T2, 06/07/2020 10:02

Đầm Nha Phu – Băn khoăn khó giải

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Đầm Nha Phu được đánh giá là một trong những vựa cung cấp nguồn lợi thủy hải sản lớn trong tỉnh Khánh Hòa và khu vực có nhiều tuyến du lịch biển đảo hấp dẫn. Nuôi trồng hải sản trên đầm đã góp phần mang lại giá trị kinh tế cho người dân nhưng cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giao thông đường thủy và tác động đến cảnh quan môi trường nơi đây.

Tìm một mô hình phù hợp

Đầm Nha Phu rộng khoảng 1.500 ha. Trước đây, nổi tiếng với nhiều chủng loại hải sản như: tôm, cua, sò, ốc, vẹm xanh, là nguồn sống của hàng ngàn nông dân các xã, phường  ven biển của thành phố Nha Trang và thị xã Ninh Hòa như: Vĩnh Lương, Ninh Ích, Ninh Lộc, Ninh Hà, Ninh Phú, nhưng do khai thác quá mức, cộng với sự ô nhiễm môi trường nước ngày càng tăng, sản lượng tự nhiên đã và đang cạn kiệt dần. Người dân trong khu vực từ hơn 10 năm trở lại đây chuyển dần từ khai thác sang nuôi trồng như vẹm xanh, tôm hùm, cá bớp bởi các giống này có khả năng thích ứng tốt với môi trường trên đầm. Ông Lê Văn Viễn, trú ở xã Vĩnh Lương kể lại: Trước đây ông nuôi tôm hùm nhưng bị dịch bệnh do môi trường ô nhiễm nên không đạt hiệu quả. Hiện ông nuôi cá bớp có giá thu mua tại lồng khoảng 130.000 đồng/kg nên hiệu quả kinh tế tương đối cao và cũng ít ảnh hưởng môi trường.

Tàu du lịch Long Phú đang hoạt động thì chân vịt vướng lưới

Khoảng 2 năm trước trên đầm Nha Phu có hơn 200 lồng nuôi tôm hùm nhưng do dịch bệnh, ô nhiễm nguồn nước nên số người nuôi giảm, nhiều người chuyển hướng trở lại khai thác tôm hùm con. Ông Trần Phước Minh, trú thôn Cát Lợi, xã Vĩnh Lương chia sẻ: “Do môi trường sống đang ngày càng bất lợi nên sản lượng tôm giống sụt giảm và giá cũng không cao như trước kia, người dân cũng không còn mặn mà. Hàng ngày tôi đi thả bè, giăng lưới để bắt tôm hùm con, ngày may mắn chỉ được 1-2 con, bán chỉ 120 ngàn đồng/con”.

Hiện nay, khi nguồn lợi trên đầm Nha Phu đang ngày càng có xu hướng cạn kiệt thì việc khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi sang nuôi trồng, hạn chế khai thác đánh bắt là chủ trương đúng đắn, vừa góp phần bảo vệ nguồn lợi, vừa tạo mô hình kinh tế có hiệu quả. Nhưng bài toán đặt ra là tìm một mô hình phù hợp với con giống thủy sản vừa có giá trị kinh tế vừa thích nghi được với điều kiện của đầm để tránh tình trạng nuôi trồng tự phát và nguy cơ rủi ro cao.

               

Bài toán về môi trường và an toàn giao thông 

Theo lãnh đạo Công ty CP du lịch Long Phú – đơn vị khai thác dịch vụ vận tải hành khách đi các tuyến đảo trên khu vực đầm Nha Phu thì hoạt động nuôi trồng, khai thác đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của Công ty do chưa phân tuyến luồng lạch nên không tránh khỏi xung đột quyền lợi với người dân. Ông Lê Dũng Lâm, Giám đốc Công ty cho biết: “Thực tế khách du lịch đến đây tham quan khoảng 200.000 lượt/năm nhưng do bà con nuôi trồng tự phát, nhất là việc thả lưới, thả bẫy đóng cọc lấn chiếm diện tích mặt nước làm ảnh hưởng không chỉ hoạt động vận chuyển khách du lịch của Công ty mà cả thuyền bè qua lại của ngư dân, gây nguy hiểm tính mạng và mất mĩ quan môi trường, nhất là đối với du khách”.

