Đăk Lăk: Triển vọng nuôi cá lăng nha

Chưa có đánh giá về bài viết

Gia đình anh Nguyễn Minh Tuấn, thôn Cao Thành, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) thực hiện thành công mô hình nuôi thử nghiệm cá lăng nha trong lồng bằng thức ăn viên tổng hợp do Chi cục Thủy sản tỉnh hỗ trợ.

Mô hình nuôi cá lăng nha trong lồng bằng thức ăn công nghiệp trên hồ chứa của anh Tuấn có thể tích 36 m3. Anh đã thả nuôi 1.440 con giống, mật độ trung bình 40 con/m3. Trong quá trình nuôi, anh Tuấn sát trùng lưới (trước khi treo vào khung lồng) và treo các túi vôi ở góc lồng nhằm khử khuẩn, ổn định môi trường nước, phòng mầm bệnh. Thức ăn công nghiệp được sử dụng là viên tổng hợp dạng chìm (có độ đạm > 43%) trộn với vitamin tổng hợp cho cá và một lượng ít cá tạp. 

 

 

Mô hình nuôi cá lăng nha tại gia đình anh Tuấn

 

Cùng mô hình hộ anh Tuấn, Chi cục Thủy sản còn tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi cá lăng nha với sự tham gia của hơn 30 cán bộ, nông dân xã Ea Kao. Nông dân được hướng dẫn chọn vị trí đặt lồng, phương pháp xử lý nước, chọn và thả giống, kỹ thuật chăm sóc ở từng giai đoạn, phương pháp quản lý, phòng trị một số dịch bệnh thường gặp… 

Tại điểm mô hình của anh Tuấn, khối lượng cá nuôi sau 7 tháng đạt 0,7- 1,0 kg/con (nuôi từ con giống cỡ 20- 25g/con), tỷ lệ sống đạt trên 90%. Tổng chi phí thực hiện mô hình 71,9 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí. Tổng thu từ mô hình được 98,7 triệu. Lợi nhuận thu về 26,8 triệu  (lợi nhuận trung bình gần 700.000 đ/m3 lồng).

Theo kết quả nghiệm thu, mô hình nuôi cá lăng nha trong lồng bằng thức ăn viên tổng hợp của gia đình anh Nguyễn Minh Tuấn đạt kết quả tốt. Trong quá trình nuôi cần chú ý theo dõi và phòng bệnh nấm thủy mi và bệnh rận cá. Đây là hai bệnh thường gặp và khá nguy hiểm có thể ảnh hưởng lớn đến sản lượng cũng như chất lượng cá nuôi. Để phòng bệnh này, cần chú ý đến môi trường nước, đặc biệt là thời điểm bắt đầu mùa mưa. Đồng thời, phải thường xuyên kiểm tra lồng nuôi, các túi vôi treo ở góc lồng và vệ sinh lồng nuôi theo định kỳ 2- 3 tuần/lần để tránh thất thoát cá nuôi, khử mầm bệnh, đảm bảo lưu thông nước trong và ngoài lồng.

Đây là mô hình nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng mặt nước để phát triển thủy sản từ đó tạo sản lượng lớn, tập trung để cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng tại chỗ, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo.

Nguyễn Thăng

Theo Nông Nghiệp Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!