Đắk Nông: Nghề nuôi cá đang tăng diện tích và sản lượng

Chưa có đánh giá về bài viết

Những năm gần đây, lĩnh vực nuôi cá trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có nhiều bước phát triển, tăng cả về diện tích nuôi trồng và sản lượng. Cụ thể, trong năm 2012, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1.343 ha, sản lượng trên 3.268 tấn, tăng 689 ha và trên 2.200 tấn so với năm 2005. Trong đó, cá là đối tượng nuôi chính, chiếm đến 95,84%.

Đa dạng các hình thức nuôi

Nghề nuôi cá ở hồ chứa mới được hình thành thời gian gần đây. Hình thức nuôi đơn giản nhất là vào đầu vụ, các hộ dân thả cá giống ra hồ hoặc nuôi cá trong lồng…Hiện nay, nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao như cá tầm, cá lóc bông… chủ yếu được nuôi lồng tại các lòng hồ thủy điện.

 

Nuôi cá lồng tại lòng hồ thủy điện Đắk R’tíh. Ảnh: Hồng Thoan

Ðiển hình là tại lòng hồ Thủy điện Ðồng Nai 3 (Ðắk Glong) có khoảng 140 hộ nuôi cá lồng, với tổng diện tích trên 3.080 m2 và số lượng cá thả nuôi thường xuyên đạt khoảng 700.000 con. Các hộ nuôi cá chủ yếu sử dụng thức ăn công nghiệp và các loài cá tạp.

Cá lóc phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên phát triển khá tốt, mức tăng trọng bình quân từ 150 – 160 g/con/tháng. Sản lượng ước tính mỗi năm đạt khoảng 420 tấn. Giá cá lóc bông trên thị trường luôn giữ ổn định nên người dân có thu nhập cao.

Còn tại huyện Chư Jút, nông dân cũng đang được khuyến khích nuôi cá lăng đuôi đỏ bằng lồng trên sông. Theo Trạm thú y huyện thì khi tham gia dự án  “Nuôi cá lăng đuôi đỏ trong lồng” trên sông Sêrêpốk, các hộ dân được hỗ trợ 4.200 con cá giống, thức ăn… cũng như được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng, trị bệnh cho cá và tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tế từ những mô hình nuôi cá lăng trong lồng.

Ngoài ra, tận dụng các diện tích ao hồ, sình lầy cải tạo, nông dân tổ chức nuôi cá với các hình thức bán thâm canh bậc thấp hoặc nuôi quảng canh cải tiến. Trước đây, các hộ nuôi thường nuôi ghép cá mè trắng với các loài cá khác.

Tuy nhiên, những năm gần đây, do nhu cầu thị trường đòi hỏi các loài cá có chất lượng cao nên các hộ dân đã chuyển sang nuôi ghép cá trắm cỏ hoặc cá rô phi (chiếm 50 – 60%) với các loài cá khác, năng suất đạt đến 5,1 tấn/ha.

Nhiều tiềm năng phát triển

Theo Sở NN&PTNT Đắk Nông thì trên địa bàn tỉnh, ngoài diện tích ao hồ của các nông hộ thì ở các địa phương còn có hàng nghìn héc ta mặt nước từ các ao đầm tự nhiên, hồ chứa nước thủy lợi, mặt thoáng của các công trình thủy điện. Qua thống kê hiện tại, toàn tỉnh có tổng diện tích đất sông suối và mặt nước khoảng 17.008 ha.

Phần lớn diện tích này đều có đủ điều kiện để khuyến khích phát triển nghề nuôi cá ở quy mô vừa và nhỏ. Ngoài ra, tỉnh ta còn có khí hậu ôn hòa, hệ thống các sông, suối chính như: sông Sêrêpốk, sông Krông Nô, sông Ðồng Nai, suối Ðắk R’tíh, suối Ðắk Nông, suối Ðắk Rung…thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi cá lồng bè, cá nước lạnh.

Ðể đẩy mạnh phát triển nghề cá, chủ động tạo nguồn giống cung cấp cho người dân, mới đây, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với UBND huyện Ðắk Mil khởi công xây dựng Trung tâm giống thủy sản tỉnh tại  bon Jun Júh, xã Ðức Minh.

Công trình được xây dựng trên diện tích 16,4 ha, với tổng vốn đầu tư là 116 tỷ đồng, khi đi vào hoạt động sản xuất, sẽ đáp ứng nhu cầu cá giống trên địa bàn tỉnh với các giống cá truyền thống có chất lượng tốt.

Ngoài ra, Trung tâm còn làm nhiệm vụ liên kết với các trung tâm giống ngoài tỉnh để nghiên cứu, tiếp nhận các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới chuyển giao cho nông dân nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng mặt nước nuôi trồng thủy sản.

Cùng với việc tích cực chuyển giao kỹ thuật bằng việc xây dựng nhiều mô hình trình diễn các loại cá diêu hồng, rô phi, ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo nông dân nên thực hiện công nghệ nuôi thâm canh, bán thâm canh; duy trì và phát triển mô hình VAC với các hình thức nuôi ghép, nuôi chuyên, nuôi cá nước chảy và nuôi cá nước lạnh…để đạt kết quả cao nhất.

Thùy Dương

Đắk Nông Điện tử

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!