(TSVN) – Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 (ban hành tại Quyết định số 274/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký ngày 2/4/2024) đã quy định chi tiết những trường hợp nào phải đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước và trường hợp nào không phải kê khai, cấp phép khai thác tài nguyên nước; trong đó có lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.
Tại khoản 5, Điều 52 Luật Tài nguyên nước năm 2023 tổ chức, cá nhân phải đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong các trường hợp như:
– Khai thác nước mặt quy mô vừa để sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản;
– Khai thác nước dưới đất quy mô nhỏ để sử dụng cho các mục đích ngoài mục đích quốc phòng và an ninh, công cộng và mục đích tại mục 1;
– Sử dụng nước dưới đất tự chảy trong moong khai thác khoáng sản để tuyển quặng tại moong hoặc bơm hút nước để tháo khô lượng nước tự chảy vào moong khai thác khoáng sản;
– Khai thác nước biển quy mô vừa để sử dụng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản trên hải đảo, đất liền;
– Công trình ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch có quy mô vừa và nhỏ với mục đích tạo nguồn, ngăn mặn, chống ngập, tạo cảnh quan;
– Sử dụng mặt nước sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ có quy mô không thuộc trường hợp quy định tại điểm h khoản 3 Điều này; sử dụng mặt nước hồ chứa để sản xuất điện mặt trời;
– Đào sông, suối; đào hồ, ao, kênh, mương, rạch để tạo không gian thu, trữ nước, dẫn nước, tạo cảnh quan có quy mô không thuộc trường hợp quy định tại điểm i khoản 3 Điều này.
Khai thác nước mặt quy mô vừa để sử dụng cho mục đích nuôi trồng thủy sản phải đăng ký theo Luật Tài nguyên nước năm 2023. Ảnh: Phan Thanh
Theo khoản 3, Điều 52 Luật Tài nguyên nước năm 2023 quy định tổ chức, cá nhân không phải kê khai, cấp phép khai thác tài nguyên nước và đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong các trường hợp như:
– Khai thác nước cho các hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phòng cháy, chữa cháy, phục vụ mục đích quốc phòng và an ninh, tưới cây và rửa đường phục vụ mục đích công cộng;
– Khai thác nước mặt quy mô nhỏ để sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản;
– Khai thác nước mặt quy mô nhỏ để sử dụng cho các mục đích ngoài mục đích nêu trên và công trình ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch có quy mô vừa và nhỏ với mục đích tạo nguồn, ngăn mặn, chống ngập, tạo cảnh quan;
– Khai thác nước cho sinh hoạt tại các khu vực trong thời gian xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sự cố ô nhiễm, dịch bệnh do cấp có thẩm quyền công bố theo quy định của pháp luật;
– Khai thác nước biển để sử dụng cho sản xuất muối;
– Khai thác nước biển phục vụ các hoạt động trên biển;
– Khai thác nước biển quy mô nhỏ để sử dụng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản trên đảo, đất liền;
– Sử dụng mặt nước sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ quy mô nhỏ;
– Đào hồ, ao, kênh, mương, rạch quy mô nhỏ để tạo không gian thu, trữ nước, dẫn nước, tạo cảnh quan;
– Hoạt động sử dụng mặt nước trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thực hiện theo quy định của pháp luật về thủy lợi;
– Các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.
Luật Tài nguyên nước năm 2023 được tiếp cận với quan điểm rất mới, đó là coi nước là một nguồn tài nguyên, thứ hai là quan điểm phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh phải bảo vệ nguồn nước, phải khai thác tiết kiệm, hiệu quả; thứ ba vì là một nguồn tài nguyên cho nên cũng có thể coi là một loại hàng hóa và trong một số trường hợp khi khai thác, sử dụng thì vẫn phải thu tiền sử dụng nước. Chính vì vậy, Luật Tài nguyên nước năm 2023 quy định các nội dung liên quan đến bảo vệ nước dưới đất, hay quy định về việc kê khai, đăng ký, cấp phép đối với việc thăm dò, khai thác, sử dụng nước; quy định về tiền cấp quyền khai thác; về dịch vụ đối với tài nguyên nước.
Vân Anh