Đầm Hà là huyện có diện tích nuôi trồng thủy sản rất lớn với gần 180ha. Trong đó, đa phần là nuôi tôm, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. Sau mỗi vụ nuôi, bùn đáy ao nuôi không được xử lý đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước và chất lượng nuôi. Bởi vậy, huyện Đầm Hà đã và đang triển khai mô hình ứng dụng công nghệ chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản tại hai xã Đầm Hà và xã Tân Bình nhằm mục đích mở ra một hướng phát triển bền vững trong nuôi trồng thủy sản ở huyện.
Tại Đầm Hà, nuôi tôm công nghiệp đã được triển khai trong dự án nuôi trồng thủy sản từ năm 2003. Những năm đầu mới đưa vào sản xuất tôm lớn nhanh, hệ số chuyển hóa thức ăn ít, không có dịch bệnh. Nhưng, mấy năm trở lại đây do ao đầm đã cũ, lượng chất thải lớn nên người dân đã sử dụng lượng kháng sinh và hóa chất khá lớn để cải tạo ao đầm và xử lý dịch bệnh dẫn đến môi trường bị thoái hóa, nhiễm hóa chất và kháng sinh.
Huyện Đầm Hà đang triển khai những bước đầu dự án ứng dụng công nghệ chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản: chọn tôm giống và thả tôm.
Ông Trần Nam Trung, Phó Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Đầm Hà cho biết: Hiện nay, mô hình nuôi tôm công nghệp theo quy trình có sử dụng thuốc hóa chất đã gây ra hiện tượng tôm chậm lớn, nhiều nơi xảy ra dịch bệnh khiến tôm chết hàng loạt. Cộng thêm việc xử lý đáy ao nuôi chủ yếu theo phương pháp truyền thống thậm chí có ao nuôi không được xử lý làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước và chất lượng tôm.
Trước thực trạng đó, huyện Đầm Hà đã triển khai thực hiện mô hình ứng dụng chế phấm sinh học mới trong nuôi tôm tại hai hộ gia đình thuộc hai xã Đầm Hà và Tân Bình. Các chế phẩm sinh học mới trong nuôi trồng thủy sản tại Đầm Hà là sản phẩm của Công ty cổ phần công nghệ sinh học Biotech nghiên cứu, đã được cấp phép, đưa vào sản xuất và bán trên thị trường. Công nghệ sử dụng chế phẩm sinh học này bao gồm: các chế phẩm xử lý nước (BTS, BTS1), chế phẩm xử lý đáy ao nuôi (BIOF) gây màu nước (BIOF1), giảm khí độc, thuốc phòng và trị bệnh (ATV)…Công nghệ này đã được áp dụng thành công tại một số địa phương như Thái bình, Nam Định… góp phần tăng năng suất và tăng hiệu quả kinh tế.
Cán bộ, kỹ sư thủy sản có chuyên môn và kinh nghiệm thuộc Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Quảng Ninh phối hợp với các cán bộ kỹ thuật của công ty cổ phần sinh học tiến hành chỉ đạo và cùng thực hiện mô hình. Họ cùng chịu trách nhiệm về cung ứng vật tư giống cho quá trình thực hiện dự án, theo dõi tốc độ sinh trường và đánh giá hiệu quả dử dụng chế phẩm sinh học mới so với trước.
Theo ông Trung cho biết tổng số vốn đầu tư dự án là 1.264.734.000 đồng. Trong đó, ngân sách sự nghiệp khoa học là 158.450.000 đồng để hỗ trợ các chi phí mua chế phẩm sinh học, tập huấn kỹ thuật, tổng kết dự án, chi phí quản lý dự án. Vốn đối ứng của hộ gia đình là 1.106.284.000 đồng dùng để chi cho việc mua giống tôm, thức ăn, công lao động nuôi dưỡng và chăm sóc tôm.
Mô hình ứng dụng công nghệ chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản trên tổng diện tích 8ha nuôi trồng của hai gia đình ông Trần Duy Chinh, thôn Bình Nguyên, xã Tân Bình và ông Trần Trung Tá, thôn Đầm Buôn, xã Đầm Hà.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Trung Tá, thôn Đầm Buôn, xã Đầm Hà chia sẻ: Diện tích ao nuôi này đã được gia đình tôi đưa vào nuôi tôm từ năm 2000 nên đáy ao đã xuất hiện dấu hiệu thoái hóa do sử dụng quá nhiều hóa chất xử lí nước và hầu như chưa sử dụng chế phẩm sinh học nào trong suốt quá trình nuôi. Do vậy, khi được huyện chọn là một trong 2 hộ tiêu biểu để thử nghiệm chế phẩm sinh học này tôi hi vọng sẽ phần nào cải tạo và nâng cao chất lượng ao nuôi và hệ thống xử lý nước thải ở ao nuôi.
Dự án mới đi vào triển khai từ những khâu đầu tiên là chọn tôm giống và thả tôm. Dự kiến, sau 100 ngày, tổng sản lượng ước đạt 42 tấn, sản lượng trung bình khoảng 8,4 tấn/ha, trọng lượng tôm đạt 15g/con.
Dự án này không chỉ là niềm hi vọng của hai gia đình được thử nghiệm mà còn là kì vọng của toàn bộ người dân huyện Đầm Hà. Việc ứng dụng chế phẩm sinh học vào ao nuôi tôm sẽ góp phần giảm công lao động, tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi, tạo sản phẩm sạch với mô hình nuôi bền vững. Đặc biệt, qua mô hình, người dân còn được hoàn thiện kỹ thuật nuôi tôm chân trắng công nghiệp bằng việc sử dụng các chế phẩm sinh học, góp phần mở rộng sản xuất vào những năm tiếp theo để con tôm chân trắng là vật nuôi giúp bà con nông dân xóa đói giảm nghèo.
Sau khi hoàn thành xong dự án, Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công Nghệ Quảng Ninh tiếp tục tư vấn, phổ biến kĩ thuật sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản cho tất cả mọi người có nhu cầu sử dụng chế phẩm sinh học này.