T2, 06/07/2020 10:22

Đang có nhiều anh “liều” như thế

Chưa có đánh giá về bài viết

“Ngày tui tập tễnh vào nghề, làng biển ni vẫn chưa khá được bao nhiêu, do tàu thuyền công suất nhỏ, sản lượng đánh bắt thấp. Khi vợ chồng tui vay ngân hàng bạc tỷ để đóng tàu, có người cho là liều, vì nghề đi biển ngày càng lắm rủi ro. Sau thấy tui thành công, nhiều người đã đầu tư tiền tỷ đóng tàu công suất lớn, bám biển dài ngày, thu nhập hàng tỷ đồng/năm…” – Nguyễn Thành Ngọc, Giám đốc Doanh nghiệp đánh bắt hải sản tổng hợp Ngọc Phương chia sẻ chuyện khởi nghiệp của mình.

Dám nghĩ dám làm

Sau một chuyến ra khơi thắng lợi, tàu thuyền của ngư dân Bảo Ninh, TP Đồng Hới về đậu kín một khúc sông. Chỉ vào hai tàu cá có tổng công suất gần 900 CV, Nguyễn Thành Ngọc nói: “Hai tàu ni của tui trị giá trên 6 tỷ đồng. Tài sản của vợ chồng tui đó sau 3 năm khởi nghiệp”. Nghe kể, tôi không khỏi giật mình, bởi Ngọc mới ngoài 40 tuổi, chỉ sau mấy năm đã có tài sản bạc tỷ, người đi biển ở vùng này chưa ai dám mơ.

Nguyễn Thành Ngọc sinh năm 1970, trong một gia đình nhiều đời đi biển ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới. Với tinh thần dám nghĩ dám làm, năm 2009, nghỉ liền mấy chuyến đi biển, Ngọc vào Bình Định học kỹ thuật đánh cá bằng lưới vây rút đêm. Trở về, Ngọc bàn với vợ mượn 7 cái sổ đỏ của bạn bè và bà con trong họ, thế chấp vay ngân hàng 1,5 tỷ đồng, cộng với 700 triệu đồng tích lũy được, đầu tư đóng mới một tàu cá 420 CV, lớn nhất nhì Quảng Bình lúc đó. Thấy Ngọc đổ vào chiếc tàu số tiền quá lớn, lại đúng vào năm nghề đi biển gặp vô vàn khó khăn do giá dầu lên cao, nhiều tàu cá phải nằm bờ vì không có lãi, nhiều người bảo vợ chồng Ngọc liều, không bình thường, sớm muộn rồi cũng phải bán tàu vì lỗ…

Ngoài 40 tuổi, Nguyễn Thành Ngọc đã có tài sản bạc tỷ

Nhờ tàu được trang bị 70 bóng siêu cao áp, máy định vị, dùng loại lưới vây đánh bắt được ở độ sâu 180 m (tàu của ngư dân thường có 30 – 40 quả bóng, lưới vây hoạt động ở độ sâu 100 m), đủ sức đánh bắt dài ngày ở nhiều ngư trường có trữ lượng hải sản lớn, mỗi tháng 3 lần, gần như tất các chuyến ra khơi, tàu của Ngọc đều thắng lợi. Nhờ đó, chỉ trong 6 tháng năm 2010, vợ chồng Ngọc đã trả xong 1,5 tỷ đồng nợ ngân hàng; cuối năm, trừ mọi chi phí, còn tích lũy được 1,5 tỷ đồng; cả 20 lao động đều được nhận gần 100 triệu đồng/người/năm. 