Trước thực trạng nuôi trồng và khai thác thủy hải sản trên đầm Nha Phu, các ban ngành chức năng thời gian qua đã và đang có nhiều giải pháp nhằm ổn định tình hình. Trước mắt vẫn tập trung vào hoạt động tuần tra kiểm soát diện tích mặt đầm để phát hiện những hành vi vi phạm phổ biến như gây ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông đường thủy, khai thác theo kiểu tận diệt. Đồn Biên phòng Vĩnh Lương, Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa đứng chân trên địa bàn xã Vĩnh Lương – thành phố Nha Trang là đơn vị phụ trách vùng biển rất rộng trải dài trên địa bàn 5 xã, phường thuộc thành phố Nha Trang và thị xã Ninh Hòa. Do đó, hoạt động của đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn. Quá trình tuần tra kiểm soát đã phát hiện, xử lí nhiều trường hợp vi phạm an toàn đánh bắt trên đầm Nha Phu. Trong đó đã có một số vụ sử dụng chất nổ, chất độc trái phép để khai thác thủy sản trong đầm. Mặc dù số lượng không nhiều như những năm trước nhưng hành vi đánh bắt bằng chất nổ và khai thác có tính hủy diệt đã tác động rất nghiêm trọng đến môi trường sinh thái trong khu vực. Đặc biệt là mức độ hủy diệt các hệ sinh vật, góp phần làm cạn kiệt nguồn lợi thủy hải sản của đầm Nha Phu.


Tuyên truyền pháp luật cho ngư dân trên đầm

Theo tổ công tác của Đồn Biên phòng và Công an xã Vĩnh Lương cùng Công ty Long Phú kiểm tra, tuyên truyền một số cơ sở, nuôi trồng trên đầm mới thấy khó khăn. Tàu tuần tra cứ “ì ạch”, thuyền trưởng phải “căng mắt” quan sát từng bọt nước nổi lên, dây dăng cọc ngầm dưới mặt nước. Hỏi ra mới biết, nếu không cẩn trọng là dính phải người lặn tôm, dây néo các cọc tôm, Thượng úy Lê Văn Quân, Đồn Biên phòng Vĩnh Lương tâm sự: “Khi chúng tôi đến kiểm tra phương tiện hay chủ lồng bè họ thường xuyên vắng mặt nên rất khó giải quyết, xử lí hoặc nhắc nhở”.

 

Cần có chính sách phù hợp, hài hòa

Việc cắm cọc, đặt bẫy tôm hùm con vừa làm cạn kiệt nguồn tôm giống, vừa cản trở luồng lạch giao thông, nhưng vì nguồn lợi trước mắt, nhiều người dân không ý thức được tác động nguy hại đến môi trường.

Song song với các hình thức xử phạt thì công tác tuyên truyền, giáo dục được xác định là một trong những giải pháp trọng tâm để nâng cao nhận thức của người dân. Vì phần lớn bà con ngư dân nuôi trồng, khai thác thủy hải sản trên đầm Nha Phu đã từ lâu gắn bó với biển, gắn bó với đầm. Để bảo vệ nguồn lợi, hạn chế đánh bắt thì phải có hướng chuyển đổi mô hình nuôi phù hợp và có hiệu quả kinh tế cũng như có chính sách cho vay thông thoáng, thuận lợi. Cần có quy hoạch vùng nuôi, khu vực khai thác cụ thể để kiểm soát tốt hơn, hạn chế tối đa thiệt hại về môi trường, phương tiện và con người khi lưu thông trên đầm. Các cấp ngành liên quan cần có giải pháp, chính sách phù hợp để cân đối hài hòa giữa lợi ích của người dân với việc bảo đảm an toàn giao thông đường thủy và bảo vệ môi trường bền vững trên đầm Nha Phu, từ đó mới có điều kiện vận động người dân tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường.

Ông Lê Dũng Lâm, Giám đốc Công ty CP Du lịch Long Phú trăn trở: “Chúng tôi chỉ có thể cố gắng chú ý phát hiện để né tránh không để tàu du lịch vướng lưới, vướng bè của ngư dân. Công ty cũng thành lập riêng một đội tự quản để anh em kết hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra nhắc nhở bà con làm sao hạn chế những ảnh hưởng tới hoạt động vận chuyển khách tham quan trong đầm và các tuyến đảo”.

>> Hiện nay, bài toán đặt ra cho phát triển bền vững trên đầm Nha Phu là tìm một mô hình phù hợp với con giống thủy sản vừa có giá trị kinh tế vừa thích nghi được với điều kiện của đầm để tránh tình trạng nuôi trồng tự phát và nguy cơ rủi ro cao.

Văn Huệ - Khánh Huyền

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!