biến kiến thức, kỹ thuật cho các hội viên

Nhằm đẩy mạnh sự phát triển của các chi hội ở Bạc Liêu, Hội Nghề cá tỉnh mong muốn HNC Việt Nam cần phổ biến kỹ thuật, thực hiện ưu đãi vốn trong sản xuất, liên kết giữa “4 nhà” giúp ngư dân yên tâm phát triển sản xuất.

 Bạc Liêu là một tỉnh có thế mạnh về thủy sản vào bậc nhất ở khu vực ĐBSCL, với diện tích nuôi trồng thủy sản gấp 2 lần nông nghiệp, sản lượng và diện tích nuôi thủy sản đứng thứ 2 trong cả nước. Để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế thủy sản, Nhà nước cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng trong khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản, ưu tiên phát triển và đào tạo nghề cho ngư dân.

 

Ông Nguyễn Chước – Chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng: Cần hình thành Quỹ hỗ trợ nghề cá

Hội Nghề cá Việt Nam phải trở thành một tổ chức xã hội nghề nghiệp rộng rãi, hoạt động với tư cách là người đại diện, cầu nối cho người nuôi cá với Nhà nước và xã hội, với các nhà khoa học, các doanh nghiệp.

Đề nghị Nhà nước đưa Hội trở thành hội đặc thù, hoạt động theo cơ chế của Nhà nước và hình thành Quỹ hỗ trợ nghề cá trong cả nước. Vì hoạt động đánh bắt xa bờ gặp nhiều rủi ro, đầu tư cho phát triển nghề theo hướng công nghiệp, hiện đại cần có vốn. Quỹ này trích từ một phần ngân sách Nhà nước và đóng góp của các doanh nghiệp, các chi hội cơ sở để bảo trợ sự phát triển bền vững của nghề cá.

 

Ông Võ Thiên Lăng – Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa: Triển khai mô hình tàu mẹ – tàu con tại các địa phương

Thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa cùng với chi Hội Nghề cá tỉnh tổ chức thực hiện thí điểm mô hình tàu mẹ – tàu con nhằm giảm chi phí nhiên liệu khi ra khơi, giảm tổn thất sau thu hoạch, rút ngắn thời gian bảo quản sản phẩm, đồng thời, góp phần tăng số chuyến đi biển của ngư dân. Tuy nhiên, đây mới chỉ là mô hình thử nghiệm cần có thời gian để kiểm chứng về lợi ích mà nó mang lại. Nhà nước cần hỗ trợ cho Công ty CP Thủy sản Hải Vương tại Khánh Hòa sản xuất tàu cá, tạo điều kiện cho ngư dân mua tàu được thuận lợi. Và cần triển khai mô hình này ở các tỉnh khác rồi nhân rộng trong cả nước.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!