Đảm bảo nguồn cung giống thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Vừa qua, tại cơ sở 2, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP Cần Thơ đã sản xuất thành công giống cá chép và xuất bán đợt đầu tiên ra thị trường. Đây cũng sẽ là nơi sản xuất và cung cấp giống cá nước ngọt và tôm càng xanh toàn đực uy tín cho người nuôi.

Thành công lứa đầu tiên

Năm 2020, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ thành lập Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp trên cơ sở hợp nhất 3 đơn vị (gồm: Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; Trung tâm Khuyến nông và Trung tâm giống thủy sản cấp 1). Trong đó, cơ sở 1 đặt tại huyện Thới Lai, đã đưa vào hoạt động từ trước, chuyên sản xuất giống cây trồng, vật nuôi và một số loài cá nước ngọt, như cá điêu hồng, cá chạch bùn… Cơ sở 2 tại địa bàn xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ có diện tích 21 ha, được đầu tư 150 tỷ đồng. Cơ sở 2 được khởi công xây dựng từ giữa năm 2013, dự kiến đến đầu năm 2015 sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động. Trong quá trình thực hiện, vì nhiều nguyên nhân khác nhau dự án liên tục chậm tiến độ. Đến năm 2021, dự án mới hoàn thành.

Ao nuôi tôm càng xanh bố mẹ tại cơ sở 2, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP Cần Thơ. Ảnh: Nguyên Việt

Hiện, tại cơ sở 2 có 36 ao ương nuôi, nhà sản xuất giống. Trong đó, 3 ao sử dụng để cấp nước, 2 ao chứa bùn thải, 2 ao lắng thải và 29 ao dành cho kế hoạch triển khai sản xuất các loại giống thủy sản mới trên thị trường đang có nhu cầu. Vừa qua, cơ sở đã xuất bán đợt con giống đầu tiên với số lượng là 154 kg cá chép giống (cỡ cá 400 con/kg). Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường đang tăng cao, sắp tới, tại cơ sở 2 của Trung tâm sẽ xuất bán giống cá tra, giống tôm càng xanh toàn đực.

Đáp ứng nhu cầu

Theo chị Trần Thị Tuyết Phượng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP Cần Thơ, vừa qua cơ sở 2 của Trung tâm đã tiếp nhận 400 con cá tra bố mẹ từ Viện Nghiên cứu NTTS II với chất lượng được cải thiện đáng kể. Để nâng cao chất lượng con giống, Trung tâm đã áp dụng kỹ thuật tiêm vaccine trên cá tra giống để phòng chống các bệnh gan, thận, mủ…; từ đó giúp giảm tỷ lệ hao hụt khoảng 30% (hiện tỷ lệ hao hụt cá tra giống khi người nuôi cá mua về mua còn ở mức 40 – 50%). Trong điều kiện bình thường, khi con giống cá tra ương nuôi đạt cỡ 100 con/kg sẽ tiến hành tiêm vaccine và khoảng 21 ngày sau, cá đạt cỡ 30 con/kg sẽ xuất bán. Đối với giống tôm càng xanh toàn đực, tại cơ sở 2 đang thả nuôi với quy mô 9 ao, 2 trại ương con giống. Hiện có 4 ao nuôi 46.700 con tôm hậu bị (gồm 24.000 con cái và 22.700 con đực).

Ông Nguyễn Thanh Hừng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Cần Thơ cho biết, về chất lượng con giống, người nuôi có thể yên tâm tin tưởng vì nguồn giống bố mẹ được nhập có nguồn gốc rõ ràng và được chăm sóc cẩn thận. Ngoài ra, khi con giống tới tay người nuôi, cán bộ khuyến nông hay các kỹ sư của Trung tâm luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ trong quá trình nuôi.

“Mục tiêu trước mắt của các cơ sở là sản xuất giống đảm bảo nguồn cung các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, với số lượng lớn đáp ứng nhu cầu của người dân trong địa bàn thành phố. Song, trong điều kiện nguồn lực vốn đầu tư vào sản xuất có hạn, để phát huy hết năng lực của 2 cơ sở sản xuất giống, Trung tâm có kế hoạch mở rộng sản xuất thông qua phương thức liên doanh liên kết với các đơn vị doanh nghiệp vừa có tiềm lực về vốn, công nghệ sản xuất giống và đặc biệt có thị trường tiêu thụ con giống số lượng lớn không chỉ trong thành phố mà có thể cung cấp sang các tỉnh khu vực ĐBSCL”, ông Hừng chia sẻ.

>> Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho biết: “Ngoài liên kết cung cấp giống cho các doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp vẫn ưu tiên các loại giống thủy sản mà người dân có nhu cầu. Qua đó, phát huy công tác nghiên cứu, bảo tồn các loài gen thủy sản quý hiếm của khu vực”.

Thái Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!