Năm 2011, Nguyễn Thành Ngọc đầu tư 3,7 tỷ đồng đóng thêm một tàu cá dài 20 m, rộng 6,2 m, công suất 450 CV. Có thêm tàu mới, vợ chồng Ngọc làm thủ tục thành lập Doanh nghiệp đánh bắt hải sản tổng hợp Ngọc Phương, một trong những doanh nghiệp chuyên đánh bắt hải sản đầu tiên ở Bảo Ninh, với 40 lao động, do vợ chồng Ngọc quản lý. Hai tàu cá, một do Ngọc và một do người con trai đầu làm thuyền trưởng. Năm 2012, mặc dù mất mùa biển, nhưng trong 24 chuyến ra khơi, 2 tàu của Nguyễn Thành Ngọc vẫn đánh bắt được trên 400 tấn hải sản, thu về trên 3 tỷ đồng…

 

Vươn ra biển lớn

“Từ ngày Nguyễn Thành Ngọc vay vốn đóng tàu to, làm ăn có lãi, tụi tui mới sáng mắt, dám đóng thêm nhiều tàu công suất lớn. Bây chừ, đội tàu Bảo Ninh nhất nhì Quảng Bình”. Khi tôi hỏi, nhiều ngư dân ở Bảo Ninh vừa hết lời khen công to của Nguyễn Thành Ngọc, vừa tự hào khoe đội tàu đánh cá của làng mình như vậy.

Học theo Nguyễn Thành Ngọc, mấy năm qua, nhiều ngư dân Bảo Ninh đã vay vốn, đầu tư đóng tàu công suất lớn, có thể đi biển dài ngày, như gia đình các ông Nguyễn Văn Phong (ở Sa Động), Nguyễn Công Hoan, Võ Thừa (ở Mỹ Cảnh), Trương Thanh (ở Hà Thôn)…

Năm 2012, 2 tàu của Nguyễn Thành Ngọc đánh bắt được trên 400 tấn hải sản

>> Xã Bảo Ninh hiện có 47 tổ đoàn kết, 2 tổ hợp tác, với gần 2.000 lao động trên  gần 400 tàu, thuyền. Tham gia các tổ đoàn kết, ngư dân có điều kiện thông báo, hỗ trợ, giúp đỡ nhau đối phó rủi ro khi thời tiết trên biển diễn biến phức tạp. Mô hình các tổ đoàn kết này ở Bảo Ninh đang được nhân rộng.

Hiện, toàn xã có đội tàu cá 413 chiếc, tổng công suất gần 40.000 CV; trong đó 143 tàu 90 CV trở lên thường xuyên tham gia vây khơi, câu khơi, cho năng suất và thu nhập cao. Từ năm 2009 đến nay, ngư dân toàn xã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng sắm trang thiết bị hiện đại; riêng năm 2011 đã đầu tư 40 tỷ đồng, đóng mới 9 tàu công suất hơn 400 CV… Hầu hết tàu cá công suất lớn của người Bảo Ninh đều đánh bắt ở ngư trường giàu có, nhất là Hoàng Sa, Trường Sa. Nhờ đầu tư nhiều tàu thuyền hiện đại, có khả năng đánh bắt ở ngư trường xa, nhiều tiềm năng, sản lượng và doanh thu từ nghề đi biển ở Bảo Ninh không ngừng tăng nhanh. Nếu năm 2009, toàn xã mới khai thác được trên 4.000 tấn hải sản, doanh thu trên 40 tỷ đồng, thì đến năm 2011 tổng sản lượng khai thác đạt gần 6.000 tấn, doanh thu từ khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt trên 191 tỷ đồng…

>> Ngày 22/02/2013, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Quyết định số 396/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT – XH thành phố Đồng Hới đến năm 2020. Theo đó, phát triển mạnh kinh tế biển trở thành ngành kinh tế quan trọng; Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện cả đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ; Tăng cường cơ sở vật chất, từng bước công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngành thủy sản; Mở rộng ngư trường, chú trọng đánh bắt xa bờ, kết hợp khai thác đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái biển. Phấn đấu sản lượng thủy sản đến năm 2020 đạt 10.200 tấn, diện tích nuôi trồng 580 ha.

Trương Văn Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!